, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 29/04/2024, 11:50
 
 
 

“Đi hái mận và ngắm hoa trên cao độ 2.000 mét không? Chưa tới 20km đâu. Ngày xưa đi mất hơn nửa ngày, giờ chỉ vài chục phút chạy xe”. Lời rủ rê hấp dẫn của người bạn Lai Châu đã đưa chúng tôi lên đỉnh Khun Há (xã Khun Há, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu). 

Đường núi quanh co uốn lượn theo dốc lên cao dần, mây lùa qua tóc. Tới một ngã 3, chúng tôi rẽ phải đi sâu vào địa phận núi Khun Há. Tại vài đoạn đường đang sửa, cả khách lẫn chủ nhà đều phải xuống đi bộ. Chiếc xe máy không thể dắt hay vác lên vai, chúng tôi nhờ các chàng trai Mông nổ máy chạy qua bãi đá lổn nhổn.

Tôi túm lấy một anh mặc áo quần thổ cẩm kiểu truyền thống người Mông, tôi hỏi thăm đường. “Lao Chải 2 thì nằm dưới thấp, Lao Chải 1 trên cao. Chị tìm Lao Chải nào?”, đến lượt tôi lúng túng. Anh chàng chỉ về phía trước: “Chắc chắn chị tới Lao Chải 1 mua hoa lan hoặc thảo quả rồi, qua thung lũng lớn này, vượt 2 dốc dài nữa là tới chị nhé”.

Dốc núi ở Khun Há thật đáng sợ. Có đoạn tôi áng chừng góc nghiêng 30 độ chứ không ít, lại cua gắt ngay chỗ vực sâu thẳm. Người cầm lái chưa kịp hoàn hồn thì một chiếc cổng chào kết bằng tre lá hiện ra: Chúng tôi đã tới bản Lao Chải 1.

 
 

Trước đây chừng 30 năm, địa danh Lao Chải từng là nơi cách biệt với thế giới. Nhìn từ xa, các nóc nhà cheo leo bám lấy ngọn Khun Há như những hộp diêm nhỏ. Đường vào bản vào ngày mưa thực sự là thảm hoạ với bùn nhão, phương tiện di chuyển duy nhất của người trong bản ngày đó là... đôi chân, muốn vận chuyển hàng hóa thì nhờ vó ngựa.

Bản heo hút không có điện - đường - trường - trạm, người dân không biết chữ, trẻ nhỏ không tới trường. Các gia đình nuôi heo ngay trong nhà. Họ vào núi trồng thảo quả để mang xuống huyện bán và trồng rau, nuôi gà để tự cung tự cấp.

Năm 2014 - 2016, những người có uy tín trong bản vận động nhân dân góp sức cùng chính quyền bê tông hóa con đường nội khu bản. Không có tiền, họ vay vốn Nhà nước rồi trả bằng… thảo quả. Đường trải tới đâu, văn minh mở ra tới đó. Điện theo đường lên bản, một điểm trường tiểu học khang trang mọc lên...

Các cung đường đèo vào bản, những khúc cua gắt và dốc được nâng cấp nhiều lần để hạ dần độ dốc, mặt đường rộng hơn, bên phía bờ vực có hàng rào con lươn để giảm nguy hiểm, xe cộ vì thế cũng lên Lao Chải đông hơn.

Trên con đường phẳng phiu đó, khách có thể ngắm nhìn kỳ quan thiên nhiên của dãy Hoàng Liên Sơn và kỳ quan của con người là những dải ruộng bậc thang mênh mông, trải dài ngút mắt. Trồng lúa vẫn là nghề chính của người nông dân Lao Chải 1 và bây giờ cảnh quan đồng lúa cũng là một sản phẩm du lịch.

 
 
 
 
 
 

Tôi may mắn có một ngày không vội vàng để lang thang khám phá Lao Chải 1. Trước khi trời tắt nắng, điện thoại tôi nhanh chóng đầy chật những tấm ảnh hoa hồng. Hoa nở trước nhà, hoa bên hàng rào nhà ai. Hoa hồng ở Lao Chải 1 là giống hoa cổ, màu hồng phấn đậm, bông lớn, nở rất bền. Có thể lý giải, ở quanh năm mát mẻ, mùa đông nhiệt độ xuống thấp nhưng không thiếu nắng thì những gốc hồng chẳng ngại gì mà “chăm chỉ” trổ bông. 

Trồng hồng không phải là thói quen của người Mông xa xưa. Người lớn tuổi trong bản vẫn kể chuyện 50 năm trước người Mông còn thói quen trồng hoa anh túc quanh nhà, bởi đó là loài cây cho hoa đẹp, dễ trồng, hợp với thời tiết lạnh. Người dân còn tận dụng anh túc làm dược liệu hữu ích giúp giảm đau bụng, đau đầu...

Sau này Nhà nước vận động bà con vùng cao nhổ bỏ cây anh túc, dân bản chỉ còn vài loại củ quả có thể canh tác để đem xuống huyện đổi hoặc bán, nhưng trừ thảo quả, các loại như sơn tra, búp măng, củ mài... có giá trị không cao. Khi các chương trình phát triển nông thôn vào tới từng góc núi, người dân bản được hướng dẫn trồng lúa nước trên ruộng bậc thang, dần bỏ thói quen trồng lúa ma - loại lúa mọc không cần nước nhưng năng suất rất thấp và phải đốt ruộng, du canh mới có chất lượng đất tốt.

“Chúng tôi bắt tay vào trồng hoa làm đẹp bản khoảng năm 2016 - 2017, sau khi đã xác định: muốn thoát đói nghèo thì phải vừa làm nông vừa làm du lịch”, Cứ A Chu - một người uy tín ở Lao Chải 1 cho biết.

 
 

Trong quá khứ, không ít du khách từng… bỏ chạy khỏi các bản vùng cao bởi choáng váng trước lối sống hoang dã; vật nuôi thả rông, đường đi đầy chất thải gia súc gia cầm, trẻ nhỏ nhem nhuốc, không chịu mặc quần, phụ nữ thì lười mặc đồ đẹp... Văn hóa bản địa miền núi hấp dẫn du khách miền khác bởi sự nguyên sơ, nhưng hoàn toàn không phải sự nguyên sơ bừa bộn và đói nghèo. Trưởng bản, bí thư xã đi từng nhà vận động người dân trồng nhiều hoa và quét nhà, quét đường, sáng tạo trong cách thức trang trí bản. 

Chính quyền cũng cắt cử người dân đi học hỏi các bản du lịch Mông, Dao, Lô Lô… ở Sa Pa, Hà Giang... Người Lao Chải 1 hiểu ra, phải nỗ lực giữ bản sắc dân tộc, vì bản sắc còn thì dân tộc còn, nhưng đồng thời phải tích cực thay đổi các tập quán lạc hậu. Nhà sạch, bản đẹp, biết làm đẹp mình để chính mình được tận hưởng cuộc sống tươi đẹp trước hết chứ không phải để kinh doanh trước hết. Đó mới là cái sạch, cái đẹp vững bền. 

Anh Cứ A Chu kể rằng, khi đã hiểu, phụ nữ, trẻ em và cả đàn ông bắt đầu mặc áo thổ cẩm truyền thống nhiều hơn. Các hộ không thả vật nuôi ra đường mà có chuồng trại nhốt riêng. Có điện, nhà nào cũng có ti-vi, điện thoại, họ đã biết tra cứu để áp dụng các bí quyết dọn vệ sinh, khử mùi chuồng trại.

Để có tuyến đường sạch bong không rác, dân bản treo các thùng rác bên đường, chia nhau quét đường. Bây giờ lên Lao Chải 1, khách không bị “vấn vương” bởi các mùi lạ, có chăng chỉ là hương hoa thơm ngát, mùi món thịt rừng nướng bên bếp lửa, mùi của ly rượu ngô sóng sánh...

 
 
 
 
 
 

Ở Lao Chải 1, chúng tôi còn được đi giữa màu hoa vàng, đó là hoa bướm, hoa ngũ sắc người dân trồng dọc con đường lát bê tông dẫn lên núi. Nhưng màu hoa quyết định thu nhập của dân bản là hàng trăm chậu địa lan cỡ lớn dọc con đường bê tông dẫn lên đỉnh núi. 

Thời tiết vùng núi cao phù hợp với giống hoa địa lan. Và trồng loài hoa đắt tiền này là lối đi tiên phong của bản như Sìn Suối Hồ (bản Văn hóa cộng đồng tiêu biểu ASEAN 2023, cùng huyện Tam Đường). Người Lao Chải mang sách bút sang Sìn Suối Hồ học tập kinh nghiệm. Từ nguồn thu hoa lan, nhiều hộ có vốn để mua gỗ dựng nhà mới hoặc sửa sang chính căn nhà mình để trải nệm drap trắng tinh dọn cho khách lưu trú qua đêm.

Muốn làm du lịch kiểu của người Mông, thì phải cởi mở chia sẻ thứ mình có, cho thế giới biết về đời sống văn hoá thú vị của dân tộc mình. Nhưng đặc điểm của tộc người Mông là nhút nhát, ngại giao tiếp, làm sao vượt qua được những rào cản này để nở nụ cười du lịch?

Đi dọc Lao Chải 1, chúng tôi thấy nhiều mẫu cổng nhà mang “dấu ấn cá nhân”. Các nhà đều có một tấm biển với số nhà, số điện thoại được “vẽ” bằng sợi thừng bện chặt. Đó chính là các homestay hoặc các điểm tham quan du lịch của bản: Chưng số điện thoại và dịch vụ mình có như chỗ nghỉ, đặt cơm để khách tự chọn.

Tháng 5/2019, tỉnh Lai Châu công nhận Lao Chải 1 là điểm du lịch cộng đồng, nhưng thời điểm năm 2000, cả bản mới có một hộ mạnh dạn trải nệm cho khách ngủ lại, làm vài phòng homestay. Nay toàn bản đã có gần 10 điểm lưu trú qua đêm để giữ chân các vị khách muốn tận hưởng không gian đêm Khun Há.

Cô bạn người Lai Châu lên Lao Chải nhiều lần nên chia sẻ: Nếu chúng tôi lên Lao Chải 1 vào mùa xuân sẽ lạc lối bởi hoa đào, hoa mận. Quả thật, không nhà nào trong bản không có cậy đào cây mận. Hôm đó, ngang qua chiếc cổng vòm là cây cầu gỗ có dòng chữ “Nơi gặp gỡ tình yêu” không xa, chúng tôi đã lọt vào vườn mận nhà chị Lường Thị Dớt.

 
 

Say mê dạo chơi bứt trái, chúng tôi thu hoạch được túi mận lớn, ngỏ ý muốn trả tiền nhưng chị Dớt lắc đầu. Chị nói, nếu đem xuống chợ bán mới tính tiền, còn khi chúng tôi đã lên tận Lao Chải thì chúng tôi cứ ăn thoải mái và đem về thoải mái.

Khi biết tôi muốn mặc bộ váy thổ cẩm của người Mông để chụp ảnh, người phụ nữ sinh năm 1985 này mời tôi chọn vài mẫu váy áo đang phơi ngoài dây. Tôi nói ở bản Cát Cát (Sa Pa, Lào Cai) tôi thuê 1 bộ váy Mông với mức 200 ngàn đồng, chị Dớt cười: “Mặc vừa váy của mình đấy, cứ mặc đi, mình không lấy tiền đâu!”. 

Không chỉ nhà chị Dớt, vào thêm một số hộ dân có chiếc bảng số bằng thừng bện phía ngoài, chúng tôi đều cảm nhận sự chân thành, hồn nhiên. Hình như người Lao Chải 1 không kinh doanh du lịch, họ chỉ đang nồng nhiệt chia sẻ văn hóa, lối sống...

Chiều muộn, chúng tôi lên xe xuống núi. Xe lướt qua những người đàn bà ngồi thêu bên bậu cửa gỗ, những đứa trẻ nhảy jumper line tự chế bằng chiếc thau nhựa úp ngược... Ở gần cổng bản, 2 người đàn ông Mông đang dùng búa gia cố chân cây gỗ trang trí.  Trong bản, lác đác các hộ sửa nhà, dựng nhà, soạn thêm chăn nệm, trồng thêm hoa… Lao Chải 1 không ngừng mở những vòng tay, sẵn sàng đón khách. Chào nhé Lao Chải, hẹn gặp lại…