, //, :: GTM+7
Chủ Nhật, 13/08/2023, 06:00

Biến nguồn gene quý thành hàng hóa

TRỊNH AN
Số lượng gene cây quý hiếm được bảo tồn và khai thác sử dụng ở Nghệ An thời gian qua còn quá ít so với thực tế do nguồn kinh phí eo hẹp. Trước bối cảnh đó, địa phương này phải chọn lựa, phân loại thành từng nhóm để bảo vệ, nhân giống và phát triển thành hàng hóa.
Cây bảy lá một hoa được nhân giống trong vườn ươm để trồng thử nghiệm ở xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An.

Sống ổn từ loài cây sắp tuyệt chủng

Năm 2012, cây chè hoa vàng được giáo sư người Nhật Bản Hakoda và PGS-TS Trần Ninh nguyên giảng viên ĐH Quốc gia Hà Nội phát hiện ở huyện miền núi Quế Phong, Nghệ An. Kể từ đó, cây chè dược liệu mang trong mình 400 hoạt chất, trong đó có nhiều hoạt chất quý hiếm rất tốt cho sức khỏe con người trở thành báu vật của người dân huyện vùng cao này. Mỗi kg chè hoa vàng tươi được thương lái về tận nơi thu mua với giá từ 200.000 - 400.000 đồng/kg.

Giá trị cao, nhiều người dân vào rừng tìm chặt cả cây mang về bán khiến cây chè hoa vàng trong rừng ngày càng cạn kiệt, có nguy cơ tuyệt chủng. Trước thực trạng trên, năm 2014, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN (Sở KH&CN Nghệ An) đã triển khai đề tài Bảo tồn nguồn gene cây chè hoa vàng. Sau 2 năm tìm hiểu thực tế, đơn vị này đã nhân giống thành công 1.188 cây giống chè hoa vàng bằng nhiều phương pháp khác nhau, sau đó được trồng thử nghiệm dưới tán cây che bóng và trồng xen dưới tán cây rừng ở 2 xã Tri Lễ và Hạnh Dịch, đạt tỉ lệ sống trên 96%.

Thế là địa phương nhanh chóng liên kết với một doanh nghiệp trên địa bàn chuyển giao kinh nghiệm, kỹ thuật trồng chè hoa vàng cho người dân. Đến nay, toàn huyện đã trồng được hơn 20ha chè hoa vàng dưới các tán cây rừng. Mô hình nhân giống cây chè hoa vàng này không những đem lại thu nhập lớn cho người dân mà còn giúp bảo vệ rừng rất tốt. “Mỗi năm cây chè hoa vàng cho thu hoạch trong 3 tháng cuối năm, toàn bộ hoa chè được một công ty trên địa bàn thu mua lại để sản xuất thành trà hoa vàng. Việc trồng và chăm sóc cây chè hoa vàng không quá khó. Tuy nhiên, vì cây chè hoa vàng ưa bóng râm nên nếu mất rừng, hoặc để ánh nắng chiếu vào quá nhiều cây sẽ chết ngay”, ông Lô Hùng Cường - Phó phòng NN&PTNT huyện Quế Phong nói.

Là người phát hiện 3 trong tổng số 4 loài chè hoa vàng đã được công bố tại Nghệ An, PGS-TS Lê Thị Hương - giảng viên chuyên ngành Thực vật học Viện Sư phạm tự nhiên, Đại học Vinh - cho rằng, nhu cầu về trà hoa vàng trên thị trường rất lớn, bởi thế loài cây này có tiềm năng để nhân giống trồng trên diện rộng. Song vì công tác bảo tồn, đánh giá chất lượng, quy hoạch phát triển và thương mại hóa các sản phẩm từ chè hoa vàng ở Nghệ An chưa thật sự tốt nên chưa xây dựng được thương hiệu. “Tôi tin rằng, với những điều kiện khí hậu khắc nghiệt và chế độ nông hóa thổ nhưỡng của Nghệ An, chất lượng trà hoa vàng ở đây không thua kém gì chất lượng trà hoa vàng Tam Đảo”, bà Hương nói.

Hoa chè hoa vàng được sấy khô trước khi sản xuất thành trà hoa vàng để xuất bán.

Nói đến vùng Cát Ngạn (một số xã thuộc hữu ngạn sông Lam huyện Thanh Chương, Nghệ An) là người ta nghĩ ngay đến cây trám đen, một trong những đặc sản trứ danh của vùng đất xứ Nghệ. Nhưng vượt qua những ngày đói kém, cái thời mà con người nơi đây sống nhờ vào quả trám thì những vườn trám bị chặt hạ dần để thay thế cho các loài cây khác có giá trị hơn. Lo giống cây quý bị xóa sổ, năm 2010, UBND huyện Thanh Chương đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm rau quả Gia Lâm thuộc Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương triển khai dự án phục tráng cây trám đen.

Thời điểm đó, Viện Nghiên cứu Rau quả đã tuyển chọn những cây trám ngon của địa phương về nhân giống được 2.000 cây cung cấp cho nhân dân. Năm 2011, Sở KH&CN Nghệ An cũng đã mở vườn ươm nhân giống trên địa bàn và đã nhân giống thành công hàng nghìn cây trám đen xuất bán, xây dựng được nhiều mô hình trên địa bàn huyện Thanh Chương. Ông Lê Đình Thanh - Phó chủ tịch UBND huyện Thanh Chương nói rằng, cái quan trọng nhất của dự án này ngoài phát triển được cây trám đen, còn nâng tầm giá trị của quả trám lên cao gấp 5 lần, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân. “Trước đây quả trám người dân hái xuống ăn hoặc bán liền nên giá chỉ 15.000 - 20.000 đồng/kg, nay quả trám được hướng dẫn đem muối lên nên có thể bảo quản được hơn 1 năm, giá cũng tăng lên từ 90.000 - 110.000 đồng/kg. Nhờ vậy, 1 cây trám đen 1 mùa có thể đem lại thu nhập từ 10 - 15 triệu đồng”, ông Thanh nói.

Ưu tiên nguồn gene có thể phát triển thành cây trồng chủ lực

PGS-TS Lê Thị Hương cho hay, hệ sinh vật ở khu vực Bắc Trung Bộ được xem là luồng giao thoa của hệ sinh vật phía Bắc và hệ sinh vật phía Nam nên có tính đa dạng sinh học cao. Đặc biệt, Nghệ An còn có nhiều diện tích rừng tự nhiên, có khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An - một trong những khu dự trữ lớn nhất Đông Nam Á, với nhiều loài thực vật quý hiếm và đặc hữu. Nhiều loài cây quý có tiềm năng rất lớn để phát triển thành hàng hóa nếu được chú trọng công tác bảo tồn và phát triển.

Theo Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN (Sở KH&CN Nghệ An), Nghệ An có một số lượng nguồn gene cây quý rất lớn và phong phú. Trong đó, cây dược liệu là tài nguyên thế mạnh của địa phương này với gần 1.000 loài có giá trị dược liệu khác nhau. Nhiều loài dược liệu quý cần được bảo tồn và khai thác phát triển như sâm Puxailaileng, đẳng sâm, sâm Thổ Hào, tam thất, bảy lá một hoa, nấm linh chi đỏ, giảo cổ lam… nhiều nguồn gene cây thuốc quý, hiếm có mức nguy cấp cao cũng đang cần được bảo tồn như: hoàng tinh cách, hoàng tinh vòng, hoàng đằng, kim tuyến đá vôi, bình vôi đỏ, ngũ gia bì gai, cốt toái bổ, hoàng liên, lan kim tuyến, thổ phục linh, sâm nam…

Giai đoạn từ năm 2014 - 2020, Nghệ An đã bảo tồn, phục tráng 18 nguồn gene cây, con bản địa đang có nguy cơ bị tuyệt chủng. Đặc biệt, một số sản phẩm khoa học từ chương trình nghiên cứu đã được các doanh nghiệp tiếp nhận để khởi nghiệp, phát triển thành sản phẩm hàng hóa lưu thông trên thị trường như: trà hoa vàng, trà giảo cổ lam, trà dây thìa canh, cao đương quy, đẳng sâm, rượu Mú Từn. Tuy nhiên, các nguồn gene quý, hiếm đang bị đe dọa đã được bảo tồn, khai thác phát triển (18 trên tổng số 54) còn quá ít so với số lượng các nguồn gene đã được xác định cần được bảo tồn ở Nghệ An, khi có đến hơn 240 nguồn gene trong danh mục cần bảo tồn.

Ông Ngô Hoàng Linh - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN nói: “Luôn luôn phải đặt câu hỏi bảo tồn để làm gì. Bởi để nghiên cứu từ 1 loài cây trong tự nhiên ra quy trình trồng là rất tốn kém”. Do đó, theo ông Linh, đơn vị này sẽ phân loại các nguồn gene cây cần bảo tồn ra thành từng nhóm. Loài nào chỉ dừng lại ở lưu giữ, loài nào chỉ để phục vụ công tác nghiên cứu và loài nào có khả năng phát triển thành hàng hóa. Trong đó, nhóm được ưu tiên nhất hiện nay sẽ là nhóm gene cây trồng có thể phát triển thành hàng hóa, trở thành cây trồng chủ lực của địa phương.

Cũng như chè hoa vàng, cây thuốc Mú Từn vốn có nhiều ở các cánh rừng tại huyện Quế Phong cũng đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do người dân thường chặt lấy rễ về dùng để sắc thuốc uống điều trị phong thấp, gân cốt đau, lưng đau gối mỏi, tê liệt, đau dạ dày, làm thuốc bổ và tráng dương. Sau khi tìm được cách nhân giống, cây Mú Từn đã được giao cho các hộ gia đình trồng trên vườn đồi, xen lẫn trong rừng với diện tích gần 5ha. Đến nay, loại cây này đã được doanh nghiệp về tận nơi thu mua để sản xuất thành rượu Mú Từn.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1
Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất