, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 04/05/2024, 00:33
 
 
 

Làng biển Cảnh Dương nằm ở hữu ngạn sông Roòn. Nhìn tổng thể, nơi đây như một bán đảo nhỏ với ba bề là sông biển mà người xưa đã ví như một con thuyền đang bồng bềnh trên sông nước. Từ trước năm 1945, làng biển Cảnh Dương đã được người Quảng Bình xếp vào một trong tám làng văn vật của Châu Bố Chánh gồm: Sơn, Hà, Cảnh, Thổ (tức Lệ Sơn, La Hà, Cảnh Dương, Thổ Ngọa); Văn, Võ, Cổ, Kim (tức Văn La, Võ Xá, Cổ Hiền, Kim Nại).

 
 
 
 

Theo sử sách, Cảnh Dương được thành lập năm Quý Mùi (1643), tính đến nay (2023) đã tròn 380 năm. Người dân của làng có nguồn gốc từ Nghệ An, Thanh Hóa di cư đến. Hiện vùng đất này còn lưu giữ được nhiều di tích, được xem như chứng tích của hàng trăm năm khai ấp lập làng. Nổi bật là Đình thờ Tổ, nơi thờ các bậc Thành Hoàng đã có công khai khẩn. Dù trải qua nhiều lần trùng tu nhưng Đình làng vẫn còn giữ được một số hiện vật quý giá như chuông cổ “Cảnh viện hồng chung” đúc vào đời vua Cảnh Thịnh năm 1801, tấm bia đá khắc tên các vị khoa bảng chứng tỏ Cảnh Dương xưa là một ngôi làng có truyền thống hiếu học, khoa cử. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Cảnh Dương là “làng chiến đấu kiểu mẫu”; trong kháng chiến chống Mỹ, Cảnh Dương là đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Có lẽ, địa thế “đứng nơi đầu sóng gió” đã hun đúc, trui rèn nên những con người can trường, khí khái của làng quê này. 

 
 
 
 

Tôi đã được nghe kể nhiều về các tập tục văn hóa tại làng Cảnh Dương, nhưng phải khi được chứng kiến, trải nghiệm cùng người dân, tôi mới cảm nhận được một phần chiều sâu trầm tích văn hóa ấy. Đầu tiên là Lễ rước lửa thiêng đêm Giao thừa ở Cảnh Dương. Bắt nguồn từ cuộc sống lênh đênh đánh cá trên biển, vào dịp này, tại Đình Tổ, các vị cao niên trang trọng làm lễ cúng thần linh, đức ông Nam Hải để cầu may mắn, an hòa cho những chuyến đi biển của ngư dân trong năm mới. Tiếp đó, một ngọn đuốc được vị bô lão uy tín nhất làng xin lửa từ bàn thờ tổ, mang ra châm vào đống củi lớn xếp giữa sân. Đúng vào thời khắc Giao thừa, tất cả các hộ gia đình trong làng đều đi lấy lửa. Người đi lấy lửa là trai tráng khỏe mạnh hoặc nam giới chủ gia đình. Lấy ngọn lửa này là lấy lộc, cái vận đỏ để gia đình gặp nhiều may mắn và bình an trong năm mới. 

 
 

Ở làng biển Cảnh Dương, người dân không bắt đầu điệu hát ru bằng câu “à ơi” như nhiều địa phương khác. Điều đặc biệt nữa là đàn ông trong làng hát ru hay không kém gì phụ nữ. Không ai còn nhớ điệu hát ru có từ bao giờ, chỉ biết từ khi có làng là có hát ru. Ông Nguyễn Tiến Nên, một người am hiểu văn hóa làng Cảnh Dương cho biết, trước đây người Cảnh Dương sống chủ yếu trên những con thuyền, nên tiếng hát ru cũng lắc lư như con sóng đánh vào mạn thuyền. Câu hát ru được mở đầu hoặc kết thúc bằng hò hẻ hò hè, bôồng bôổng bôông bôông... Khi tàu thuyền lênh đênh trên biển, giọng người mẹ, người chị vốn nhỏ nhẹ nên thường bị tiếng sóng át, vì thế chỉ có chất giọng trầm hùng của người bố, người anh mới giúp cho em bé nghe rõ lời ru để đi vào giấc ngủ. Cảnh Dương cũng là làng duy nhất ở Quảng Bình có đàn ông hát ru.

Nội dung lời hát ru ở Cảnh Dương không chỉ kể những câu chuyện mộc mạc, đời thường mà còn có cả những kinh nghiệm đi biển, lời tỏ tình của đôi lứa yêu nhau. Không chỉ đàn ông lớn tuổi biết hát ru mà cả trung niên, thanh niên cũng biết và thường hay hát. Giăng lưới hát, đẩy thuyền cũng hát, chuyển cá vào bãi vẫn hát như tự động viên mình và bạn thuyền. “…Một mình anh chống liền chèo; lấy ai tát nước sang lèo cho anh; lấy anh thấy đói đừng lo; lấy anh tát nước miệng hò kéo neo; hò hẻ hò hè, bôồng bôổng bôông bôông…”.

 
 

Ngày nay, người Cảnh Dương còn hát thêm những câu hát vui tươi, động viên nhau chăm chỉ làm ăn: “Ai về đất Cảnh hôm nay; ra khơi vào lộng sóng reo sớm chiều; thuyền anh chở nặng cá tôm, trên bờ em đón trái tim rộn ràng, hò hẻ hò hè, bôồng bôổng bôông bôông”... Đội tàu cá của làng Cảnh Dương là một trong những đội tàu mạnh nhất tỉnh Quảng Bình, vươn khơi đến tận ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa. Trên hải trình, lời ru mộc mạc ấy giúp những người đàn ông vững tay lái, bám biển khai thác hải sản và bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

 
 
 
 

Nói về tín ngưỡng thờ thần biển, đó là nét văn hóa đã ăn sâu vào tâm thức người dân Cảnh Dương. Nhiều người vẫn gọi Cảnh Dương là “làng cá voi” bởi tục thờ cá voi độc đáo nhưng cũng đượm màu liêu trai. Vùng đất này có hẳn một nghĩa trang cá voi nằm bên bờ biển, hướng ra khơi với khoảng 30 mộ cá, được người dân cắm bia, đặt tên và chăm sóc hương khói rất chu đáo. Dân làng cũng đã xây dựng một “Ngư Linh Miếu” để thờ, bảo quản, gìn giữ hai bộ xương cá Ông (đức Ông), cá Bà (đức Bà) đã “lụy” (mắc cạn và chết) vào làng hàng trăm năm trước. Hai bộ xương cá này được cho là lớn nhất đang còn lưu giữ ở Việt Nam, với chiều dài lên tới 28m. Người dân Cảnh Dương cho rằng “Ngư Linh Miếu” là một điểm tựa tinh thần vững chãi cho những ngư dân ở mảnh đất này.

Kể từ khi làng lập miếu thờ đức Ông, đức Bà thì lễ hội Cầu Ngư - Chèo Cạn cũng được tổ chức thường niên vào mỗi dịp rằm tháng Giêng, gắn liền với việc cúng tế cá voi. Những ước mơ bình dị về một cuộc sống ấm no, về những chuyến ra khơi đầy ắp cá tôm giữa trời yên biển lặng được gửi gắm trong những lời khẩn cầu thành kính của người dân đến cá Ông, cá Bà. Phần hấp dẫn nhất, sinh động nhất, đặc sắc nhất và độc đáo nhất của lễ hội Cầu Ngư chính là phần hát chèo cạn. Hát chèo cạn được tổ chức trên bãi cát, trước miếu thờ đức Ông. Người ta làm một con thuyền tượng trưng bằng tre nứa và giấy bồi. Đội hát chèo cạn có từ 8 đến 10 người. Họ cầm chèo đứng trong lòng thuyền vừa làm động tác đẩy thuyền đi, vừa hò hát các làn điệu dân ca miền biển.

Sau mỗi câu hát, các thuỷ thủ “xô” theo người hát cái bằng các điệp khúc… Người hát chèo cạn trong một đêm có thể sử dụng nhiều làn điệu khác nhau, cũng có khi người hát cái sử dụng hò để kể chuyện vui. Nội dung của các bài hò, bài hát thường nói về làng quê, về công việc làm ăn, về tâm tình và ước nguyện đi biển… Kết thúc một cuộc hát là những lời chúc tụng tốt đẹp dành cho dân làng…

 
 

 

 

Nghề làm nước mắm nơi đây cũng là nghề truyền nối, đã từng có nước mắm Hàm Hương để tiến Vua. Loại cá để làm nước mắm Hàm Hương có màu hồng trong suốt, hằng năm chỉ xuất hiện trên vùng biển cửa sông Roòn vài tháng. Đánh bắt được cá Hàm Hương đã khó, việc chế biến thành nước mắm lại càng công phu. Chỉ những người có tay nghề thành thạo mới chế biến được thứ mắm nức tiếng để mang đi cống ngự. Những trầm tích văn hóa ở Cảnh Dương, xét về một phương diện nào đó cũng là trầm tích của nghề làm nước mắm ở mảnh đất này. 

 
 
 
 

Từ ý tưởng biến Cảnh Dương thành một làng văn hóa, du lịch - điểm tham quan đặc sắc cho du khách sau khi viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Sở Du lịch Quảng Bình đã phối hợp với xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch triển khai một cung đường bích họa. Đó là những bức tranh bích họa 3D tuyệt đẹp và chứa đầy cảm xúc. Tất cả đều tập trung tái hiện các hoạt động văn hóa - lễ hội, tín ngưỡng thờ cá Ông, cá Bà; hoạt động lao động sản xuất; các trò chơi dân gian như chèo cạn, đua thuyền truyền thống… Bên cạnh đó là những bức tranh khơi dậy lòng yêu biển đảo, chủ quyền Tổ quốc, khát vọng vươn khơi của ngư dân.

Những bức vẽ đưa người thưởng thức đến gần hơn với các lễ hội truyền thống, cảm thức tâm linh, biết cầu mong cho thiên thời địa lợi, mùa màng bội thu, biết tạo ra nhân lành quả tốt… Du khách như được nghe kể lại câu chuyện về Cảnh Dương. Con đường dẫn dắt du khách đi hết từ tục thờ cá voi, làng chiến đấu anh hùng đến đời sống sinh hoạt của một làng biển. Ngoài ra, du khách còn có cơ hội ngắm nhìn những bức tường xây bằng san hô biển, những ngôi nhà cổ được xây từ những năm 1939. Đi hết cung đường, du khách sẽ được phóng tầm mắt nhìn ra biển cả bao la. Từ đây, du khách tiếp tục tham quan các địa điểm thú vị như Nghĩa địa cá voi, Ngư Linh Miếu cùng nhiều di tích văn hóa khác... 

 
 
 
 

Làng Cảnh Dương mang những nét văn hóa đậm sắc thái biển và thuần biển, tất cả từ biển mà ra. Tuy nhiên nó không “vo tròn”, khép kín sau lũy tre làng như một số làng khác thủa xưa. Ngay từ khi định cư, làng đã hướng ra sông, ra biển để làm ăn. Người làng không chỉ biết đi biển mà còn sáng tạo nên nhiều kỹ thuật trong chế biến thủy hải sản, gắn nghề chài lưới với nghề hàng hải và việc buôn bán. Dân làng không chỉ quan hệ giao thương với các làng xã trong vùng mà còn mở rộng quan hệ ra nhiều vùng đất khác, từ Bắc tới Nam, thông qua việc buôn bán, trao đổi hàng hóa hai chiều hoặc xuất khẩu nhân lực. Chính vì vậy mà ngày nay, làng Cảnh Dương đã trở thành một trung tâm kinh tế - văn hóa lớn của vùng Bắc Quảng Trạch.