, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 21/10/2022, 13:30

Vùng tre Bát Độ lớn nhất Việt Nam tạo ra những làng quê đáng sống

THANH TIẾN
(nongnghiep.vn)
Từ một cây trồng xa lạ, cây măng tre Bát độ đã giúp Trấn Yên (Yên Bái) có những cánh rừng xanh, môi trường sống trong lành, tạo ra những vùng quê đáng sống.

Trấn Yên (Yên Bái) bây giờ đã trở thành vùng măng tre Bát Độ hàng hóa lớn nhất trên cả nước. Những triền đồi xưa vốn trồng sắn, keo, bồ đề hay các loại cây nguyên liệu cho giá trị kinh tế thấp nay đã được phủ xanh bằng cây tre măng Bát Độ.

Người Mông ở huyện Mù Cang Chải đến thăm, học tập cách trồng tre Bát Độ ở xã Hồng Ca (huyện Trấn Yên). Ảnh: Thanh Tiến.

Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp tháng 7 dương lịch là người dân trong vùng trồng tre măng Bát Độ hàng hóa tại các xã Kiên Thành, Hồng Ca, Hưng Khánh, Lương Thịnh lại tấp nập bước vào mùa thu hoạch măng Bát Độ. Vụ măng Bát Độ năm 2022 này, Trấn Yên tiếp tục có thêm một vụ măng thắng lợi, dự ước sản lượng măng thương phẩm đạt hơn 31.000 tấn.

Điều đáng mừng hơn nữa là giá măng thương phẩm năm nay tăng cao hơn 1,5 lần so với những năm trước (5.500 đồng/kg măng ống và 6.000 đồng/kg măng ngọn) nên giá trị thu nhập của toàn huyện ước đạt gần 200 tỷ đồng.

Chuỗi liên kết chặt chẽ, đưa măng "xuất ngoại"

Từ chỗ phải mày mò, lo lắng tìm đầu ra cho sản phẩm măng, hiện nay, đã có hàng loạt doanh nghiệp, HTX đến Trấn Yên thu mua sản phẩm cho bà con. Tre Bát Độ đã hình thành chuỗi liên kết sản xuất hoàn chỉnh gồm vùng nguyên liệu – HTX – doanh nghiệp. Trong đó, các HTX là cầu nối quan trọng giữa người dân và doanh nghiệp, tạo ra một quy trình sản xuất hoàn chỉnh và bền vững.

Nhờ đó, sản phẩm măng thu hoạch đến đâu được tiêu thụ hết đến đó. Hiện nay, Công ty TNHH Vạn Đạt đặt 10 điểm thu mua tập trung tại các vùng nguyên liệu; Công ty Cổ phần Yên Thành thu mua thông qua các HTX như: HTX Dịch vụ tổng hợp Hồng Ca, HTX Dịch vụ tổng hợp Kiên Thành, Công ty TNHH An Dũng và HTX măng tre Bát Độ xã Hưng Khánh để thu mua sản phẩm cho người dân.

Nguyên lãnh đạo huyện Trấn Yên thăm nhà máy sơ chế măng của Công ty Yamazaky ở xã Hưng Khánh (huyện Trấn Yên). Ảnh: Thanh Tiến.

Ngoài ra, nhiều tư thương ở các tỉnh Phú Thọ, Hải Dương, Tuyên Quang, Bắc Kạn đã đến thu mua măng củ, măng luộc, măng tươi và sơ chế măng khô.

Ông Nguyễn Đức Dũng, Giám đốc Công ty Cổ phần Yên Thành cho biết: “Để có được năng suất và chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn cho xuất khẩu, Công ty chúng tôi liên kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị với người dân. Các khâu lựa chọn đất - kỹ thuật trồng - thu mua - chế biến - xuất khẩu sản phẩm đều được Công ty hỗ trợ, bố trí cán bộ kỹ thuật giám sát, được chuẩn hóa đến từng công đoạn nhỏ nhất, các ứng dụng kỹ thuật tốt nhất, tiên tiến nhất được áp dụng phù hợp với điều kiện thực tế và trình độ canh tác của người dân.

Việc triển khai thu mua đến từng thôn bản và sơ chế tại chỗ, cũng như đảm bảo thu mua theo giá thị trường đã giúp người dân từ nhiều năm nay có thu nhập cao, ổn định để yên tâm tập trung cho khâu chăm sóc, thâm canh và mở rộng diện tích trồng tre Bát Độ trong thời gian tới”.

Bà Trần Thị Hoàn Liên, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ và Phát triển nông thôn – Phó Ban quản lý chương trình tre măng Bát Độ huyện Trấn Yên cho biết: Hàng năm, ngay trước khi bước vào vụ thu hoạch, Ban quản lý đã chủ động làm tốt công tác tuyên truyền, tư vấn nông dân thu hoạch, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Công nhân của Công ty Yamazaky sơ chế măng Bát Độ để xuất khẩu. Ảnh: Thanh Tiến.

Đồng thời, chỉ đạo các doanh nghiệp thu mua bố trí lịch cân và thời gian thu mua hợp lý. Thông báo giá thu mua măng sớm đến xã và hộ nông dân, chủ động nguồn vốn để đảm bảo mua hết sản phẩm. Ngoài ra, thực hiện tư vấn, hỗ trợ các chủ thể dự án liên kết thực hiện các nội dung Dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị măng tre Bát Độ như: Xây dựng thiết kế logo, tem nhãn, bao bì sản phẩm; xúc tiến thương mại nâng cao giá trị sản phẩm; mở rộng thị trường tiêu thụ...

Một số xã đã xây dựng sản phẩm măng đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao như sản phẩm măng xé sợi của HTX Dịch vụ tổng hợp xã Hồng Ca; măng Bát Độ chua, măng Bát Độ giòn của Công ty TNHH An Dũng (xã Kiên Thành). Đặc biệt, các sản phẩm măng sau khi được sơ chế đã được xuất khẩu đi các thị trường khó tính như Đài Loan, Nhật Bản...

Hướng tới chế biến sâu

Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 20/01/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Yên Bái khóa XIX về phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững giai đoạn 2021 – 2025, Huyện ủy Trấn Yên đã xây dựng kế hoạch để cụ thể hóa đầy đủ quan điểm chỉ đạo, định hướng phát triển, các mục tiêu, chỉ tiêu.

Trong đó, tập trung phát triển mở rộng diện tích cây tre Bát Độ, xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh quy mô lớn liên kết theo chuỗi giá trị, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất.

Trấn Yên sẽ tiếp tục mở rộng, hình thành những vùng tre Bát Độ quy mô lớn, gắn với chế biến sâu trong thời gian tới. Ảnh: Thanh Tiến.

Tiếp tục thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp, HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác đầu tư vào sản xuất, chế biến sản phẩm măng tre Bát Độ, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với nông dân ổn định, bền vững.

Trong giai đoạn tới, huyện Trấn Yên phấn đấu tiếp tục phát triển mở rộng diện tích để tạo ra vùng nguyên liệu tập trung với quy mô lớn, trồng mới và trồng thay thế 500ha, phấn đấu đến năm 2025 diện tích tre Bát Độ đạt trên 4.000ha, sản lượng khai thác hàng năm đạt 40.000 tấn măng thương phẩm. Ngoài ra, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp xây dựng các nhà máy chế biến sâu sản phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần tăng thu nhập cho người dân.

Những bài học từ dự án tre Bát Độ

20 năm qua, cây tre Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo quê hương Trấn Yên, từ một huyện nghèo, Trấn Yên đã vươn mình trở thành huyện NTM đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc. Thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt trên 46 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,8%.

Đặc biệt, cây tre Bát Độ đã thay đổi phương thức, tập quản sản xuất của hàng nghìn hộ dân người dân tộc thiểu số ở các xã cùng sâu, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn của huyện. Qua đó giúp đời sống vật chất tinh thần của đồng bào ngày càng được nâng cao, những xóm làng trù phú, những thôn NTM kiểu mẫu xuất hiện ngày càng nhiều.

Người Dao ở thôn Đồng Song, xã Kiên Thành (Trấn Yên) thu hoạch măng Bát Độ. Ảnh: Thanh Tiến.

Từ một loại cây xa lạ, du nhập từ Trung Quốc, hôm nay, cây tre Bát Độ đã khẳng định hiệu quả ngoài sức mong đợi của cấp ủy, chính quyền và người dân trong huyện. Bài học lớn nhất được đúc kết qua chương trình này gồm:

Thứ nhất là chủ trương đúng trong việc lựa chọn được loại cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, đất đai, khí hậu và trình độ canh tác của người dân địa phương.

Thứ hai là quyết tâm chính trị cao của cấp ủy, chính quyền trong triển khai thực hiện, không ngại khó ngại khổ, dám nghĩ dám làm, từ đó quyết liệt trong tuyên truyền, chỉ đạo sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tin tưởng đồng lòng của người dân. Thứ 3 là tạo ra chuỗi liên kết sản xuất khép kín bền vững, đem lại thu nhập ổn định cho người dân. 

Phải khẳng định rằng, cây tre măng Bát độ đã giúp tăng thu nhập làm giàu cho nhân dân ở khu vực nông thôn, góp phần để Trấn Yên có những cánh rừng xanh, môi trường sống trong lành, tạo ra những vùng quê đáng sống.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm





Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất