, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 28/03/2024, 19:30

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

ĐỨC MINH - HÙNG KHANG
(nongnghiep.vn)
Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Cuộc sống đi lên nhờ trồng bưởi

Những ngày đầu năm 2024, gia đình ông Lê Hữu Diện ở thôn Trung Cao, xã Trung Hòa, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) trở nên bận rộn hơn bao giờ hết. Bởi đây là thời điểm vườn bưởi Diễn rộng 2,7ha của ông bắt đầu đơm hoa, kết trái, đồng nghĩa với việc phải chăm sóc và thụ phấn cho hoa. Dù đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, thế nhưng lão nông này vẫn cặm cụi xuống vườn tìm hoa bưởi chua để thụ phấn cho hoa.

Vừa hì hục chăm sóc bưởi, ông Diện vừa kể với chúng tôi rằng, vùng đất này trước đây vốn là đất đồi khó canh tác, năm 1997 ông đã mạnh dạn nhận đất, chuyển đổi sang trồng vải thiều và nhãn lồng. Tuy nhiên, 2 loại cây này không mang lại giá trị kinh tế cao cho gia đình ông. Không nản chí, lão nông tiếp tục chuyển hướng sang trồng bưởi.

Mảnh đất đồi cằn cỗi nay được khoác lên mình màu áo mới nhờ bàn tay chăm sóc của ông Lê Hữu Diện. Ảnh: Đức Minh - Hùng Khang.

Thế nhưng, “trời không chiều lòng người”, thời gian đầu mới trồng, do còn ít kinh nghiêm, lại thường xuyên gặp thời tiết xấu, sâu bệnh nhiều khiến năng suất bưởi không được cao làm ông Diện dần chán nản.

Sau đấy, nhờ được sự động viên từ gia đình và chính quyền địa phương, ông Diện quyết tâm “dùi mài kinh sử” đọc thêm nhiều tài liệu kết hợp với việc học hỏi mô hình trồng bưởi ở các địa phương khác để tích lũy kinh nghiệm. Nhờ đó mới có cả vườn bưởi hữu cơ xanh bát ngát, phát triển khỏe mạnh như ngày hôm nay.

“Mất 2 năm đầu cây bưởi của tôi phát triển rất chậm, ra quả mã xấu, không ngon và không bán được nhiều. Sau đấy tôi tích cực lên mạng tìm tài liệu để tham khảo, nhờ người quen giới thiệu thêm các chuyên gia để học hỏi, rồi đi từng nhà vườn để tham quan mô hình sau đó về áp dụng cho vườn nhà mình. Từ đấy bưởi phát triển đều và hầu như ít bị bệnh”, ông Diện chia sẻ.

Ông Diện hì hục chăm sóc từng cây bưởi. Ảnh: Đức Minh - Hùng Khang.

Những năm trước đây, giá bưởi của nhà ông Diện thường dao động trong khoảng từ 30.000 đồng đến 40.000 đồng/1 quả. Tuy thời gian gần đây do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 giá bưởi giảm, nhưng vẫn đem lại nguồn thu nhập từ 300 triệu đồng đến 500 triệu đồng cho gia đình ông.

“Sau 5 đến 7 năm trồng bưởi, giá bán bưởi của nhà tôi đã lên đến 30 nghìn đồng/1 quả. Và trong 3 năm liên tiếp: 2016, 2017 và 2018 là giá bưởi lên đến 40.000 nghìn đồng/1 quả. Khi đấy, vườn bưởi của tôi mới chỉ có 140 cây nhưng tôi đã thu tới 360 triệu đồng”, ông Diện chia sẻ.  

Nhờ lãi “khủng” từ trồng bưởi, gia đình ông Diện không chỉ trả được nợ mà cuộc sống cũng dần dần khấm khá hơn. Căn nhà cũ được xây mới lại khang trang, con cháu cũng được ăn học đàng hoàng. Có lẽ đây chính là lý do mà người đàn ông này lại yêu bưởi đến “lạ thường”. Ông Diện tiếp tục không ngại khó, ngại khổ dày công chăm sóc từng li từng tí để chất lượng quả bưởi luôn đạt ở mức cao, chinh phục được các tiêu chí của VietGAP.

Hạnh phúc vì được làm nông nghiệp hữu cơ

Sau một thời gian trồng bưởi, nhận thấy lối canh tác cũ ẩn chứa nhiều rủi ro, lại cạnh tranh khốc liệt, ông Diện đã mạnh dạn thay đổi tư duy sản xuất, từ bỏ “lối mòn” để tìm tòi phương pháp sản xuất mới, không chú trọng đến số lượng mà hướng đến chất lượng để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Năm 2017, ông Diện thành lập hợp tác xã Đức Hợp – Lưu Quang với 11 thành viên. Đặt mục tiêu sản xuất bưởi sạch theo hướng hữu cơ thân thiện với môi trường và an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng. Để làm được điều đó, việc đầu tiên ông Diện làm đó là thay đổi phân bón, học cách chuyển đổi từ sử dụng phân vô cơ hóa học sang phân hữu cơ. Tuy nhiên, chính lúc này khó khăn mới lại tiếp tục ập đến. Do tuổi đã cao, lại không thành thạo về khoa học kỹ thuật, nên trong 3 năm đầu tiên học tập, ứng dụng, năng suất bưởi của ông không cao, kinh tế gặp nhiều khó khăn.

“Chọn con đường hữu cơ mấy năm đầu rất gian truân. Nguyên liệu đầu vào, kỹ thuật thứ gì giá cũng cao mà bán bưởi ra như vô cơ 3 nghìn, 5 nghìn thì mình bị lỗ, vì thị trường chưa biết hữu cơ là gì mà người ta cũng chưa có cơ sở để tin. Cho nên phải mất 1 - 3 năm đầu mình bị thua thiệt”, ông Diện tâm sự.

Thời gian đầu mới bắt tay vào làm nông nghiệp hữu cơ, ông Diện gặp không ít khó khăn. Ảnh: Đức Minh - Hùng Khang.

Đến năm 2020, sau khi có cơ hội tham gia "Chương trình khởi nghiệp”, ông Diện đã được các chuyên gia đầu ngành hướng dẫn từ khâu trồng trọt, chăm bón đến phòng trừ sâu bệnh cho bưởi bằng phương pháp hữu cơ.

Sẵn có kiến thức về trồng bưởi theo hướng VietGAP, ông Diện nhanh chóng tiếp thu kiến thức và áp dụng cho mô hình của mình. Trong suốt quá trình từ gieo trồng đến thu hoạch, ông chỉ sử dụng phân hữu cơ do chính tay mình làm ra từ cám gạo, cám ngô, đỗ tương, chuối… trộn với chế phẩm sinh học EM, vỏ dứa ngâm với cá tươi. Về phòng trừ sâu bệnh, ông Diện chọn sử dụng các chế phẩm sinh học từ thảo mộc thiên nhiên như gừng, ớt, tỏi…

Ông Diện cho biết, bưởi được trồng theo hướng hữu cơ khi chín có màu vàng óng, tép bưởi căng mọng, vị ngọt thanh mà không he đắng, không khô đầu. Hơn nữa, bưởi để càng lâu thì độ ngọt càng đậm đà, được người tiêu dùng ưa chuộng.

“Làm hữu cơ là không dùng thuốc bảo vệ hoá học, không dùng phân hóa học, nông nghiệp hữu cơ có sự nghiêm ngặt mà cái nghiêm ngặt đó là từ lương tâm mình. Làm nông nghiệp hữu cơ là tự mình cứu mình. Bởi vì nó không hại đến sức khỏe con người, không ô nhiễm môi trường, an toàn nên tôi chọn con đường hữu cơ”, ông Diện chia sẻ.

"Làm nông nghiệp hữu cơ là tự mình cứu mình" đó là tâm niệm của lão nông U70 Lê Hữu Diện. Ảnh: Đức Minh - Hùng Khang.

“Tiếng lành đồn xa”, thấy được sự thành công của ông Diện từ mô hình trồng bưởi hữu cơ, người nông dân từ khắp nơi trong nước đã về thăm vườn để học hỏi kinh nghiệm. Chính quyền địa phương cũng tích cực hỗ trợ ông Diện trong quá trình quảng bá và tiêu thụ sản phẩm.

Theo ông Đàm Mạnh Hưởng. Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung Hòa, hội thường xuyên tổ chức các chương trình giao lưu học hỏi kinh nghiệm, hỗ trợ bà con nông dân về vốn trong quá trình sản xuất. Riêng với sản phẩm bưởi Diễn hữu cơ của ông Diện, hội đã hỗ trợ ông trong quá trình tạo mã QR code định danh sản phẩm, đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng.

“Hiện sản phẩm bưởi hữu cơ của ông Diện đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, hướng tới đây là 4 sao và 5 sao. Hằng năm chúng tôi cũng luôn đăng ký cho gia đình ông Diện là hộ kinh doanh giỏi về nông nghiệp cũng như hỗ trợ ông đưa sản phẩm lên sàn giao dịch điện tử”, ông Hưởng chia sẻ.

Nông nghiệp hữu cơ đang là xu hướng tất yếu trong tiến trình phát triển của nền nông nghiệp Việt Nam hiện đại. Hy vọng, trong thời gian tới, những mô hình nông nghiệp theo hướng hữu cơ như của ông Diện sẽ tiếp tục được nhân rộng, để người dân ai cũng được tiếp cận với thị trường nông sản sạch và an toàn cho sức khỏe.

Năm 2023, mô hình trồng bưởi hữu cơ của ông Lê Hữu Diện đã vinh dự được đại diện cho địa phương tham dự hội thi “Tìm hiểu khoa học kỹ thuật, quảng bá và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm bưởi Hà Nội lần thứ 2 do Sở NN&PTNT thành phố Hà Nội tổ chức. Tại cuộc thi vườn bưởi của ông Diện đã dành giải Ba chung cuộc.

Trong thời gian tới, ông Diện sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng bưởi, hoàn thiện các thủ tục để đưa bưởi Diễn tiến ra thị trường quốc tế. Các quốc gia được ông Diện hướng tới là Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Tags

Bình luận

Xem nhiều


Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).

Anh Hoàng Vân là một trong những người tiên phong trào lưu phẫu thuật thẩm mỹ cho cá tại Việt Nam. Hơn 10 năm nay, anh thực hiện cắt mí mắt, cắt môi, sửa vảy, mang... cho hàng trăm con cá rồng. Thu nhập mỗi tháng lên đến chục triệu đồng.


Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm

Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1




Khô hạn kéo dài, vuông tôm thiếu nước, độ mặn tăng cao khiến tôm chậm lớn, chết nhiều. Người nuôi tôm ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL đang đối diện với vụ tôm thua lỗ nặng từ trước đến nay.

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất