, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 27/04/2024, 05:06
 

Nghịch lý của cà phê đường tàu ở chỗ hình thái này không phải một di sản, cũng không phải một khu vực được tạo ra từ đầu với mục đích cho hoạt động hàng quán. Không gian này nổi lên trong dòng thông tin du lịch như một chỗ để trải nghiệm, điều mà khá nhiều không gian được ấn định khác lại rất nhọc nhằn trong việc thu hút du khách lẫn cư dân. 

Theo thống kê của quận Hoàn Kiếm (TP Hà Nội), có hơn 30 hộ dân kinh doanh cà phê ngay sát tuyến đường tàu đi qua các phường Hàng Bông, Cửa Đông, Cửa Nam, Hàng Mã và Đồng Xuân.
 
 

Một trong những ấn tượng mạnh khi đến Paris là sự sôi động của những nhà ga. Cổ kính, tráng lệ bên cạnh xô bồ, thậm chí nhếch nhác. Nhưng không thể phủ nhận, chúng đã thành một di sản của thủ đô nước Pháp. Nhìn rộng ra, các nhà ga khắp châu Âu cũng là những điểm hẹn; nơi có các quán cà phê để du khách ngắm nhìn những đoàn tàu đến và đi. Những tuyến đường tàu được hiện đại hóa làm nên huyết mạch kinh tế châu Âu những thế kỷ trước, nay trở thành một mạng lưới kết nối di sản văn hóa. 

Ở Hà Nội, tuyến đường tàu xuyên qua thành phố, nối với cầu Long Biên, ga Đầu Cầu và tuyến cầu dẫn tạo thành các vòm đá từ lâu đã là một phần của đời sống cư dân lẫn ấn tượng cho du khách. Sự tồn tại của một hệ thống đường sắt trên cao tạo thành một vệt đậm trong đường chân trời thành phố, kéo theo những mối quan tâm của nhiều người. Dĩ nhiên, cũng trở thành một gợi ý cho khám phá. Có cầu ắt có cung. Những quán cà phê đường tàu được hình thành từ những khoảng chắn tàu liên tiếp giữa trung tâm Hà Nội, qua thời gian, trở nên tấp nập. Đương nhiên việc tận dụng khoảng lưu thông hai bên đường tàu xung đột với quy định về hành lang an toàn đường sắt. Nhưng tại sao lại là đường tàu mà không phải bến xe hay bến cảng?

Điều đầu tiên có thể nói, dường như việc thiếu những không gian khác biệt ở Hà Nội dẫn đến một nơi cà phê đường tàu hút khách, hoặc từng nấy thứ đã có vẫn chưa đủ. Trong thời đại điều mới lạ là thuộc tính nổi trội để khám phá, có một chỗ như vậy chẳng dễ gì. 

 
 
 
 

Người Hà Nội vốn có một kiểu thích ứng mà người nơi khác gọi là “liều” – một từ đã làm thành từ vựng chỉ các khu dân cư phát sinh ngoài quy hoạch, thậm chí ngoài quản lý của công an: “xóm liều”. Nói liều là vì sống có vẻ ngoài sự kiểm soát về nhân khẩu thường trú, tạm trú, nhưng còn liều là vì sống chung với những bất trắc. Cuộc sống ở Hà Nội hàng chục năm chứng kiến sự linh hoạt đôi khi đến tùy tiện của cư dân. Những khu tập thể cũ cơi nới bằng cách cài cắm những dầm thép và lồng sắt “chuồng cọp” vươn ra đến cả hai mét làm thành những căn phòng treo trên các tầng cao. Những khu nhà bên ngoài đê sông Hồng sống chung với lũ cho đến một ngày lũ không còn thì nhà mặc nhiên thành đất “an cư lạc nghiệp”. Và giờ đây, các dãy nhà dọc đường tàu trở thành cửa hàng cà phê, gắn với thú vui cho nhiều du khách muốn thưởng ngoạn cảm giác hoang dại khi ngồi sát cạnh những chuyến tàu hỏa đi qua thành phố. Đặc biệt, dãy cà phê đường tàu nằm ngay đoạn đường sắt chạy qua khu phố cổ, thực thế là vệt kéo dài của các không gian phố lâu đời của “36 phố phường” sôi động.

Như vậy, cà phê đường tàu sinh ra không phải điều bất ngờ, mà nó giống như một cách “bán” giá trị của sự “ở liều” có màu sắc tiện nghi đô thị được trung hòa cho hợp thức hơn. Nếu ta so sánh những bức ảnh của khu nhà dọc đường tàu trước đây và thời chúng được cải tạo thành các quán cà phê, ta sẽ thấy chủ nhân của chúng đã làm một việc chủ yếu là cải tạo hình thức của mặt hậu những ngôi nhà lúp xúp xây tự phát thành mặt tiền của những quán xá tân thời, tuy rằng đa phần cũng là bằng kết cấu khung thép tiền chế mang tính cơ động. Chúng được sơn những màu sắc lôi cuốn, trong đó có những màu vàng hoài cổ một đô thị thuộc địa và những trang trí kiểu “hoài niệm bao cấp”. Bản chất chúng vẫn là những ngôi nhà ống chen chúc nhau, tận dụng một mặt thoáng là đường tàu.

Ở một dạng nào đó, chúng tựa như các ứng dụng mạng xã hội khuếch trương việc trưng ra các hình ảnh được chỉnh sửa và xử lý đồ họa qua tầng tầng lớp lớp ứng dụng, giấu đi những khiếm khuyết hay lổn nhổn. Mặc dù khung cảnh khá vui mắt và cuốn hút du khách vì tò mò, những căn nhà được biến đổi chức năng cho mục đích thương mại như dãy cà phê đường tàu không thực sự giải quyết được bản chất không gian đô thị có chiều sâu.

 
Hiện, các lối vào xóm cà phê đường Trần Phú, Phùng Hưng và Điện Biên Phủ, quận Hoàn Kiếm, đều có barie chắn.
 
 
 

Thực tế những tuyến đường tàu tựa như sân khấu cho những quán cà phê chạy dọc hai bên như các khán đài, nói lên một điều rằng, đời sống đô thị đang khao khát những sự kết nối về trường nhìn, về không gian cảm giác. Không gian cảm giác chính là thứ có giá trị cho các nơi chốn. Những khu phố hành chính hay các khu nhà ở mới xây sở dĩ không có được điều đó vì chẳng có sự kết nối nào. Sự khô khan, trống trải khiến con người lạc lõng và sống như những cái máy.

Có ý kiến cho rằng những hình thức kiểu uống cà phê Hà Nội ngắm những chuyến tàu cũ kỹ là một thứ hoài vọng quá khứ, một sự thỏa mãn phức cảm về di sản thuộc địa, thậm chí tâm lý thực dân về một thứ lạc hậu. Đó có thể là một vấn đề, song từ đây ta nhìn thấy một câu chuyện lớn hơn: nhu cầu kết nối với sự chuyển động của đô thị. Không quá nhanh, không quá nhộn nhạo, không quá bị ức chế để trải nghiệm, những chuyến tàu chậm chạp bò qua trung tâm thành phố vào những khung giờ cố định khiến cho chúng tạo ra một loại thời gian biểu êm ả của đô thị. Đó là điều đang bị thiếu ở Hà Nội. 

Cà phê đường tàu cũng như rất nhiều giải pháp sáng tạo không gian của cư dân Hà Nội, tùy biến tạo nghĩa mới cho những thứ đã có thể bị xếp vào phế tích của đô thị, điều đã làm với các không gian công nghiệp như khu Zone 9 trước đây hay Complex 01 hiện tại, đều trên mặt bằng các nhà máy xí nghiệp cũ. Một dạng khác là các quán xá hay studio trong các khu tập thể có tuổi thọ trên nửa thế kỷ. Những sự sáng tạo cũng thổi một sức sống cho những góc khuất hoặc sân sau của đô thị, như dự án nghệ thuật Phúc Tân, con đường gốm sứ dọc tuyến đường đê sông Hồng. Không phải giải pháp nào cũng thành công và cũng có lúc gặp sự cố như Zone 9. Cà phê đường tàu có thể là một giải pháp xung đột với các quy định về hành lang an toàn đường sắt, nhưng nó gợi ý một sự tư duy về những kết nối với di sản, hoặc nếu không cũng là một khía cạnh đời sống đáng kể. Sự nguy hiểm thực tế nếu đo đếm bằng thống kê có lẽ có thấp hơn rất nhiều những sự nguy hiểm diễn ra hàng ngày trên những mặt đường lưu thông xe cộ hay cây đổ mùa mưa bão.

 
 
 
 

Trong quá trình phát triển, không gian văn hóa Hà Nội thực tế có được là nhờ những cách thức tạo dựng và nuôi dưỡng của nhiều phía, cư dân cho đến nhà quản lý. Tạo ra một khu vực hấp dẫn dù chỉ là một bộ phận du khách không hề đơn giản nếu chỉ bằng các hoạch định từ trên xuống. Nhiều khu vực đã cố gắng tạo ra từ chủ trương như các phố đi bộ ở mỗi quận với mong muốn lặp lại thành công của phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, song không thể có được điều đó, bởi lẽ khu vực trung tâm Hà Nội có sự kết nối của một mạng lưới dân sinh đa dạng và lâu đời. Phố đi bộ Trịnh Công Sơn hay phố sách 19-12 là một dẫn chứng về những nơi được hoạch định và được đầu tư cả về truyền thông, song chúng hoàn toàn thiếu sức sống và không có sự tham gia của cư dân. Một trong những lý do là vị trí và sự kết nối với lõi di sản du lịch. Nếu chúng ta làm hẳn một khu vực cà phê đường tàu ở ga Giáp Bát phía Nam Hà Nội, hẳn khó mà có được sự cuốn hút của du khách. Vì thế, tìm cách khai thác những điều làm nên sức hấp dẫn của một loại hình như vậy cũng đáng kể, ít nhất thì cư dân đã tạo ra giải pháp chứ không chỉ là những sự tưởng tượng bằng các đề án nào đó.

Hà Nội đã gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo vài năm, và từ bấy đến nay cũng đã có những không gian sáng tạo được hình thành và đưa vào đời sống. Tuy nhiên, sự lan tỏa của chúng không thực sự nhiều và rất hiếm địa chỉ mới tạo ra những sự dịch chuyển năng động. Có thể việc duy trì một dãy phố cà phê đường tàu như hiện tại cần phải xét đến thỏa mãn các tiêu chuẩn, quy định của các luật giao thông và quản lý đô thị, song sự xuất hiện của dãy phố ấy buộc ta nghĩ rằng, giải pháp của đời sống luôn có khía cạnh sinh động mà các điều khoản không xét đến được. 

NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ