, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 21/02/2024, 09:00

Tết tròn đầy

HỒNG SƯƠNG
Càng lớn, tôi càng thấy Tết không còn vui như ngày bé. Người ta bảo: Tết vẫn vậy, vẫn nhộn nhịp, tươi vui, chỉ có lòng người vì nặng gánh lo âu mà "sợ Tết".

Tôi không sợ Tết, tôi chỉ hoài niệm cái Tết của tuổi thơ, hoài niệm cái cảm giác nôn nao khi được nghỉ Tết để ở nhà với mẹ. Tôi nhớ cảm giác yên bình lúc ngồi bên bếp lửa canh nồi bánh tét, vùi vài củ khoai xuống than hồng, nhớ cái mùi khoai nướng thơm nức mũi. Tết của tôi là bốn giờ sáng dậy đi chợ với mẹ, tiết trời miền Nam ngày Tết lạnh hơn ngày thường, tôi rút mình trong chiếc áo ấm, hít thật sâu mùi hoa mai thơm nhàn nhạt, ngồi sau chiếc xe đạp lạch cạch, không quên nhắc mẹ: "Con muốn ăn hủ tiếu của cô Lan, mẹ hứa mua cái nơ kẹp tóc cho con nữa á, mẹ nhớ nha!". 

Ngày ấy, ba mẹ tôi làm nông, tôi mê cái sự thư thái ấy. Tết ung dung gõ cửa nhà tôi từ rằm tháng Chạp. Đó là lúc người người nhà nhà vặt lá mai, ba tôi dành ba ngày để lau bộ lư đồng sáng bóng, tra dầu nên bộ bàn ghế gỗ mướt như mới. Mẹ với nội làm mứt chuối, gói bánh, làm lạp xưởng phơi đầy sân. Chợ Tết chưa mở thì nhà tôi đã râm ran nhạc Tết, ba tôi mê nhạc Chế Linh lắm. Mỗi lúc câu hát "và mùa xuân đó, có em, rằng xuân rất đẹp" ngân lên, ba lại nhìn mẹ cười hề hề. 

Nồi bánh tét của nội.

Mồng một Tết, ba tôi đi chúc Tết một vòng hết họ hàng, làng xóm. Những ngày còn lại, nhà tôi đón khách lai rai, chủ yếu là họ hàng đến thắp hương, trò chuyện. Thời gian còn lại, gia đình tôi dành cho nhau. Mẹ đem đòn bánh tét trên bàn thờ xuống, cắt bánh, pha ấm trà, cả nhà ngồi bên nhau tâm sự. Chúng tôi chuyện trò về mùa màng, nghe nội kể chuyện xưa, nghe tôi bàn chuyện lớp. Đó là những khoảnh khắc để con cháu hiểu hơn về thời xưa của ông bà, để người lớn bắt nhịp với đời sống của lớp trẻ. Tết khi ấy thật tròn đầy.

Có lẽ hiện tại, bọn trẻ con vẫn thấy Tết vui lắm, dù trải nghiệm có khác đi đôi chút. Nhưng Tết với tôi bây giờ khác lắm, là do tôi đã nhìn cuộc sống bằng một lăng kính khác chăng? 

Từ lúc đi làm, bắt đầu nghỉ Tết từ ngày hai tám, tôi bận bịu dọn nhà, trang trí và rất nhiều những công việc khác. Ngày xưa ba mẹ tôi chuẩn bị cho Tết từ ngày hăm ba tháng Chạp, đến thời của tôi mọi việc bắt đầu từ ngày hăm tám Tết. Tất bật đến gần giao thừa mới xong việc, gia đình tôi ngồi lại với nhau được một chút rồi nghỉ sớm để hôm sau "chạy show". Ba ngày Tết, chị em chúng tôi chia nhau đi chúc Tết họ hàng, thăm nhà người quen, họp lớp... Mỗi nơi ghé một chút cũng đủ làm chúng tôi lả người. 

Hết mồng ba thì không khí Tết cũng không còn, tranh thủ nghỉ ngơi lấy lại sức để mồng bảy đi làm. Vậy là xong Tết, không kịp lắng lòng ngồi bên gia đình, không có lấy một khoảng lặng để tôi nhận ra nội tôi bước đi đã chậm hơn trước, sức khoẻ của mẹ cũng không còn như xưa. Nói là Tết đoàn viên, nhưng chúng tôi lại vì ngoại giao xã hội mà bỏ lại hai người già ở nhà hiu quạnh. Xong Tết, phải mất gần một tháng sức khoẻ của nội tôi mới ổn định trở lại, vì Tết bận rộn, đi lại nhiều nên chân nội tôi sưng lên. Bày vẽ trang trí Tết, nhưng chưa hạ nêu là chúng tôi đã đi làm hết, vậy là việc dọn nhà sau Tết do mẹ tôi đảm nhiệm. Nhìn lại, tôi thấy thương mẹ và bà ghê gớm. 

Nhịp sống thay đổi không ngừng. Tết xưa và Tết nay cũng đã có những biến chuyển để phù hợp hơn với hoàn cảnh thời đại. Nhưng có một điều không bao giờ thay đổi, đó là "ý Tết". Tết vẫn mang hàm ý đoàn viên, sum vầy, vẫn là dịp để những người con xa quê về thăm gia đình. Chỉ mong sao tôi sẽ tìm được điểm cân bằng, để Tết trong tôi vẫn luôn tròn đầy và ý nghĩa.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm

Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).




Khô hạn kéo dài, vuông tôm thiếu nước, độ mặn tăng cao khiến tôm chậm lớn, chết nhiều. Người nuôi tôm ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL đang đối diện với vụ tôm thua lỗ nặng từ trước đến nay.

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất