, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 12/04/2023, 06:00

Số hóa chuỗi giá trị nông sản Việt

HUỲNH SƠN PHƯỚC
Trong bối cảnh hội nhập, thế giới đang “bất định”, bất ổn và tự do hóa thương mại thúc đẩy các khu vực liên kết “mở”, các chuỗi cung ứng số hóa đang là một giải pháp hiệu quả để các doanh nghiệp cộng sinh và không ngừng phát triển.

Đến nay, nông sản Việt Nam đã có mặt ở gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, giúp kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2022 đạt trên 53,22 tỷ USD. Tuy nhiên, để nhanh chóng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nông sản Việt cần đảm bảo yêu cầu, quy định đưa ra từ phía nước nhập khẩu, trong đó, có vấn đề thực hiện truy xuất nguồn gốc (TXNG), phúc đáp yêu cầu của hội nhập quốc tế, nâng cao tính minh bạch, giải trình cho ngành hàng, quyền lợi của nông dân.

Đối với những thị trường “khó tính” như EU, Hoa Kỳ, Australia… TXNG là một mắt xích quan trọng của hệ thống tiêu chuẩn về hàng hóa nhập khẩu, đòi hỏi sự gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm chăn nuôi, hàng hóa nông sản với TXNG.

Để quản lý TXNG, cơ sở dữ liệu quốc gia phải kiểm soát toàn bộ thông tin từ trang trại, vườn trồng đến sơ chế, đóng gói, chế biến, lưu kho, vận chuyển, phân phối và tiêu dùng. Theo đó, vườn trồng hoặc cơ sở đóng gói có nhu cầu đăng ký mã số thì trước tiên phải bảo đảm tuân thủ các yêu cầu của nước nhập khẩu. Việc đăng ký mã số trên cơ sở tự nguyện, ưu tiên các sản phẩm xuất khẩu chính ngạch.

Từ năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 100 phê duyệt “Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc” với mục tiêu đến năm 2030 sẽ hoàn thiện Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.

Đến nay, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia đang kết nối, chia sẻ dữ liệu với 8 hệ thống TXNG của 8 tỉnh, thành phố và có hơn 3.964 doanh nghiệp với bộ mã TXNG của 16.987 sản phẩm nông sản thực phẩm.

Tuy nhiên, có một thực tế đáng quan ngại là doanh nghiệp và người tiêu dùng vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa của việc TXNG và chưa hiểu đúng bản chất của TXNG. Có khoảng 95% sản phẩm được bày bán ở các siêu thị cũng như các cửa hàng được gắn mã QR Code và được giới thiệu là TXNG, nhưng thực chất đây chỉ là việc truy cập thông tin, kiểm tra hàng hóa xem đơn vị nào sản xuất, địa chỉ ở đâu… TXNG cần nhiều thông tin hơn. Việc triển khai TXNG chưa đúng đã tạo ra kẽ hở cho gian lận thương mại. Phóng sự “Rau chợ đội lốt rau VietGAP” do một tờ báo thực hiện gần đây là một ví dụ.

Tại Hội thảo Ứng dụng công nghệ AI trong nâng cao năng suất nông nghiệp do Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tổ chức ngày 23/3 tại Hà Nội, ông Đặng Xuân Trường, đại diện đến từ CTCP iCheck, cho biết, tại nước ta, nhiều tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai TXNG chuỗi nông sản bằng QR Code. Tuy nhiên việc triển khai vẫn còn gặp nhiều khó khăn vì thiếu hệ thống định danh chung cho sản phẩm, tác nhân và vùng sản xuất. Chúng ta cũng chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn về TXNG. Chưa kết nối đầy đủ với quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm và TXNG. Ngoài ra, cũng chưa kiểm tra chéo thông tin và kết nối thông tin giữa các tác nhân. Kết quả, thông tin TXNG công bố chưa đầy đủ trong toàn chuỗi, thông tin thiếu minh bạch.

Việt Nam có 19.000 hợp tác xã nông nghiệp, 14.200 doanh nghiệp nông nghiệp, 7.500 cơ sở chế biến nông nghiệp, 9.400 siêu thị và chợ hạng 1… Đây là các dữ liệu cấu thành big data của ngành nông nghiệp. Nhưng cho đến nay, theo Cục Sở hữu trí tuệ, trong số hơn 800 sản phẩm nông sản nổi tiếng ở các địa phương, chỉ có 59 nhãn hiệu tập thể, 12 nhãn hiệu chứng nhận và 24 chỉ dẫn địa lý được đăng ký bảo hộ cho các sản phẩm nông sản. Tuy nhiên, đây chỉ là nhãn hiệu, một cái tên để định danh và phân biệt hàng hóa, chưa phải là thương hiệu nông sản có sức cạnh tranh cao cả trong thị trường nội địa và quốc tế.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tại Đồng bằng sông Cửu Long cho biết, trong một năm doanh nghiệp phải gắn không dưới 10 thương hiệu hàng hóa nước ngoài cho chính sản phẩm của mình, thậm chí có doanh nghiệp con số này lên đến trên 20. Nói cách khác là nông sản Việt Nam phần lớn đang tham gia vào các chuỗi cung ứng nhưng không có thương hiệu, nên chỉ bán phần hữu hình với giá khoảng 25% trên giá đến tay người tiêu dùng.

Một nghiên cứu của Boston Consulting Group đã chỉ ra rằng những doanh nghiệp dẫn đầu về quản trị chuỗi cung ứng số hóa đang đạt được mức gia tăng 10% về sự sẵn có của sản phẩm, thời gian phản ứng lại các nhu cầu thị trường nhanh hơn 25%, giảm bớt vốn xoay vòng khoảng 30% so với các doanh nghiệp lạc hậu. Họ cũng đạt mức lợi nhuận cao hơn từ 40% đến 110% và chu kỳ luân chuyển tiền tệ giảm từ 17% đến 64%.

Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số trở thành đòi hỏi bức bách giúp nông dân, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp Việt không chỉ biết nâng cao năng suất, chất lượng, tối ưu hóa hoạt động sản xuất, giảm chi phí, tăng lợi nhuận... Nhờ vào sự trợ giúp bằng công nghệ kỹ thuật số, doanh nghiệp có thể xóa bỏ một kênh phân phối bằng cách phát triển khả năng giao hàng trực tiếp tới khách hàng, tiết kiệm chi phí phân phối thông qua bên thứ ba và gia tăng lợi nhuận mà trước đây thuộc về nhà phân phối.

Tags

Bình luận

Xem nhiều

Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).




Khô hạn kéo dài, vuông tôm thiếu nước, độ mặn tăng cao khiến tôm chậm lớn, chết nhiều. Người nuôi tôm ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL đang đối diện với vụ tôm thua lỗ nặng từ trước đến nay.
Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm

Căn bệnh virus sưng chồi ca cao (CSSVD) do loại rệp sáp gây ra đang tàn phá những rừng cây ca cao ở Tây Phi và có khả năng khiến nguồn cung chocolate toàn cầu gặp nguy hiểm.





Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất