Sáng 20/9, trong khuôn khổ Tuần Văn hóa - Du lịch Long An 2022, UBND tỉnh Long An đã tổ chức Hội thảo Phát triển bền vững du lịch Long An giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Long An tổ chức Hội thảo phát triển bền vững du lịch Long An giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Văn Được - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An cho biết, Long An là vùng đất giàu truyền thống cách mạng với nhiều di tích lịch sử - văn hóa cùng nguồn tài nguyên du lịch thiên nhiên đa dạng. Những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thì ngành du lịch Long An cũng đã có những bước phát triển đáng ghi nhận với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt trên 20% năm.
Tuy nhiên, trên thực tế du lịch của tỉnh Long An vẫn còn hạn chế trong đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực phục vụ du lịch, công tác xúc tiến, quảng bá du lịch... Theo ông Nguyễn Văn Được, ngành du lịch Long An chỉ vừa chớm nở, vẫn là một điều trăn trở, tìm hướng phát triển.
Du lịch Long An còn nhiều tiềm năng để phát triển.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã cùng thảo luận, phân tích về du lịch Long An, xoay quanh việc thực hiện chuyển đổi số; lựa chọn sản phẩm du lịch có thể khai thác ngay; đề xuất các giải pháp nhằm tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch trong tương lai.
Để du lịch Long An phát triển bền vững trong thời gian tới, nhiều chuyên gia đề nghị Long An cần đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch thế mạnh, như du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch gắn với văn hóa, di sản, ẩm thực; cần đầu tư khai thác các hoạt động trải nghiệm nâng cao cho du khách; tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong quản lý nhà hàng, khách sạn, hướng dẫn viên đáp ứng được nhu cầu của du khách; tăng cường mở tour khảo sát cho các doanh nghiệp lữ hành, hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn gặp khó khăn.
Vấn đề về giao thông, cơ sở vật chất phục vụ cho du lịch vẫn là mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp lữ hành. Long An tuy có tiềm năng du lịch sinh thái nhưng do hạ tầng chưa đáp ứng nên việc thúc đẩy phát triển du lịch gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, Long An cần phối hợp các địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long xây dựng tour, tuyến đặc trưng tránh trùng lặp với tỉnh bạn; tăng cường liên kết với du lịch Thành phố Hồ Chí Minh để kéo dài thời gian đến cho du khách trong nước và quốc tế.
Bí thư Tỉnh ủy - Nguyễn Văn Được đề nghị UBND tỉnh tập trung xây dựng các dự án du lịch nông nghiệp như du lịch nông nghiệp gắn với cây chanh và du lịch nông thôn gắn với làng mai; du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe dành cho người lớn tuổi tại Khu bảo tồn dược liệu Đồng Tháp Mười.
Ông Nguyễn Văn Được - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An phát biểu tại hội thảo.
Tỉnh Long An thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía nam, phía bắc giáp tỉnh Tây Ninh và Vương quốc Campuchia, có đường biên giới dài 133km; phía đông giáp Thành phố Hồ Chí Minh; phía nam giáp tỉnh Tiền Giang và phía tây giáp với tỉnh Đồng Tháp.
Với vị trí “giao thoa” giữa vùng kinh tế trọng điểm phía nam và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Long An đóng vai trò cầu nối giữa 2 vùng kinh tế quan trọng trong giao thương hàng hóa và du lịch.
Tài nguyên du lịch của tỉnh Long An tương đối phong phú và đa dạng với 122 di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật, danh thắng, khảo cổ và 3 công trình văn hóa có tính lịch sử. Nơi đây nổi tiếng với cảnh quan sông nước, rừng tràm, những cánh đồng lúa bát ngát, khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen…
Keo lá tràm là loài cây đa mục đích, gỗ làm vật liệu xây dựng, đồ mộc gia dụng, nguyên liệu cho công nghệ ván ghép thanh, ván dăm. Đặc biệt gỗ có tiềm năng bột giấy cao, 275-285 kg bột/m3. Gỗ có nhiệt lượng cao 4.800 kcal/kg nên được sử dụng làm chất đốt trong sản xuất than hoạt tính và làm củi đun.