, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 27/04/2024, 03:32

 

 

Theo ông Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ TN&MT), kể từ khi được ban hành và phát huy hiệu lực, Luật Tài nguyên nước đã tạo hành lang pháp lý khá đầy đủ, toàn diện trong quản lý, bảo vệ tài nguyên nước (TNN) trên phạm vi cả nước. Qua gần 9 năm triển khai, việc chấp hành quy định của Luật và nhận thức của các tổ chức, cá nhân trong nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng và bảo vệ TNN đã có nhiều chuyển biến, từng bước đáp ứng được nhu cầu về nguồn nước cho phát triển kinh tế - xã hội.

Theo báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình gửi Bộ TN&MT của UBND TP.Hà Nội, để thực thi Luật, Thành phố đã ban hành một số quyết định quan trọng về việc công bố thủ tục hành chính trong lĩnh vực TNN, đồng thời phê duyệt Danh mục khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất trên địa bàn TP Hà Nội. Đây là những công cụ đắc lực giúp công tác quản lý nhà nước về TNN trên địa bàn ngày càng hiệu quả hơn. 

Tại Đắk Lắk, chính quyền tỉnh cũng đã tổ chức điều tra hiện trạng khai thác, sử dụng TNN tại 4 huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh trong năm 2014; phê duyệt đề cương và dự toán dự án Quy hoạch TNN tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2016 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2035; xây dựng đề cương và dự toán dự án Điều tra, khoanh định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; phê duyệt danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn tỉnh... Đặc biệt, nhằm áp dụng các biện pháp quản lý, kiểm soát việc thực hiện quy định về sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 12/QĐ-UBND tỉnh ngày 3/1/2018 về kế hoạch triển khai tưới tiết kiệm nước cho cây trồng cạn. Bên cạnh đó, ngày 9/12/2020, HĐND tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết số 13 quy định mức hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn.

Tại Bình Thuận, UBND tỉnh đã ban hành các quy định, văn bản hướng dẫn về sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả đồng thời bố trí kinh phí xây dựng các chương trình nghiên cứu khoa học, công nghệ nhằm xử lý, cải tạo, khôi phục nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt. Theo đánh giá của UBND tỉnh Bình Thuận, các quy định của pháp luật về TNN đã tạo ra khung pháp lý cho các hoạt động khai thác, sử dụng cũng như bảo vệ TNN, góp phần sử dụng có hiệu quả nguồn nước tại địa phương.

 
 

Bên cạnh những thành tựu đạt được, quá trình triển khai Luật Tài nguyên nước 2012 cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Theo đánh giá của UBND tỉnh Sơn La, Luật TNN 2012 và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành chưa có hướng dẫn về quy trình, trình tự giải quyết tranh chấp TNN. Do đó, UBND các cấp gặp nhiều khó khăn trong thực hiện, nhất là ở cấp xã. Mặt khác, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra nhanh làm phát sinh nhiều vấn đề mới chưa có luật định. Điều này gây khó khăn cho nhiệm vụ bảo vệ TNN. 

Còn theo UBND tỉnh Bình Thuận, cần sớm ban hành Luật sửa đổi, bổ sung Luật TNN và các văn bản hướng dẫn thi hành, đảm bảo không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các ngành, các cấp và đồng bộ, phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành.

Đồng quan điểm, UBND tỉnh Đắk Lắk kiến nghị Bộ TN&MT sớm sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến nhiệm vụ lập quy hoạch TNN cấp tỉnh phù hợp với Luật Quy hoạch năm 2017; các quy định về cấp phép xả thải ra môi trường phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và tích hợp vấn đề biến đổi khí hậu vào việc sửa đổi, bổ sung Luật TNN năm 2012; nghiên cứu xây dựng cơ chế phối hợp để tăng cường sự hợp tác giữa các ngành và địa phương trong công tác quản lý TNN; hỗ trợ công tác điều tra cơ bản cũng như quy họach tổng hợp TNN nội tỉnh, liên tỉnh, liên quốc gia; hoàn thiện mạng lưới trạm quan trắc, giám sát TNN; xây dựng cơ sở dữ liệu TNN; thiết lập hệ thống thông tin, quản lý, giám sát khai thác, sử dụng TNN đồng bộ, thống nhất từ trung ương đến địa phương.

 
 

Trên cơ sở chỉ đạo của lãnh đạo Bộ TN&MT về việc tiếp tục rà soát hệ thống pháp luật, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật, Cục Quản lý TNN đã xây dựng bản  Dự thảo kế hoạch thực hiện một số công việc phục vụ lập đề nghị sửa đổi, bổ sung và soạn thảo Luật TNN (sửa đổi). 
Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý TNN Nguyễn Minh Khuyến, Luật TNN sửa đổi lần này sẽ hướng tới một số chính sách lớn, gồm: xã hội hóa trong lĩnh vực TNN, đặc biệt là việc phục hồi các dòng sông suy thoái, cạn kiệt; tăng nguồn thu cho ngân sách trên cơ sở “nước là tài sản công” như Hiến pháp đã quy định và phải tính đúng, tính đủ giá trị của tài sản này đối với người sử dụng nó. 

Ngoài ra, Luật TNN (sửa đổi) dự kiến sẽ bổ sung các quy định cụ thể đối với hoạt động bảo vệ nguồn sinh thủy và phát triển nguồn nước, trong đó có cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan trong bảo vệ, phát triển nguồn sinh thủy; đề xuất các giải pháp tích trữ nước nhằm điều hòa nguồn nước giữa các mùa; bảo vệ và phục hồi thảm thực vật, đặc biệt là rừng đầu nguồn, rừng ngập mặn ven biển nhằm tăng khả năng tích trữ nước, giảm thiểu lũ lụt về mùa mưa, tăng nguồn sinh thủy về mùa khô; bổ sung các quy định cụ thể đối với hoạt động bảo vệ nguồn sinh thủy và phát triển nguồn nước; về sử dụng nước hướng đến tiết kiệm nước trong trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước; tách bạch quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong khai thác TNN và sử dụng TNN. 

Các quy định chi tiết về quản lý đào, san lấp ao, hồ chứa nước; các biện pháp thu gom nước mưa, giảm ngập lụt ở các khu đô thị, khu tập trung dân cư và khái niệm về an ninh TNN, hoạt động để đảm bảo an ninh TNN cũng sẽ được bổ sung trong Luật sửa đổi lần này. 

TAM DIỆP