, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 14/08/2023, 06:00

Bảo tồn cây trồng, bảo vệ gene là cách tự cứu mình

ĐOÀN TUNG
Biến đổi khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học và khủng hoảng sản xuất thực phẩm hiện đang nằm trong số các thách thức lớn nhất cho nhân loại trong thế kỷ thứ 21. Vốn quan hệ mật thiết với nhau, ba thách thức này đe dọa sự tồn tại của sinh vật cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến sản lượng cây trồng. Trong khi đó, các hệ sinh thái bị phá hủy, thoái hóa hay phân rã đang làm tăng tốc quá trình biến đổi khí hậu, làm trầm trọng thêm suy giảm đa dạng sinh học và phương hại đến an ninh lương thực toàn cầu.

Trên đây là một đoạn trong phần mở đầu của tài liệu có nhan đề “Đa dạng mùa vụ, bảo tồn và sử dụng sự đa dạng đó nhằm cải thiện các quy trình sản xuất thực phẩm” (Crop Diversity, its Conservation and Use for Better Food Systems) lưu hành trong Hội nghị thượng đỉnh của Liên Hiệp Quốc về quy trình sản xuất thực phẩm (United Nations Food Systems Summit 2021) được tổ chức vào tháng tư năm 2021.

Theo tài liệu này, suy giảm đa dạng sinh học bao gồm việc mất đi sự đa dạng của các hệ sinh thái, đa dạng loài sinh vật và đa dạng gene trong mỗi loài. Nhân loại tồn tại dựa trên nông nghiệp. Thế nhưng, một trong những nguyên nhân chính gây suy giảm đa dạng sinh học cho đến nay lại chính là nền - nông - nghiệp - không - thể - thiếu - được (mà điển hình là việc chuyển đồi đất rừng thành đất trồng trọt).

Nông nghiệp không chỉ làm suy giảm đa dạng sinh học trong tự nhiên mà tự thân làm nông cũng là một ví dụ cho nghịch cảnh này khi sự đa dạng của các cây trồng, vật nuôi cùng các khu hệ sinh vật (biota) liên quan (như cỏ dại, vi sinh vật sống trong đất…) ngày càng thu hẹp – hậu quả của việc lạm dụng phân bón và thuốc trừ sâu. Thêm nữa, chính nông nghiệp cũng phải đối mặt với vấn đề suy giảm đa dạng nguồn gene do việc áp dụng các phương pháp canh tác mới. Như vậy, nông nghiệp vừa là thủ phạm, vừa là nạn nhân.

Tầm nhìn thế giới

Như vừa nói, đời sống nhân loại phụ thuộc rất lớn – nếu không nói là hoàn toàn – vào cây trồng/ vật nuôi, sản phẩm và dịch vụ từ nông nghiệp. Một điều không may là khi đa dạng sinh học suy giảm, sự tồn tại của ít nhất một phần ba các loài thực vật đã được biết đến trên toàn cầu cũng đang bị đe dọa với nhiều mức độ khác nhau.

Vấn đề đặt ra cho các quốc gia trên toàn thế giới là làm sao bảo tồn giống cây trồng và nguồn gene quý bản địa nhằm tăng cường đa dạng sinh học trong nông nghiệp nói riêng và trong tự nhiên nói chung.

Theo Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO), sự đa dạng gene trong các loài thực vật được con người trồng và sử dụng cũng như họ hàng hoang dại của chúng có thể biến mất mãi mãi, trừ phi chúng ta có những nỗ lực đặc biệt nhằm bảo tồn và sử dụng nguồn gene, nhất là tại các nước đang phát triển (1).

Hơn hai thập niên trước, năm 2002, Liên Hợp Quốc đã công bố ngày 22/5 hàng năm là Ngày Đa dạng sinh học quốc tế (International Day for Biological Diversity) với mỗi năm là một chủ đề khác nhau nhằm tăng cường sự hiểu biết và ý thức bảo vệ đa dạng sinh học cho mọi người. Chủ đề của năm 2023 là: “Từ đồng thuận đến hành động: gầy dựng lại đa dạng sinh học” (From Agreement to Action: Build back Biodiversity)(2).

Từ đó đến nay, nhiều nỗ lực đã được thực hiện để đạt mục tiêu nói trên, bao gồm Chiến lược toàn cầu về bảo tồn thực vật (Global Strategy for Plant Conservation – GSPC, trong bài này gọi tắt là “Chiến lược”) được chấp thuận ngay trong năm 2002. Chiến lược đề ra 16 mục tiêu cụ thể bảo tồn thực vật, giống cây trồng và nguồn gene (xem bảng đính kèm), bao gồm nhiều đích đến đầy tham vọng – từ lợi ích toàn cầu đến lợi ích quốc gia hay địa phương.

Một số tiến bộ bảo tồn đạt được qua việc thực hiện Chiến lược

Ba năm trước, “Báo cáo bảo tồn thực vật 2020” (Plant Conservation Report 2020, trong bài này gọi tắt là “Báo cáo”) được công bố nhằm tổng kết các tiến bộ đạt được trong gần 20 năm qua theo khuôn khổ Chiến lược.

Theo Báo cáo, cho đến nay một số quốc gia đã thiết lập chương trình quốc gia nhằm thực hiện Chiến lược, trong đó có thể kể các nước có hệ thực vật vô cùng phong phú như Brazil, Trung Quốc, Colombia, Indonesia, Mexico, Philippines và Nam Phi. Cũng nên biết rằng các quốc gia nói trên chiếm đến hơn 50% số loài thực vật toàn cầu.

Brazil có thể đại diện cho các quốc gia thực hiện Mục tiêu số 1 (Thiết lập thực vật chí). Đến năm 2018, với hơn 121.000 loài và phân loài thực vật, tảo và nấm, đất nước Nam Mỹ này là một trong những quốc gia có sự đa dạng thực vật vào bậc nhất trên thế giới, và là một nhân tố điển hình trong việc thực hiện Chiến lược.

Trong khi đó, Madagascar được Báo cáo nêu bật như một ví dụ trong việc cần thiết phải thực hiện Mục tiêu số 2 (Đánh giá hiện trạng bảo tồn tất cả các loài thực vật đã định danh nhằm đề ra các biện pháp bảo tồn). Tại đảo quốc này, khai thác trái phép hồng mộc (rosewood) và gỗ mun (ebony) là nỗi nhức nhối cho chính quyền và giới bảo tồn thực vật trong nước. Một trong những lý do chính là ở Madagascar thiếu hẳn thông tin về thực trạng, đánh giá và tính bền vững của các loài thực vật này nhằm làm cơ sở cho việc quản lý rừng, bảo vệ các vườn quốc gia và đề ra các quy chế bảo vệ và bảo tồn thực vật quý hiếm.

Với Mục tiêu số 4 (Ít nhất 15% các vùng sinh thái hay loại thực vật được bảo vệ qua các biện pháp quản lý và/hoặc bảo tồn hiệu quả), Mexico có thể được xem là một thành công. Tháng 11 năm 2014, Hội đồng bảo toàn thực vật đầu tiên được thành lập ở nước này, thu hút 316 chủ thể tham gia. Hội đồng nói trên soạn thảo tài liệu tổng kết kinh nghiệm trong việc phục hồi các hệ sinh thái tại 13 bang của Mexico dựa trên nhiều biện pháp đa dạng với quy mô khác nhau. Tài liệu này sau đó được áp dụng rộng rãi trong nước.

Bài học cho Việt Nam

Một điều thú vị đối với người viết bài này là Báo cáo cũng đề cập đến trường hợp Việt Nam như một ví dụ thành công trong phần trình bày Mục tiêu số 12 (Tất cả các sản phẩm thu hoạch từ thực vật hoang dã chỉ được cung cấp khi có tính bền vững). Theo Báo cáo, trong khi thực hiện dự án tại Việt Nam, TRAFFIC (Mạng lưới toàn cầu theo dõi buôn bán động thực vật hoang dã), các đối tác của tổ chức này và người dân thu hoạch nguồn lợi thực vật hoang dã địa phương đã nhận được các ý kiến tư vấn, đóng góp về việc làm thế nào để thu hoạch một cách bền vững nguồn lợi thu hoạch và bảo vệ môi trường xung quanh. Cùng với lực lượng kiểm lâm tỉnh Bắc Kạn, dự án này phát hành quyển cẩm nang bỏ túi hướng dẫn người thu hoạch đúng cách nhằm bảo đảm tính bền vững một số loài thực vật quý, dược thảo và cây gia vị địa phương.

Bài học rút ra ở đây là sự kết hợp hiệu quả giữa lực lượng chuyên trách địa phương và các tổ chức phi chính phủ cũng như tranh thủ sự ủng hộ của công chúng.

Về Mục tiêu số 9 (70% sự đa dạng về gen của cây trồng, cùng với họ hàng của chúng trong thiên nhiên và các loài thực vật có giá trị kinh tế-xã hội, phải được bảo tồn), Báo cáo cho rằng trên bình diện toàn cầu, Chương trình bảo tồn nguồn gene thực vật dành cho thực phẩm và nông nghiệp (PGRFA) được đặt dưới sự quản lý của Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc. Theo các tài liệu mới nhất, có khoảng 7,4 triệu đóng góp vào chương trình này được bảo tồn tại 1.750 ngân hàng gene (genebanks) trên khắp thế giới. Thông tin về các vật chất di truyền tại các ngân hàng gen có thể được truy cập qua cơ sở dữ liệu Genesys hiện lưu trữ hơn 4 triệu đóng góp. Cơ sở dữ liệu này cũng cho phép người dùng nghiên cứu sự đa dạng của cây trồng trên thế giới tại các ngân hàng gene chỉ qua một website duy nhất.

Cuối cùng, Chiến lược đang cập nhật các mục tiêu với tầm nhìn đến năm 2030. Do vậy, các đích đến mới dự kiến sẽ được xác định cho giai đoạn sắp tới.

TÓM TẮT 16 MỤC TIÊU BẢO TỒN THỰC VẬT THEO CHIẾN LƯỢC TOÀN CẦU VỀ BẢO TỒN THỰC VẬT (GSPC)

Mục tiêu 1: Thiết lập thực vật chí (danh sách các loài thực vật) trực tuyến cho tất cả các loài thực vật đã được định danh.

Mục tiêu 2: Đánh giá hiện trạng bảo tồn tất cả các loài thực vật đã định danh nhằm đề ra các biện pháp bảo tồn.

Mục tiêu 3: Thông tin, nghiên cứu, các kết quả và phương pháp cần thiết nhằm thực hiện các chiến lược được phát triển và chia sẻ.

Mục tiêu 4: Ít nhất 15% các vùng sinh thái hay loại thực vật được bảo vệ qua các biện pháp quản lý và/hoặc bảo tồn hiệu quả.

Mục tiêu 5: Ít nhất 75% các địa điểm đa dạng thực vật quan trọng nhất của từng vùng sinh thái được bảo vệ bằng các biện pháp quản lý hiệu quả nhằm bảo tồn hệ thực vật và tính đa dạng sinh học của chúng.

Mục tiêu 6: Ít nhất 75% diện tích đất sản xuất trong mỗi ngành được quản lý một cách bền vững và nhất quán với việc bảo tồn đa dạng thực vật.

Mục tiêu 7: Ít nhất 75% các loài thực vật đã được định danh bị đe dọa được bảo tồn nội vi (in situ – bảo tồn trong môi trường thiên nhiên).

Mục tiêu 8: Ít nhất 75% các loài thực vật đã được định danh bị đe dọa được bảo tồn ngoại vi (ex situ – bảo tồn ngoài môi trường thiên nhiên), tốt hơn là ở tại quốc gia xuất xứ, và ít nhất 20% số này có thể sẵn sàng cho các chương trình phục hồi.

Mục tiêu 9: 70% sự đa dạng về gene của cây trồng, cùng với họ hàng của chúng trong thiên nhiên và các loài thực vật có giá trị kinh tế - xã hội, phải được bảo tồn.

Mục tiêu 10: Thiết lập kế hoạch hữu hiệu quản lý tại chỗ nhằm ngăn ngừa xâm lấn sinh học.

Mục tiêu 11: Bảo đảm không có bất cứ loài thực vật hoang dã nào được phép kinh doanh thương mại quốc tế.

Mục tiêu 12: Tất cả các sản phẩm thu hoạch từ thực vật hoang dã chỉ được cung cấp khi có tính bền vững.

Mục tiêu 13: Kiến thức và sáng kiến địa phương/ bản địa liên quan đến tài nguyên thực vật được duy trì hay phát triển.

Mục tiêu 14: Kết hợp hiểu biết về tầm quan trọng của sự đa dạng và bảo tồn thực vật vào các chương trình truyền thông, giáo dục và tuyên truyền cho công chúng.

Mục tiêu 15: Tăng cường nhân lực cho việc thực hiện GSPC.

Mục tiêu 16: Định chế, mạng lưới và quan hệ đối tác nhằm bảo tồn thực vật được thiết lập và tăng cường.

(1)https://www.fao.org/news/story/en/item/46803/icode/

(2)https://www.cbd.int/idb/

Tags

Bình luận

Xem nhiều



Anh Hoàng Vân là một trong những người tiên phong trào lưu phẫu thuật thẩm mỹ cho cá tại Việt Nam. Hơn 10 năm nay, anh thực hiện cắt mí mắt, cắt môi, sửa vảy, mang... cho hàng trăm con cá rồng. Thu nhập mỗi tháng lên đến chục triệu đồng.

Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).

Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất