, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 01/04/2024, 18:08

Nông dân chia sẻ kinh nghiệm trồng dứa trên đất núi thu hàng chục triệu mỗi vụ

THIÊN HƯƠNG
Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở xã Tam Thạnh huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam đã phát triển mô hình trồng dứa trên đất núi, thu về hàng chục triệu mỗi vụ.

Thu hàng chục triệu mỗi vụ dứa

Ông Lưu Hải (53 tuổi, thôn Phước Thạnh, xã Tam Thạnh, huyện Núi Thành) có 5 sào đất nằm trên gò đồi, trồng hàng nghìn gốc dứa xanh tươi đang độ kết trái. Ông Hải cho hay, năm 1994, ông từng trồng 10ha dứa gai trên đất gò đồi này với giống từ nông trại Đồng Giao (Ninh Bình). 

Thời điểm đó, giá dứa thu hoạch dưới 1.000 đồng/kg, thị trường tiêu thụ không ổn định. Ông chuyển sang làm vườn ươm cây giống như keo, cao su để cung cấp ra thị trường.

Đến năm 2020, ông Hải quay trở lại trồng dứa hữu cơ với diện tích khoảng 2 sào, mỗi vụ thu được hơn 5 tấn trái, giá bán 12 triệu đồng/tấn, doanh thu khoảng 60 triệu đồng/vụ. 

Ông Hải trồng khoảng 5 sào dứa trên đất núi thu về khoảng 60 triệu đồng/vụ.

“Trước đây, tôi thiếu kỹ thuật, để cây dứa phát triển tự nhiên. Giờ, tôi cơ giới hoá, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong việc kích cây dứa ra hoa kết trái theo thời vụ nên năng suất cao”, ông Hải chia sẻ.

Hiện tại ông Hải đã mở rộng diện tích trồng dứa lên 5 sào đất và dự định sẽ mở rộng diện tích trồng dứa lên khoảng 8ha. Ngoài ra, ông còn bán cây giống với giá 1.000 đồng/cây, lợi nhuận đem lại hàng chục triệu đồng. Mô hình trồng dứa hiệu quả, ông đã giải quyết việc làm cho 5 lao động địa phương với thu nhập 250 - 350 nghìn đồng/ngày. 

Nông dân xã Tam Thạnh chăm sóc dứa đang giai đoạn cho quả.

Cây dứa thăng trầm cùng nông dân

Cách rẫy dứa của ông Hải khoảng 500m, gia đình ông Phạm Văn Đạo (thôn Đức Bố, xã Tam Thạnh) cũng đang trồng 3.000 dứa hữu cơ đang giai đoạn ra trái, khoảng 1 tháng nữa là thu hoạch.

Ông Đạo cho hay, để trồng dứa đúng kỹ thuật, mỗi cây phải cách nhau 35 - 40cm, hàng cách hàng 80 - 90cm. Sau khoảng 3 tháng trồng thì bắt đầu bón phân chuồng, làm cỏ, kết hợp bón thêm phân vô cơ, mỗi vụ bón 2 đợt phân.

“Cây dứa phát triển khoảng 11 - 12 tháng, tôi sẽ dùng đất đèn đập thành viên nhỏ bằng hạt đậu xanh thả vào đọt dứa, dùng gáo nhỏ tưới 10 - 20ml nước để kích thích cây dứa ra hoa và kết trái theo ý muốn. Cây dứa là trồng trên đất Tam Thạnh phát triển tốt, lượng đường cao nên trái rất ngọt, được nhiều thương lái ưa chuộng”, ông Đạo nói.

Theo nhiều hộ trồng dứa ở xã Tam Thạnh, cách đây 30 năm vùng đất khô cằn ở địa phương được Nhà nước quy hoạch thành nông trường trồng dứa, chè, cao su với diện tích lên tới hàng chục ha. Sau đó chuyển giao đất và cây dứa cho người dân địa phương quản lý. 

Cây dứa từng là cây xoá đói giảm nghèo ở xã miền núi của huyện Núi Thành, song thị trường bất ổn, người dân trồng dứa theo phương pháp thủ công nên năng suất không cao. Từ đó, họ đồng loạt phá dứa để trồng keo lấy gỗ, chỉ còn lại số ít hộ giữ giống dứa này.

Ông Nguyễn Thành Lưu - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thạnh cho biết, hiện nay địa phương có hơn 30 hộ trồng dứa với diện tích hơn 10ha. Cây dứa trồng đại trà ở 3 thôn của địa phương, nhiều nhất là thôn Đức Phú. So với các cây trồng khác thì cây dưa có nhiều ưu điểm như dễ trồng, thích nghi với điều kiện về đất đai, khí hậu ở các khu vực miền núi, đất dốc. Đây cũng là cây gần như không có sâu bệnh hại, ít phải sử dụng phân bón cũng như thuốc bảo vệ thực vật.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất