, //, :: GTM+7
Chủ Nhật, 22/01/2023, 07:00

Miu xinh với mỹ nhân

DIÊN VỸ
Không hẳn là một quy luật, nhưng mèo dường như là gia súc có sức thu hút đặc biệt đối với phụ nữ. Không giống như chó vốn trung thành, luôn bày tỏ tình cảm gắn bó với chủ, bọn mèo khá đỏng đảnh và lãnh đạm ngay cả khi chúng được phụ nữ âu yếm, vuốt ve. Bất chấp điều đó, rất nhiều họa sĩ thể hiện những em miu xinh đẹp được cận kề với các mỹ nhân trong tác phẩm của họ.

Các tác giả phương Tây

Một trong số những phụ nữ trong tranh nổi tiếng nhất được vẽ với mèo là cô nàng Olympia, đang trong tư thế khỏa thân nằm trên giường, mắt nhìn thẳng vào người xem như thách thức, ở cuối giường là một con mèo mun xù lông, thân dựng đứng. 

Khi sáng tác bức Olympia, Édouard Manet (1832 - 1883) lấy cảm hứng và vẽ nhại tác phẩm Thần vệ nữ Urbino của danh họa thời Phục hưng Titian, nhưng thay thế thần Vệ nữ bằng cô gái làng chơi Olympia (ở Paris thời đó, cái tên Olympia là tiếng lóng để chỉ gái mại dâm); thay con chó nhỏ - biểu tượng của lòng trung thành - bằng con mèo đen - biểu tượng của sự khoái lạc về đêm, và tư thế của mèo mun còn thể hiện sự kích thích, khiêu khích tình dục - trong tiếng Pháp, từ chatte (mèo) còn là tiếng lóng chỉ cơ quan sinh dục nữ.

Olympia của Edouard Manet

Dù vẫn được dự một cuộc triển lãm tại Paris năm 1863, nhưng bức Olympia đã bị công kích dữ dội đến độ sau đó Manet phải đem cất giấu. Hiện Olympia được trưng bày tại Bảo tàng Orsay ở Paris.

Pierre-Auguste Renoir (1841 - 1919), họa sĩ tiên phong của trào lưu Ấn tượng, có những quan hệ thân thiết với Manet, đã vẽ chân dung Julia, con gái của Manet ôm một chú mèo xinh xinh. Trong tác phẩm Thiếu nữ ngủ với mèo vẽ bằng phấn màu, Renoir mô tả cô gái với vẻ đẹp thuần khiết đang trong giấc điệp mơ màng trên ghế dựa, trong lòng cô là chú mèo cũng đang say giấc. Trước đó, năm 1875 Renoir đã vẽ bức Nàng và mèo bằng sơn dầu, cả nhân vật nữ và con mèo trong tay cô tuyệt đẹp. Renoir còn vẽ nhiều tranh mèo khác, thảy đều thể hiện tình yêu đối với loài vật đẹp đẽ này.

Nàng và mèo mun của Shohei Takahashi
Nghỉ ngơi với mèo của Ishikawa Toraji
Mỹ nhân với mèo của Kitagawa Utamaro
Thiếu nữ ngủ với mèo của Auguste Renoir

Trong tác phẩm Thiếu nữ ngủ với mèo vẽ bằng phấn màu, Renoir mô tả cô gái với vẻ đẹp thuần khiết đang trong giấc điệp mơ màng trên ghế dựa, trong lòng cô là chú mèo cũng đang say giấc. Trước đó, năm 1875 Renoir đã vẽ bức Nàng và mèo bằng sơn dầu, cả nhân vật nữ và con mèo trong tay cô tuyệt đẹp.

Người đẹp với mèo xinh còn tìm thấy trong tranh của Charles Landelle (1821 -1908; họa sĩ Pháp nổi tiếng với tranh chân dung phụ nữ), Vittorio Reggianini (1858 - 1938; họa sĩ Ý chuyên khắc họa bối cảnh đời sống hào nhoáng của tầng lớp giàu có, quý tộc), Charles Spencelayh (1865 - 1958; họa sĩ người Anh sở trường với tranh chân dung theo phong cách hàn lâm), Félix Édouard Vallotton (1865 - 1925; họa sĩ Thụy Sĩ - Pháp theo khuynh hướng Nabis), Harrison Fisher (1875 - 1934; họa sĩ Mỹ chuyên vẽ tranh minh họa bằng màu nước)…

Thế giới nguyên sơ của Henri Rousseau (1844 - 1910, họa sĩ tự học người Pháp) là rừng thẳm và muông thú bí ẩn; khi vẽ Chân dung một phụ nữ giữa thiên nhiên hoang dã ấy, ông đã điểm xuyết một chú mèo con đang nghịch ngợm cuộn len thật đáng yêu. Và trong thế giới máy móc, sắt thép tân kỳ của Fernand Léger (1881 - 1955) vẫn có một chú mèo mun lập thể.

Trong số các họa sĩ Nga đương đại, Olga Suvorova (sinh năm 1966) được coi là một bậc thầy về tranh chân dung, đặc biệt là chân dung các mỹ nhân trong trang phục thế kỷ 18, như một nỗi hoài nhớ về quá khứ vàng son của nước Nga thời Sa hoàng. Nữ họa sĩ tài năng này có một xê-ri tranh vẽ người đẹp với mèo xinh rất được ưa chuộng, được triển lãm ở nhiều nước và thuộc về nhiều bộ sưu tập tư nhân. 

Thiếu phụ đáng yêu với mèo mun của Harrison Fisher
Nàng hoa và miu của Olga Suvorova

Các họa sĩ Nhật

Khá nhiều tranh mèo với mỹ nhân được các họa sĩ Nhật sáng tác trong nhiều giai đoạn lịch sử, khởi đầu từ thời Edo đến ngày nay. Được biết đến rộng rãi nhất trong và ngoài nước Nhật là Kitagawa Utamaro (1753 - 1806), một họa sĩ tài năng trong lĩnh vực tranh in ukiyo-e (tranh Phù thế), một loại tranh khắc gỗ đầy màu sắc, được lưu truyền khắp nước Nhật Bản từ thế kỷ 16 đến giữa thế kỷ 20, có chủ đề xoay quanh đời sống, sinh hoạt của con người đương thời cũng như những câu chuyện, sự kiện, cảnh quan cụ thể.

Ông rất nổi tiếng với các tác phẩm gợi tình bijin-ga (“hình ảnh phụ nữ xinh đẹp”) được thực hiện hơn 200 năm trước mà mô-tip được ông ưa thích nhất là các cô nàng xinh tươi và các em miu tinh quái lôi váy áo của người đẹp vừa tắm xong!

Chân dung một phụ nữ của Henri
Tranh Phù thế đương đại của Kazuho Imaoka

Tiếp nối Kitagawa Utamaro ở lĩnh vực tranh Phù thế với người đẹp và mèo là Keisai Eisen (1790 - 1848) với rất nhiều tác phẩm bijin-ga; Tsukioka Yoshitoshi (1839 - 1892), được coi là bậc thầy cuối cùng của thể loại tranh ukiyo-e; Shohei Takahashi (1871 - 1945) nổi tiếng với tranh phong cảnh, đặc biệt là tranh khắc họa núi Phú Sĩ và tranh phụ nữ khỏa thân đùa nghịch với mèo.

Năm 17 tuổi, Ishikawa Toraji (1875 - 1964) đã theo học hội họa và vẽ tranh sơn dầu theo phong cách châu Âu, rồi được biết đến với tranh phong cảnh. Thế nhưng đến những năm 1934 - 1935 ông mới thành danh với loạt tranh “10 kiểu khỏa thân nữ” do ông vẽ nhưng một đồng nghiệp giúp làm bản khắc gỗ, trong đó có bức Nghỉ ngơi với mèo. Vẽ mèo và giai nhân còn có Yumeji Takehisa (1884 - 1934), họa sĩ cũng là nhà thơ, nổi tiếng với tranh minh họa sách báo. 

Một nhóm các họa sĩ trẻ xuất thân từ Kyoto (cũng là nôi sinh của thể loại tranh Phù thế) đang làm mới dòng tranh khắc gỗ này bằng ngôn ngữ và hình ảnh thời đại, trong số đó được nói đến nhiều là nữ họa sĩ Kazuho Imaoka (sinh năm 1991). Nhân vật tranh chân dung của Imaoka luôn là người nữ cùng với con mèo của nàng, được họa sĩ tạo điểm nhấn bằng các họa tiết thời thượng.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).
Được quan tâm






Đây là sản phẩm thứ 156 ở Thái Lan và là sản phẩm đầu tiên của tỉnh Ang Thong được gắn GI, đánh dấu việc hoàn thành dự án “Mỗi tỉnh một sản phẩm đạt chỉ dẫn địa lý” của Cục Sở hữu trí tuệ Thái Lan.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất