, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 03/02/2022, 20:00

Món bánh phồng tôm gia truyền mang tên Nhà Cổ

ANH HÙNG
Trong tour du lịch sông nước ở xứ cây trái miệt vườn huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang), du khách được đưa đi thăm làng cổ Đông Hòa Hiệp. Ở ngôi nhà cổ hơn 170 năm tuổi có tên Ba Đức bên bờ rạch Bà Hợp, du khách sẽ được thưởng thức món đặc sản bánh phồng tôm với cái tên lạ lùng “bánh phồng tôm Nhà Cổ” - sản phẩm gia truyền có tuổi đời hơn trăm năm.
Các sản phẩm bánh phồng tôm Nhà Cổ.

Từ con tôm, củ mì nhà quê

Ngôi nhà cổ nằm ở ấp An Lợi, xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, vốn là nhà của ông Phan Văn Đức. Người hiện đang quản lý, khai thác Nhà cổ Ba Đức là anh Phan Quang Vinh, cháu gọi ông Hương Trưởng (một chức việc trong làng ngày trước) Phan Văn Cương và bà Hương Trưởng Nguyễn Thị Thạnh là ông bà cố. Anh kể: “Theo ông bà xưa kể lại thì ông bà cố của tui có cánh đồng trồng khoai mì lớn nhất nhì trong vùng. Chuyện bà cố tui sáng tạo ra món bánh phồng tôm chỉ là tình cờ”.

Mỗi năm đến kỳ thu hoạch, thương lái từ khắp nơi dong ghe bầu theo sông Tiền vào sông Cái Bè, đến rạch Bà Hợp mua khoai mì của ông bà Hương Trưởng. Sau khi thu hoạch củ khoai mì bán xong, cây khoai mì được bó lại từng bó, đem chất thành từng đống lớn dưới lòng rạch trước nhà. Đó là cách mà người dân địa phương dẫn dụ tôm cá vào trú ngụ trong những bó thân cây khoai, gọi là chất chà. Mỗi tháng một lần, lúc nước lớn đầy rạch (thủy triều lên), người nhà ông Hương Trưởng dùng lưới bao quanh từng đống chà. Khi nước chuyển ròng (thủy triều xuống) thì dỡ những bó cây khoai bỏ hết lên bờ, đợi lúc nước xuống thấp sẽ gom lưới, bắt cá tôm bị kẹt lại.

Mỗi lần dỡ chà thì tôm cá nhiều vô kể, ăn không hết phải đem chia sớt cho bà con lối xóm ăn phụ. Đặc biệt, tôm càng xanh nhiều đến mức bà Hương Trưởng phải đem luộc chín rồi bóc vỏ, phơi khô để dùng dần quanh năm. Có một hôm tôm càng xanh tươi roi rói vừa luộc xong rất nhiều, nhưng ông Hương Trưởng thèm nhâm nhi vài ly rượu lại than thiếu mồi, vì ông đã quá ngán món tôm càng xanh luộc. Ngẫm nghĩ một lúc, bà Hương Trưởng xuống bếp, lấy mấy củ khoai lang xắt mỏng, chiên giòn, bày lên bàn cùng mấy con tôm luộc. Chẳng ngờ ông Hương Trưởng vừa ăn vừa khen ngon. Từ đó về sau, mỗi khi muốn nhắm rượu ông Hương Trưởng hay kêu vợ chế biến món “khoai chiên tôm luộc”. 

Sau đó bà Hương Trưởng còn mày mò phối trộn khoai lang với tôm cùng gia vị cho món ăn thêm độc đáo. Khi hết khoai lang, bà thay khoai mì vào làm nguyên liệu. Thấy mùi vị thậm chí còn ngon hơn, mà nhà lại sẵn khoai mì, nên sau này bà chỉ làm bánh bằng bột khoai mì. “Muốn giữ bánh sử dụng được lâu, bà cố của tui lại tìm cách phơi khô, khi ăn chỉ cần bỏ vào dầu chiên là bánh phồng xốp, thơm phức, mùi vị đậm đà. Món bánh phồng tôm gia truyền của nhà tui ra đời như vậy đó. Lúc bánh mới xuất hiện, dân chúng trong vùng ăn thử khen ngon, rồi đặt chết danh là bánh phồng tôm bà Hương Trưởng”, anh Vinh kể.

Thành đặc sản OCOP

Một thời gian dài, sản phẩm bánh phồng tôm gia truyền của gia đình anh Vinh chủ yếu sản xuất để dùng trong gia đình và biếu xén trong những dịp Tết nhất, giỗ chạp, chỉ ai nghe tiếng đặt mua mới làm để bán. Cho đến năm 2002, khi làng cổ Đông Hòa Hiệp được Tổ chức Hợp tác Quốc tế JICA và Đại học nữ Chiêu Hòa của Nhật Bản tài trợ khôi phục, ngôi nhà cổ Ba Đức trở thành điểm tham quan của du khách trong nước và quốc tế. Lúc đó ngoài những sản vật là cây trái đặc sản như bưởi, sa-pô, cam sành, nhãn, xoài cát… gia đình anh Vinh bắt đầu đưa đặc sản bánh phồng tôm ra giới thiệu với du khách gần xa. Ai ăn cũng tấm tắc khen ngon, từ đó sản phẩm bánh phồng tôm bà Hương Trưởng được đổi tên thành bánh phồng tôm Nhà Cổ, bởi sản phẩm được sản xuất ngay tại ngôi nhà cổ Ba Đức.

Từ món bánh quê mùa, hiện nay bánh phồng tôm Nhà Cổ được đóng gói trong bao bì trang nhã, hiện đại, thường xuất hiện trong các hội chợ thương mại. “Bánh gồm hỗn hợp tôm càng xanh tươi chiếm 50%, bột mì tinh thượng hạng, trứng gà, các gia vị vừa đủ và những bí quyết riêng do bà cố của tui truyền lại. Dù sản xuất món bánh phồng tôm gia truyền theo phương pháp thủ công, nhưng gia đình tui luôn tuân thủ nguyên tắc an toàn vệ sinh thực phẩm. Có bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm mới thu hút được người tiêu dùng”, anh Vinh nói.

 
Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao của UBND tỉnh Tiền Giang đối với sản phẩm bánh phồng tôm Nhà Cổ.
 

Năm 2020, món bánh phồng tôm Nhà Cổ được UBND tỉnh Tiền Giang công nhận sản phẩm OCOP 4 sao, là sự khích lệ tinh thần rất có ý nghĩa với anh Vinh và gia đình. Nói về sản phẩm bánh phồng tôm Nhà Cổ, ông Võ Minh Nhựt, Bí thư Đảng ủy xã Đông Hòa Hiệp, cho biết: “Lúc đầu món bánh phồng tôm Nhà Cổ chỉ là sản phẩm riêng của gia đình ông Ba Đức, chủ yếu phục vụ khách du lịch. Sau đó địa phương thấy đây là đặc sản độc đáo, nên động viên anh Vinh đăng ký sản phẩm OCOP của địa phương. Hiện sản phẩm bánh phồng tôm Nhà Cổ tiêu thụ rộng rãi trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài, được khách hàng đánh giá rất cao về chất lượng”.

Hiện nay Làng cổ Đông Hòa Hiệp có tổng cộng 36 ngôi nhà cổ, tuổi đời từ hơn 80 năm đến hơn 220 năm. Làng cổ Đông Hòa Hiệp được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận Di tích cấp Quốc gia năm 2017. Lễ hội Làng cổ Đông Hòa Hiệp diễn ra 2 năm 1 lần, với nhiều hoạt động văn hóa dân gian.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm




Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất