, //, :: GTM+7
Chủ Nhật, 24/12/2023, 09:41

An Giang: Khai thác giá trị đặc sản nông thôn

THANH HUYỀN
Góp mặt 2 trong số 173 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2023 là niềm vinh dự, tự hào cho doanh nghiệp An Giang, tạo động lực phấn đấu cho sản phẩm OCOP khác của tỉnh này.

Vinh danh sản phẩm OCOP

Vừa qua, sản phẩm từ đặc sản thốt nốt và xoài cát Hòa Lộc của tỉnh An Giang đã “ghi tên” tại Lễ tôn vinh sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2023.

Thốt nốt là loài cây đặc hữu, biểu trưng của vùng Bảy Núi, An Giang. Theo thống kê, ở TX Tịnh Biên và huyện Tri Tôn, hơn 70.000 cây thốt nốt có thể khai thác, thu hoạch khoảng 8.000 tấn đường/năm. Để nâng cao giá trị từ nguồn tài nguyên bản địa này, đặc biệt là sau chủ trương đẩy mạnh Chương trình OCOP tỉnh An Giang, nhiều doanh nghiệp, doanh nhân trẻ quan tâm khai thác lợi thế cây thốt nốt.

Đến nay, hàng loạt sản phẩm từ loài cây đặc trưng vùng Bảy Núi đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao trở lên. Trong đó, bộ sản phẩm mật thốt nốt chất lượng cao từ tâm huyết của cô gái trẻ Chau Ngọc Dịu (Công ty Cổ phần Palmania) vừa được Bộ Công Thương tôn vinh là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2023.

Đây là ghi nhận xứng đáng cho nỗ lực “bỏ phố về quê”, quyết tâm tạo ra sản phẩm mật thốt nốt theo phương pháp truyền thống nhưng áp dụng quy trình sản xuất hiện đại, khép kín của Chau Ngọc Dịu.

Sự vinh danh, ghi nhận này là động lực để Dịu và doanh nhân trẻ khác thực hiện tâm huyết giúp bà con Khmer tiếp tục giữ gìn, phát huy nghề truyền thống gắn với cây thốt nốt, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Một sản phẩm khác của An Giang cũng được Bộ Công Thương tôn vinh là sản phẩm xoài cát Hòa Lộc sấy dẻo của Công ty TNHH MTV Vườn Bà Ba (xã Mỹ Đức, huyện Châu Phú).

Từ lâu, cây xoài cát Hòa Lộc gắn bó mật thiết với đời sống người dân xã cù lao Khánh Hòa, trở thành cây trồng chủ lực. Xoài cát Hòa Lộc được xem là “siêu thực phẩm”, giá trị dinh dưỡng cao, nhưng vỏ mỏng, mọng nước, không bảo quản được lâu, dễ dập hỏng khi vận chuyển, khó bán xoài tươi đi xa. Do vậy, Công ty TNHH Vườn Bà Ba nghiên cứu sản phẩm xoài sấy dẻo, nhằm giải quyết hạn chế của xoài tươi, mà vẫn giữ được độ thơm ngon, giá trị dinh dưỡng của xoài cát Hòa Lộc khi đến tay người tiêu dùng.

Điểm nhấn của sản phẩm là hương vị. Khi ăn vào, người dùng có thể cảm nhận được vị ngon ngọt đặc trưng của trái xoài cát Hòa Lộc; công nghệ sấy không làm sản phẩm quá cứng mà vẫn giữ được độ mềm dẻo.

Nguyên liệu sử dụng 100% xoài cát Hòa Lộc đạt chứng nhận VietGAP, không sử dụng chất bảo quản và chất tạo màu, sản phẩm đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 22000:2018, cùng dây chuyền sản xuất hiện đại, khép kín, tạo nên thương hiệu được người tiêu dùng ưa chuộng.

Theo Bộ Công Thương, 173 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2023 được xem xét, đánh giá, chấm điểm khách quan từ 465 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực được công nhận, cấp giấy chứng nhận năm 2022. Đây là những sản phẩm nổi trội, đại diện cho nhóm ngành sản xuất công nghiệp chủ yếu, có lợi thế của địa phương, khu vực và quốc gia, có giá trị sử dụng cao, tốt về chất lượng, đẹp về hình thức, có thế mạnh, tiềm năng phát triển mở rộng sản xuất, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách hàng trong, ngoài nước.

Góp mặt 2 trong số 173 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2023 là niềm vinh dự, tự hào cho doanh nghiệp An Giang, tạo động lực phấn đấu cho sản phẩm OCOP khác của tỉnh này.

Không ngừng khẳng định giá trị

Chương trình OCOP được triển khai rộng rãi trên địa bàn tỉnh An Giang và nhận được sự hưởng ứng của nhiều tổ chức, cá nhân. Đến nay, tỉnh An Giang có 92 sản phẩm OCOP của 62 chủ thể kinh tế. Trong đó, có 2 sản phẩm 5 sao cấp quốc gia; 3 sản phẩm tiềm năng 5 sao; 15 sản phẩm 4 sao và 72 sản phẩm 3 sao.

Sản phẩm OCOP An Giang đang từng bước khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trường, được khách hàng nhiều nơi tín nhiệm.

Nhằm đa dạng hóa thị trường cho sản phẩm OCOP, tỉnh An Giang đã triển khai nhiều hoạt động quảng bá, kết nối giao thương với các tỉnh, thành phố trong cả nước thông qua các kỳ hội chợ triển lãm, hội thảo, kết nối giao thương.

Đồng thời, đào tạo, tập huấn kiến thức cho chủ thể sản phẩm để thúc đẩy phát triển thương mại điện tử trên sản phẩm OCOP, thông qua các kênh bán hàng trực tuyến, như: Shopee, TikTok. Ngoài ra, còn đưa sản phẩm OCOP vào các điểm giới thiệu và bán sản phẩm gắn với các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.

Chương trình OCOP đã tạo điều kiện cho các chủ thể nâng cao giá trị sản phẩm, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, tạo ra việc làm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân…

Tỉnh An Giang phấn đấu đến năm 2025 có thêm 170 sản phẩm OCOP 3 sao trở lên (trong đó có 10 sản phẩm 5 sao); nâng cấp ít nhất 20% sản phẩm OCOP; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn.

Bên cạnh đó, ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa; ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định; ít nhất 30% làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP; 100% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại...

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1
Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Người nói sáp nhập là chuyện phải làm. Kẻ nói việc đổi tên, xóa tên làng, tên xã cũ là đụng chạm gốc rễ tâm tưởng của cư dân. Chợt nhớ câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm: "Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói/ Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân"…
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất