, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 08/03/2023, 09:55

Lời thưa và bình đẳng giới!

TRUNG THANH
Tại một cuộc họp, do thấy phụ nữ chiếm hơn 90% nên lúc phát biểu, tôi nói: “Thưa các chị, các anh!”. Nhiều người tỏ vẻ ngạc nhiên. Sau đó, một chị cũng xưng hô như vậy nhưng chỉ một lúc lại gọi theo cách cũ: “Thưa các anh, chị!”
Ảnh minh họa.

Có lẽ do đã quá quen với cách xưng hô “nam trước, nữ sau” nên nhiều người thấy ngượng khi thay đổi. Thế nhưng, ở các hội thảo quốc tế, khi phát biểu, hầu hết người Việt đều nói: “Ladies and Gentlemen” (tạm dịch thưa quý bà, quý ông) một cách rất bình thường. 

Khoảng từ thế kỷ XIX, trong các buổi hội họp quan trọng, cụm từ “Ladies and Gentlemen” đã được dùng thay thế cho cụm từ “Gentlemen and Gentlewoman” tồn tại khá lâu trước đó. Một số nghiên cứu cho rằng, từ “Ladies” được dùng để gọi người phụ nữ trong giới quý tộc hoặc có địa vị cao xưa kia nhưng sau này được dùng phổ biến để thể hiện sự tôn trọng dành cho phái nữ.

Những năm gần đây, lời chào “Ladies and Gentlemen” ở một số quốc gia được thay thế bằng các từ chung chung, không còn giới tính. Như từ năm 2019, các hãng hàng không Canada thay bằng từ "Everybody" (tạm dịch: mọi người). Trên các chuyến tàu tàu lửa ở Anh cũng thay đổi như vậy.

Hiện nay xã hội không chỉ có nam và nữ mà tồn tại nhiều giới. Và câu chuyện bình đẳng giới cũng không phải chỉ dừng lại ở cuộc đấu tranh về nữ quyền mà hướng đến “phi giới tính”, ai cũng phải có cơ hội phát triển như nhau. Song, chưa cần đề cập đến cộng đồng LGBT, hiện nay, tư tưởng trọng nam kinh nữ vẫn còn âm ỉ trong nhiều gia đình người Việt.

Hơn 15 năm làm bác sĩ ở một bệnh viện phụ sản lớn tại TP.HCM, bạn tôi chứng kiến không biết bao nhiêu câu chuyện bất bình do quan niệm xem trọng nam giới. “Nhiều người vợ “lỡ trót” sinh con gái hay bị gia đình chồng ghẻ lạnh, hắt hủi. Thậm chí đến giờ vẫn còn rất nhiều người trẻ muốn chọn giới tính cho con, phần lớn họ không muốn sinh con gái đầu lòng. Nhiều vợ chồng lại muốn có đủ cả “nếp” lẫn “tẻ” nên sinh nhiều con, khi nào có con trai mới dừng lại”, anh chia sẻ.

Tại một hội thảo ở Hà Nội mới đây, Giám đốc Văn phòng Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho biết, hiện nay có khoảng 140 triệu bé gái được cho là “không được sinh ra” do tâm lý ưa thích con trai và lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới. Ở các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Bangladesh, Nepal, Azerbaijan, Armenia và Gruzia, trong thời gian từ năm 1980 - 1990, tỷ lệ các bé trai được sinh ra cao hơn khoảng 25% so với các bé gái. 

Tại Việt Nam, tình trạng mất cân bằng giới tính do định kiến giới cũng đã được cảnh báo từ nhiều năm trước. Các nghiên cứu về mất cân bằng giới tính ở Việt Nam được phối hợp giữa Tổng cục Thống kê và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) cho thấy vào năm 2019, tỷ số giới tính khi sinh ở mức 111,5 bé trai/100 bé, so với mức sinh học tự nhiên 105 bé trai/100 bé gái. Theo đó, số trẻ em gái bị thiếu hụt tương đương khoảng 45.900 trẻ.

Mất cân bằng giới tính là sự phản chiếu rõ nét về bất bình đẳng giới. Những khuôn mẫu giới đã ăn sâu vào nếp nghĩ của nhiều thế hệ. Đến nay, nhiều bậc cha mẹ vẫn thấy không vui khi con trai mình vào bếp, phụ vợ làm việc nhà, nhất là ở khu vực nông thôn.

Là người thích nấu ăn, tôi cũng hay vào bếp và chia sẻ bữa cơm do mình làm lên trang Facebook cá nhân, nhưng cũng có một số người dèm pha là “sợ vợ”, hay mỉa mai “đàn ông phải làm chuyện đại sự, chứ làm chi mấy chuyện đàn bà”. 

Thấy vợ quá vất vả với công việc gia đình, nhiều lần tôi tìm đến các trung tâm giới thiệu việc làm ở TP.HCM để tìm người giúp việc nhà nhưng các trung tâm luôn trong tình trạng “cung không đủ cầu”. Theo Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thị trường lao động TP.HCM, nhiều năm qua, trung bình hàng năm TP.HCM cần khoảng 10.000 người giúp việc nhà nhưng thị trường mới chỉ đáp ứng được khoảng 30%. 

Dù đang thiếu nguồn cung trầm trọng nhưng nhiều lớp đào tạo nghề giúp việc nhà ở các trung tâm dạy nghề TP.HCM lại luôn thiếu học viên. Theo khảo sát của một tờ báo ở TP.HCM, rất nhiều người có suy nghĩ “giúp việc nhà cũng giống như đi ở đợ” nên họ chỉ làm tạm thời.

Trong khi đó, không chỉ ở nông thôn mà ở thành thị, hầu hết phụ nữ phải đảm đương việc nhà. Nếu không được san sẻ những công việc này một cách bình thường, phụ nữ chẳng khác nào như người ở đợ trong chính căn nhà của mình.

Tôi tham gia nhiều khóa học về bình đẳng giới, được nghe những điều lớn lao về tranh đấu nữ quyền, về xóa bỏ khuôn mẫu giới để tạo ra sự bình đẳng thật sự. Nhưng ngay cả thói quen xưng hô “nam trước – nữ sau” mà chúng ta cũng thấy khó bỏ thì tư tưởng trọng nam khinh nữ chắc vẫn còn âm ỉ, kéo dài.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).
Được quan tâm






Đây là sản phẩm thứ 156 ở Thái Lan và là sản phẩm đầu tiên của tỉnh Ang Thong được gắn GI, đánh dấu việc hoàn thành dự án “Mỗi tỉnh một sản phẩm đạt chỉ dẫn địa lý” của Cục Sở hữu trí tuệ Thái Lan.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất