, //, :: GTM+7
Chủ Nhật, 24/03/2024, 17:17

Ngày hội Việt phục “Tóc xanh vạt áo” thu hút đông đảo người trẻ

THÙY DUNG
Sau 3 kỳ tổ chức thành công, Ngày hội Việt phục "Tóc xanh vạt áo" lần thứ 4 đã diễn ra tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM vào ngày 24/3.

Đây là sự kiện mở màn cho tuần lễ văn hóa Sóng đôi được tổ chức thường niên bởi Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, hướng đến kỉ niệm 280 năm ngày Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát định chế áo dài.

Ngày hội "Tóc xanh vạt áo" là cơ hội để các bạn trẻ tìm hiểu về trang phục truyền thống của người Việt. Ảnh: Sức Trẻ Nhân Văn.

TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VH&TT Thừa Thiên Huế, Uỷ viên Hội đồng di sản quốc gia cho rằng áo dài không chỉ là trang phục mà còn là niềm tự hào, sự nhận diện và thể hiện tính thống nhất về văn hoá của người Việt Nam. Trong 10 năm trở lại đây, phong trào cổ phong, đi tìm lại truyền thống văn hoá dân tộc ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là ở TP.HCM.

“Ngày hội Tóc xanh vạt áo” là một điển hình về việc tiếp thu các tinh hoa văn hóa, đưa nó vào cuộc sống hiện đại. Đây là nguồn cảm hứng để lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng" - TS Phan Thanh Hải chia sẻ.

TS Phan Thanh Hải (thứ 3 từ phải qua) tại Ngày hội Việt phục "Tóc xanh vạt áo" lần thứ 4. Ảnh: Sức Trẻ Nhân Văn.

Tóc xanh vạt áo mùa thứ 4 có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với hơn 30 gian hàng cùng hơn 25 đơn vị làm văn hóa quy tụ về TP.HCM. Mỗi đơn vị tham gia đều có những lĩnh vực chuyên môn riêng, tạo nên bức tranh đa màu sắc trong công cuộc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam.

Đông đảo các bạn trẻ đã có mặt để tham gia Ngày hội. Nhiều bạn hào hứng khoác lên mình bộ trang phục truyền thống. Được biết đến như điểm hẹn văn hóa của những người yêu cổ phục Việt, Ngày hội cũng là nơi để các bạn trẻ có thể đắm chìm trong bầu không khí văn hóa, tìm hiểu những câu chuyện của dân tộc cũng như kết giao những người bạn mới.

Các bạn trẻ hào hứng khoác lên mình trang phục truyền thống của dân tộc. Ảnh: Sức Trẻ Nhân Văn.

Ngoài hoạt động triển lãm, trưng bày tại các gian hàng, Ngày hội còn có nhiều chương trình đặc sắc tại khu vực sân khấu chính, gồm: biểu diễn cổ phục và nghệ thuật truyền thống Chămpa; biểu diễn độc tấu đàn nhị; giới thiệu cổ vật, sản phẩm phục dựng…

Các talkshow: thú chơi cổ ngoạn, 280 năm định chế áo dài, di sản đô thị Sài Gòn - Nam bộ qua các bản đồ, 10 năm nhìn lại phong trào cổ phong… cũng thu hút nhiều bạn trẻ yêu văn hoá tham dự.

Cùng với đó là các hoạt động xen kẽ bên lề như tặng chữ thư pháp, hát cải lương hay trải nghiệm làm bánh dân gian cùng các nghệ nhân.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất