, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 26/04/2022, 10:44

Tổng cục Lâm nghiệp đánh giá cao công tác bảo vệ rừng của huyện Con Cuông

TUỆ MINH
Huyện Con Cuông (Nghệ An) là một trong những địa phương có tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước với hơn 85% trên tổng diện tích rừng 149.604ha. Trong đó, diện tích khoán bảo vệ rừng 41.688ha, diện tích trồng rừng tập trung là 10.676ha.
Nhờ làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng nên huyện Con Cuông hiện có độ che phủ rừng vào loại cao nhất nước (ảnh minh họa)

Ngày 22/04, đoàn công tác của Tổng cục Lâm nghiệp – Bộ NN&PTNT đã đến làm việc tại huyện Con Cuông nhằm tham vấn xây dựng Thông tư hướng dẫn về bảo vệ và phát triển rừng.

Chủ trương xem phát triển kinh tế rừng là hướng đi bền vững, huyện miền núi Con Cuông những năm gần đây rất chú trọng bảo vệ và phát triển 3 loại rừng đặc dụng, phòng hộ và sản xuất. Hoạt động này cho thấy những hiệu quả đáng khích lệ, nhất là đối với rừng sản xuất và rừng trồng cây gỗ lớn bản địa đang được tập thể và nhiều hộ gia đình đầu tư mở rộng diện tích. 

Tại các xã Đôn Phục, Mậu Đức, Bồng Khê… rừng nguyên liệu, rừng lấy gỗ được phát triển mạnh, những khu rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ cũng được bảo vệ chặt chẽ. Nhiều hộ tham gia trồng rừng từ dự án phục hồi và quản lý rừng bền vững. Hầu hết khoảnh rừng của người dân trồng đều được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với ranh giới và cơ chế hưởng lợi của người dân rất rõ ràng.

Cùng với đó, các xã trong huyện cũng đã thực hiện tốt công tác quản lý, chăm sóc bảo vệ rừng, kiểm tra, tuần tra rừng tận gốc, công tác kiểm soát lâm sản được tăng cường thường xuyên. Công tác tuyên truyền, ký cam kết phòng chống cháy rừng được quan tâm, các chủ rừng đã thực hiện tốt công tác phòng cháy chữa cháy rừng. Các cấp, ngành chức năng tích cực ngăn chặn và xử lý nghiêm các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, xử phạt, phát hiện và xử lý kịp thời nghiêm minh các đối tượng vi phạm quy định.

Hiện nay, Con Cuông đang tập trung tái cấu trúc toàn diện ngành lâm nghiệp. Trong đó, huyện tiến hành trồng thử nghiệm những loại cây có giá trị kinh tế cao (như các loại cây dược liệu) có thể kết hợp canh tác dưới tán rừng hoặc những loại cây ngắn ngày trồng xen trong giai đoạn vườn rừng chưa khép tán; nhân rộng mô hình nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng; đầu tư, quy hoạch và xây dựng hệ thống đường giao thông để thuận lợi cho việc vận chuyển lâm sản sau khai thác từ rừng trồng, giảm chi phí cho vận chuyển.

Tại buổi làm việc, các phòng, ban, đơn vị có liên quan, các hộ gia đình đã có nhiều ý kiến tham vấn xây dựng Thông tư hướng dẫn bảo vệ và phát triển rừng, thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025. Đề xuất tăng định mức khoán và kinh phí khoán bảo vệ rừng cho người dân, tăng kinh phí hỗ trợ cho các công trình cộng đồng tại các thôn bản, giúp các công trình có chất lượng và hiệu quả tốt hơn. 

Do diện tích rừng lớn nhưng lực lượng cán bộ kiểm lâm, quản lý bảo vệ rừng phòng hộ, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, các hộ dân được giao khoán bảo vệ rừng còn mỏng, đồng thời thiếu nguồn kinh phí hỗ trợ. Vì vậy, huyện đề nghị Nhà nước có cơ chế chính sách hỗ trợ thêm cho các đối tượng. Song song đó, cần có giải pháp và hướng dẫn cụ thể để kinh doanh dịch vụ rừng hiệu quả, bền vững và hỗ trợ sinh kế cho đồng  bào dân tộc thiểu số, cộng đồng dân cư để xóa đói, giảm nghèo bền vững từ rừng…

Đoàn công tác Tổng cục Lâm nghiệp đánh giá cao công tác bảo vệ rừng, chất lượng rừng tại huyện Con Cuông. Nhằm đồng hành với các đơn vị chủ rừng, các lực lượng chức năng và người dân miền núi trong việc nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng, phát triển rừng, phát triển các dịch vụ lâm nghiệp, từ đó phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đoàn công tác ghi nhận các ý kiến đóng góp, kiến nghị đề xuất của huyện để xây dựng Thông tư hướng dẫn về bảo vệ và phát triển rừng và các cơ chế chính sách liên quan. 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm




Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất