, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 29/04/2024, 04:45
 

Trong đời nghệ thuật của tôi, một trong những dấu ấn đậm nét với riêng tôi là vở Kiều Nguyệt Nga bởi đó là vở diễn gần như hội tụ đầy đủ những bạn nghề đáng kính bậc nhất, là cậu Mười Út, là vợ chồng Vua Xàng xê Minh Chí - nhũ mẫu Ánh Hoa của tôi, là những nghệ sĩ bậc thầy - làm thầy như NSƯT Công Thành, NSƯT Tấn Đạt; là cùng lúc tôi được làm Kiều Nguyệt Nga với Lục Vân Tiên - Thanh Sang và Lục Vân Tiên - Ngọc Giàu, được thưởng thức một cách trọn vẹn nhất làn hơi của danh ca Kim Ngọc, Thanh Nhàn… Và hẳn nhiên không thể thiếu thủ lĩnh - đạo diễn Lưu Chi Lăng. Đây là vở diễn thứ hai, cũng là vở cuối cùng tôi còn được làm việc với anh; nhưng sự học hỏi và lòng kính trọng thầy Bảy Chi Lăng thì nối dài bất tận. 

Nhớ hồi đám tang anh, đêm cuối cùng, mấy đứa cùng ngồi lại thật lâu với anh. Kim Ngọc nói, nhớ ổng có dặn, đám anh, mấy đứa em phải giỡn cho anh vui, giờ hông lẽ mình phải ráng nghe lời ổng. Ngọc vừa dứt, hàng đèn bất ngờ lập lòe rung lên. Cả đám tròn mắt nhìn nhau, rưng rưng. Tiếng Hồng Nga hay Ngọc Giàu tôi không nhớ, í ủa, ổng dzề…

Chúng tôi đồng lặng thinh. Cúi đầu. Như thể những ngày vỡ hoang tuồng Thái hậu Dương Vân Nga, Kiều Nguyệt Nga, những nghệ sĩ - dù tên tuổi cỡ nào cũng chỉ là đứa là học trò của thầy tuồng, của thầy đờn và trước một con người tài năng, chánh trực như đạo diễn Lưu Chi Lăng. 

 
 

Kim Ngọc là người đầu têu nhưng ngay khi miệng đang tếu táo thì nước mắt đã chảy dài. Tôi thấu hiểu những giọt nước mắt mà Kim Ngọc dành cho người thầy của mình. Bởi cũng chỉ có ông Bảy Chi Lăng mới dám làm cái việc là cho phóng to hai hình ảnh nghệ sĩ “cũ” Ngọc Giàu - Bạch Tuyết thả dọc hai bên cánh mặt tiền của rạp Hưng Đạo. Năm 1979, đó là việc không ai “dám nghĩ dám làm”! 

Và cũng chỉ có ông Bảy Chi Lăng mới chịu lắng nghe và “chìu chuộng đám nghệ sĩ cũ” khi vẽ đường dây, tạo đường dẫn cho Kiều Nguyệt Nga - Bạch Tuyết và Kim Liên - Kim Ngọc làm một cuộc “đẩy xe” bi tráng trong một lớp diễn có thể nói là… toàn bích. 

Hãy cùng tôi “cắt lớp” trích đoạn trên thuyền:  

Lớp 1 - Thuyền đã vào biển Ô Qua. “Ta chỉ thấy xa xa sóng bủa núi giăng, trên trời sầu vằng vặc ánh trăng, dưới bể thẳm rầu rầu cơn gió thảm…”. Tôi chọn cách thoại trong tâm thế buông xuôi, mặc cho sự đời, thụ động khi nhìn thấy nghịch cảnh đã giăng bủa mọi lối đi, chỉ còn chọn cái chết để bảo toàn lòng trung trinh, tiết liệt. Trong tình huống này, chính Kim Liên mới là người chủ động. Và Kim Ngọc đã đẩy làn hơi để bắt vào Ngựa Ô Nam, tung tẩy nhịp nội, nhịp ngoại đầy khoáng đạt. Trong cảm thức âm nhạc ấy, Kim Ngọc để cho nhân vật Kim Liên tự nguyện “nắm vạt áo của tiểu thư mà theo cho đến cùng”. Khoảng cách vai diễn chính - phụ bắt đầu được đạo diễn khởi đi sự hoán đổi. 

Lớp 2 - Tôi tiếp tục đẩy nhịp điệu, thoại và nói lối nhanh hơn nhưng là nói trong vô thức, “ta không sao ngủ được, Kim Liên ơi, em có thấy gì không, biển đêm nay thật xanh, trời đêm nay thật trong, trăng đêm nay thật đẹp, đêm nay ta thấy trăng nước đẹp tuyệt vời, lòng bỗng yêu tha thiết cuộc đời…”. Cảnh đẹp nhưng lòng đang tan nát. Và chỉ có Kim Liên mới hiểu được nỗi niềm của Nguyệt Nga. Kim Ngọc đã nắm bắt tâm trạng ấy để nương theo một cách tinh tế khi nhìn xoáy vào mắt tôi để thốt lên nỗi lo sợ dự cảm “nhưng chỉ có người mang tâm sự não nùng mới có ánh mắt đẹp nhường kia”. Thoại kịch đuổi bắt. Vị thế đã được hoán đổi 1 cách nhẹ nhàng khi Nguyệt Nga “muốn đêm nay chị em mình cùng trắng canh tâm sự”. Nàng khôn khéo sắp đặt cuộc cờ nên chính nàng là người chủ động. Tôi đã đổi hơi để vào Đảo Ngũ cung, kéo theo Kim Liên - giờ thì em đã lên thuyền cùng chị. 

Lớp 3 - Nguyệt Nga lùi lại, nàng một mặt biết rằng mình không còn con đường nào khác ngoài sự cậy nhờ Kim Liên “đẩy xe cho chị qua miền Hà Khê”, mặt khác nàng cũng nhìn thấy ở người tỉ tất này một phẩm giá “quốc sắc”, nửa hàm ơn nửa thấy có lỗi. Kim Liên như thể vừa bị đặt để trong thế không thể không nhận lãnh nhiệm vụ đổi vai nhưng nàng cũng cho thấy tự nguyện với sự lựa chọn này vừa vì tình cảm riêng vừa vì vị thế chung. Chỉ một bước, nàng trở thành trang quốc sắc. Nên, Nguyệt Nga - Bạch Tuyết lùi sâu lại. Tôi vào nói lối. Sử dụng trình thức chầu để lót đường cho Kim Liên của Kim Ngọc vô Vọng cổ. Nói một cách dân giã thì từ giờ, Kim Liên đã làm chủ cuộc chơi.

 
 
 
 

Cái tài của đạo diễn, tác giả, nhạc sĩ đã đành. Cái trác tuyệt trong làn hơi Kim Ngọc là đã tạo nên một nhân dáng cho Kim Liên vừa trọn tình vừa trọn nghĩa, toàn trung. Không ít khi trong một vở diễn, vai trò chính - phụ đã thật sự xóa nhòa. Tài năng thượng thừa của Kim Ngọc chứng thực cho một chân lý - không có vai diễn chính - phụ, lớn - nhỏ, chỉ có người diễn viên tận tâm, tận lực trong sáng tạo của chính mình mà thôi. 

Sau này, tôi nghe kể lại, không biết có chính xác hay không nhưng cái buổi trưa định mệnh ở Long Thành, Kim Ngọc đã đến và ca một câu vọng cổ trong Kiều Nguyệt Nga. Ca xong, có dấu hiệu mệt tim. Chỉ vài tiếng sau, Kim Liên của tôi đã trút hơi thở sau cùng. 

12 năm rồi kể từ ngày đó, tôi vẫn thấy trĩu nặng. Vẫn nghe văng vẳng bên tai mình tiếng ca lồng lộng ấy. Nó là sự pha trộn giữa giọng thủy (Vũ thanh), trong và tuôn chảy một cách mượt mà, luyến láy ở nhiều nốt với giọng mộc chính cách (Giốc thanh), tròn đầy, ấm áp, có độ ngân vang; cộng với chất kim (Thương thanh), làm chủ các nốt cao. 

Cộng với đường nét trên khuôn mặt đẹp duyên dáng và nhất là một trái tim luôn hồn hậu, bao dung, lạc quan nên ở Kim Ngọc, ngay cả khi có diễn “nộ”, vẫn không giấu đi chất “ái” trong tư chất diễn viên lẫn con người đời thực.

Tôi ngồi lần giở để nghe lại Mai Đình - Kim Ngọc, được gặp luôn Hàn Mặc Tử - Hùng Cường. Bỗng dưng một trời Dạ Lý Hương tràn về, rồi cả đoàn Bạch Tuyết - Hùng Cường. Nhớ kỷ niệm vui trong lần dựng Trăng thề vườn Thúy, nghệ sĩ hài Tùng Lâm bị tai nạn gãy chân, vai Thơ đồng đang xấc bấc xang bang tìm người thế. Trên sàn tập, bất ngờ anh Hùng Cường kêu Kim Ngọc lại nói, “mày ca hay quá xá nhưng bị cái thiếu thước tấc, giờ mày thử tới bên hàng rào (cảnh trí) nhảy loi nhoi lên cho tao coi…”. Kim Ngọc làm theo. Cứ thế vai bất đắc dĩ và con mắt tinh đời của nghệ sĩ Hùng Cường đã đem đến cho làng hài một quái kiệt là từ đó. 

Nên sau này, khi Kim Ngọc trở thành bà Tư Xả Láng trong chương trình Trong nhà ngoài phố trên truyền hình, hầu hết đều không thấy lạ. Kim Ngọc đa năng, “rộng xài” như Ngọc Giàu, Hồng Nga. Cả ba đều là danh ca, đều “đúp” cả bên hài và thành danh một cách rực rỡ. Bởi đơn giản, đó là những kỳ tài, quái kiệt. 

Cho đến vai Hiệu úy Kỳ Hoa, Kim Ngọc ra bộ đào võ đĩnh đạc, từ trình thức đến lối thoại, nói lối đều cho thấy sự nghiêm cẩn trong làm nghề. Ở cái duyên hài Trời cho, điều đáng quý là Kim Ngọc không có lối diễn hài ồn ào, không lạm dụng để gây cười. Tôi có xem đôi ba chặp hài, ngay cả khi bạn diễn cố tình tạo miếng bằng kiểu lạm dụng vào hình thể, bẻ ngôn ngữ thì Kim Ngọc vẫn bình tĩnh giữ mình, giữ mảng miếng một cách chặt chịa mà lại rất duyên, rất đáo để.

 
 
 
 

Những buồn vui, chìm nổi trong đời, ai rồi cũng trải qua. Nhưng không hiểu sao, với nhiều nghệ sĩ cải lương có biệt tài đem lại tiếng cười cho khán giả lại chuyên chở quá nhiều gánh nặng cuộc đời, tình người. Chẳng ai mong tích lũy “nguyên liệu” đời thực như thế để có ngày mà mang lên sân khấu, biểu diễn, khóc cười. Nhưng, với những bạn nghề của tôi, với Ngọc Giàu, Hồng Nga, Kim Ngọc, nó như một sự sắp bày không thể tránh. Cái nhọc nhằn, thương tổn, mất mát thì nếm chịu một mình để còn lại bao nhiêu tinh anh, sức lực thì dồn hết cho mấy mươi phút trong một đêm, trước công chúng, để rốt cùng “mua vui cũng được một vài trống canh”. 

Kim Ngọc đã được “mua vui” một cách đẹp đẽ và tử tế nhất cho đến những giây phút cuối của cuộc đời. Và cuộc đời này lại mãi ghi nhớ, biết ơn Kim Ngọc không chỉ “một vài trống canh”. Đó chẳng phải là hạnh phúc, là giá trị đẹp nhất của đời nghệ sĩ.