, //, :: GTM+7

Khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, cơ hội cho tín dụng

ThS TRẦN TRỌNG TRIẾT
Nhiều địa phương khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao và hàng trăm doanh nghiệp lớn tăng cường đầu tư vào lĩnh vực này là cơ hội tốt cho tín dụng.

Nhiều tỉnh ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Long An là địa phương triển khai khá sớm chương trình Phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025. Theo Quyết định số 40/2021/QĐ-UBND của tỉnh Long An, các dự án chăn nuôi bò theo công nghệ và quy mô lớn có thể được hỗ trợ tối đa 1 tỷ đồng. Doanh nghiệp, hợp tác xã được vay vốn với mức lãi suất tín dụng từ ngân sách ưu đãi đầu tư trong 3 năm liên tiếp của địa phương để đầu tư đổi mới trang thiết bị, công nghệ. Các dự án nuôi tôm nước lợ được hỗ trợ tối đa 10 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng, xử lý môi trường và 100% chi phí phân tích mẫu đất, mẫu nước nếu dự án đáp ứng được các điều kiện về quy mô và quy hoạch…

Ngoài Long An, quý 3-2021 đã có gần 10 tỉnh, TP ở phía Nam lên kế hoạch phát triển các khu, vùng NNCNC với những ưu đãi hấp dẫn nhằm thu hút đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp.

Tại Đồng Nai, chính quyền tỉnh ban hành kế hoạch phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu tăng giá trị sản xuất chăn nuôi lên mức 5%/năm; tỷ lệ giá trị sản phẩm chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao đạt trên 65%. Vì thế, các doanh nghiệp chăn nuôi công nghệ cao được địa phương khuyến khích với nhiều ưu đãi hấp dẫn về vốn và thuế phí.

Tại ĐBSCL, các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Bạc Liêu… cũng lần lượt xúc tiến chương trình đầu tư mạnh mẽ cho các mô hình NNCNC, như khu nuôi tôm 4.000ha tại huyện Bình Đại và trung tâm cây giống, hoa kiểng Chợ Lách của Bến Tre; 35 dự án và 16 kế hoạch liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm NNCNC giai đoạn 2021 - 2025 có tổng kinh phí đầu tư gần 164 tỷ đồng cũng đã được Tiền Giang phê duyệt...

Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu thông tin, tỉnh đã đặt mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 sẽ hoàn thành dự án Khu NNCNC phát triển tôm với sản lượng 600.000 tấn. Tỉnh cam kết sẽ rà soát, hoàn thiện chính sách đất đai, phân loại dự án, điều chỉnh phương thức và nguồn vốn đầu tư để gia tăng các hợp tác PPP trong NNCNC.

Bên cạnh các địa phương khuyến khích phát NNCNC, nhiều doanh nghiệp lớn cũng tích cực đầu tư vào lĩnh vực này. Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) mới đây đã “rót” 1.000 tỷ đồng cho GreenFeed Việt Nam để phát triển chăn nuôi heo thịt. Các tập đoàn lớn, như: Vilico, Xuân Thiện, BAF Việt Nam, New Hope, T.H cũng đã lần lượt đầu tư từ 1.700 - 3.500 tỷ đồng để xây dựng các dự án chăn nuôi công nghệ cao tại hơn 11 tỉnh/thành. Trong lĩnh vực trồng trọt, Tập đoàn Lộc Trời, Trung An, Vinaseed… dù bị ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19 nhưng vẫn gia tăng đầu tư và đầu tư hiệu quả các chuỗi sản xuất khép kín, ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng bền vững ở mảng NNCNC.

Cơ hội cho ngành ngân hàng

Theo thống kê của NHNN, đến nay, tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế tăng 7,42% so với cuối năm 2020. Trong đó, các nhóm lĩnh vực ưu tiên như: nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao… đều có mức tăng cao hơn so với tăng trưởng tín dụng chung. Trong tháng 08/2021, nhiều địa phương bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19 nhưng tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản vẫn tăng 2,18% so với cuối năm 2020, đạt 792.632,94 tỷ đồng. Nhiều dự án thuộc lĩnh vực NNCNC của các doanh nghiệp như: Dabaco, Hòa Phát, Agritech, Trung Sơn, Chăn nuôi C.P… đều có dư nợ lớn tại nhiều ngân hàng. Các chi nhánh Agribank tại An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Đắk Lắk… đã ký kết tài trợ vốn cho hàng chục dự án NNCNC do doanh nghiệp và địa phương phối hợp đầu tư; các ngân hàng HDBank, NamA Bank, Sacombank, LienVietPostBank cũng đã dành hàng chục ngàn tỷ đồng để triển khai các chương trình tín dụng cho doanh nghiệp nuôi tôm và đại lý phân phối cũng như các doanh nghiệp NNCNC khác.

Với chủ trương khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại hầu hết các địa phương cùng nhu cầu đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực này của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, ngành ngân hàng đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển tín dụng, mở rộng cho vay với nguồn vốn lớn.

Tags

Bình luận


user-avt

trần huy hòa

15:03, 09/03/2022

Bài viết rất hay cần có thêm bài phân tích hiệu quả tín dụng cho chương trình phát triển kinh tế nông nghiệp thời kì bình thường mới. .

user-avt

Ca mai

18:01, 12/01/2022

Bài viết quá hay cho cơ hội ngân hàng.

Xem thêm bình luận
Xem nhiều





Nổi bật

“Từ giờ trở đi, sẽ ngày càng có nhiều người lên trọng điểm Cà Roòng – ATP” - là ngôn ngữ của những người tự vác lên mình sứ mệnh mở đường, giữa Trường Sơn.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất