, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 27/04/2024, 09:12
 

Khi được hỏi về tính khả thi trong việc đề xuất xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt đối với Đường 20 Quyết Thắng, một số chuyên gia văn hóa đặt ra vài vấn đề cần bàn. “Đường 20 thuộc đường Trường Sơn – Hồ Chí Minh; đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh đã được xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt. Từ trước đến nay, ở ta, chưa có tiền lệ Di tích Quốc gia đặc biệt nằm trong Di tích Quốc gia đặc biệt”. Hoặc “Đường 20 Quyết Thắng nằm trên phần lãnh thổ Việt Nam dài 63km, khó khoanh vùng để bảo vệ trên một thể toàn vẹn. Nếu trở thành di tích, sẽ bị ràng buộc bởi luật, không được sửa chữa gì”…

Một bên là nguyện vọng của những cựu binh Đường 20, một bên là những “rào cản” (vô hình lẫn hữu hình) của mong muốn đó. Và tưởng rằng, hai mệnh đề này mâu thuẫn nhưng nói cho rốt ráo, ở một góc nhìn nào đó, cả hai đều dẫn đến một mệnh đề khác đi vào bản chất hơn. Đó là cần ứng xử như thế nào với di sản văn hóa Đường 20 Quyết Thắng - con đường huyền thoại, “kỳ công, kỳ tích, kỳ quan” của bộ đội Trường Sơn một thời. 

Không phải là một “di tích chết”, đã hoàn thành xong sứ mệnh lịch sử, Đường 20 Quyết Thắng vẫn đang trên “đà đi tới” của nó. Trong Nghị quyết 08 ngày 10/6/2022 về phát triển vùng, việc nâng cấp con đường được tỉnh Quảng Bình xem là một công trình trọng tâm, góp phần vào hệ thống giao thông vận tải liên hoàn, kì vọng, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, đối ngoại với nước bạn Lào. Cùng với “trữ lượng” về mặt lịch sử - văn hóa vốn có, lợi thế “cộng sinh” từ di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng, thì việc bảo tồn, thậm chí tái tạo (reinvent) di sản Đường 20 Quyết Thắng không phải là việc không thể. 

Không chỉ còn nguyên vẹn về hình hài, hướng tuyến…, Đường 20 sở hữu trong đó nhiều câu chuyện về tính kiến tạo (khai mở một con đường mới mà đến người Pháp muốn làm cũng chào thua, tạo ra bước ngoặt quan trọng trong việc chi viện cho chiến trường, mở ra tiền lệ mở đường đá trong lịch sử giao thông vận tải của nước ta), tính biểu tượng (tuổi hai mươi, chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng), tính diễn ngôn (diễn ngôn chính trị…), tính phi vật thể, tính kinh tế (tiềm năng du lịch di sản)… Những luận cứ đó có thể chưa đầy đủ nhưng ít nhiều, cũng đã gợi dẫn ra một cái “mỏ quặng” về mặt văn hóa chờ được gọi tên, định danh, nhìn về nó như một đối tượng của văn hóa, thay vì lớp vỏ lịch sử đơn thuần.

 
 

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, đây là một câu chuyện lớn, cần được bàn luận kĩ càng. Ông cũng lưu ý: “Đường 20 Quyết Thắng “lớn” khi nó nằm trong, thuộc về tổng thể đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh. Giờ tách nó ra như một di sản văn hóa độc lập, chỉ sợ loãng giá trị”. Ông Quốc có lý của mình; song, chúng tôi cũng muốn trình bày một cách nhìn khác, mục đích không có gì khác ngoài mong muốn tiếp cận khối di sản đó một cách đầy đủ nhất có thể. 

Như chúng ta đã biết, đường Hồ Chí Minh là một hệ thống đường ngang dọc khắp Trường Sơn, nằm trên 11 tỉnh (thành) của nước ta, 7 tỉnh của Lào và 4 tỉnh của Campuchia. Với một phạm vi rộng khắp như vậy, việc bảo tồn toàn tuyến là bất khả. Vì thế, năm 2013, Di tích lịch sử Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt thì cũng không phải xếp hạng toàn tuyến đường mà theo những điểm lẻ di tích (đợt I với 37 điểm di tích, bổ sung 9 điểm di tích tiếp theo vào năm 2018).

Nằm trong hệ thống đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, Đường 20 Quyết Thắng vừa “hưởng” hệ sinh thái văn hóa chung, rộng lớn, vĩ đại của đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh; vừa sở hữu trong lòng nó một hệ sinh thái văn hóa riêng biệt. Để bảo tồn cả con đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh đúng là rất khó; nhưng bảo tồn Đường 20 dài hơn 60km trên lãnh thổ Việt Nam, chỉ đi qua một địa phương duy nhất là tỉnh Quảng Bình chẳng lẽ khó đến thế? Nếu bảo vệ và phát huy được giá trị di sản văn hóa Đường 20 Quyết Thắng, thậm chí không chỉ loãng đi mà “một phần Trường Sơn” này cũng có thể mang tính đại diện, tiêu biểu cho cả hệ thống đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh. Tất nhiên, chữ “bảo tồn” ở đây cũng không nên khư khư chật hẹp trong cái nhìn của bảo tồn nguyên vẹn, không được sửa sang, xây mới… Nó nên được hiểu là khai thác giá trị di sản theo hướng mở. Có như thế, khi nhìn nhận, đánh giá, sẽ không bị giới hạn nào ràng buộc.

 
 

Nếu hiểu “di sản” theo nghĩa rộng là những gì được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, thì với những cựu binh Đường 20 Quyết Thắng, con đường 20 lịch sử cùng hệ sinh thái văn hóa bao quanh vốn dĩ đã là một di sản văn hóa độc lập. Nhưng vì sao họ lại muốn định danh toàn tuyến Đường 20 như một “di sản chính thức”, nghĩa là được công nhận và bảo vệ bởi pháp luật về di sản văn hóa? Trong suy nghĩ của họ, khi trở thành Di tích Quốc gia đặc biệt, con đường sẽ được bảo vệ một cách cao nhất, theo Luật.

Vậy thì “chiếc áo danh hiệu” - được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt hay không - ở đây không còn là đích đến, nó chỉ là một công cụ, một phương tiện để giải bày tâm tư và nguyện vọng của một lớp người, một thế hệ gắn bó ruột thịt với nó và không muốn nó bị lãng quên. Và bảo tồn con đường cũng không còn là mục đích cuối cùng; quan trọng hơn cả là phương cách tận dụng di sản để lại đó để kiến tạo nên bản sắc đương đại. Như chúng ta đã biết, ở góc độ xã hội, tam giác khái niệm “di sản - bản sắc - kí ức” là một nhân tố quan trọng giúp định hình tính chất của một cộng đồng. Khi “khai thông” được vấn đề mấu chốt đó rồi, khi hiểu khái niệm “di sản” trong toàn bộ ngữ nghĩa rộng dài của nó, những yếu tố “khó khăn” có thể có trong câu chuyện định danh này sẽ không còn là những rào cản nữa. Và khi đó, cho dù có được xếp hạng hay không, việc bảo vệ, phát huy giá trị của nó vẫn là điều nên/cần làm. 

 
 
 
 

Trong vài năm trở lại đây, Di tích Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) nổi lên như một “case study” (phương pháp nghiên cứu tình huống hay sự việc thực tế) trong việc khai thác giá trị di sản thời chiến có kết quả. Tạo ra các sản phẩm du lịch, các tour khám phá di sản mới lạ, tận dụng sức ảnh hưởng của các nền tảng mạng xã hội để truyền thông đã giúp Di tích Nhà tù Hoả Lò thành công trong việc “kéo” lịch sử gần hơn đến với công chúng, đặc biệt là công chúng trẻ. Sở hữu 170.000 lượt yêu thích, 170.000 lượt theo dõi, trang fanpage chính thức của di tích này đang thu hút một lượng tương tác khủng dưới mỗi bài đăng. Số lượng du khách đăng ký tham quan đông đến mức các tour lúc nào cũng trong tình trạng “cháy vé”.

Lâu nay ở ta, di sản thời chiến thường được nhìn nhận như một đối tượng “mạ vàng” cho lịch sử và quá khứ. Cách khai thác di sản dạng này vẫn đang dựa chủ yếu vào nguồn tài nguyên lưu trữ hiện có, mà chưa tái tạo, tạo ra một đời sống mới cho di sản. Câu chuyện “làm di sản” ở Di tích Nhà tù Hỏa Lò như một gợi ý cho việc, di sản thời chiến cũng có thể hút khách như thường nếu thay đổi tư duy tiếp cận và khai thác. Vì thế, khi nhận diện Đường 20 Quyết Thắng, chúng ta cũng nên đặt nó trong cảnh quan văn hóa đương đại. Muốn nhận diện, trước hết phải tổng kết, đánh giá toàn diện lại con đường. Việc này không phải là câu chuyện của riêng một nhóm cựu chiến binh, của Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh Việt Nam… Nó còn là việc của những người yêu văn hóa, lịch sử và quan tâm tới di sản; của chính tỉnh Quảng Bình - nơi con đường chạy qua và hiện diện như một phần lịch sử - văn hóa của địa phương này.

 
 

Bài: CỐC VŨ; Thiết kế: HOÀI THƯƠNG