, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 16/03/2024, 06:00

Ngọc Linh mùa sâm ngủ đông

NAM KHANG
Khi tôi lên tới xã Trà Linh (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) thì đồng hồ đã chỉ 10 giờ sáng. Giữa tháng 2 năm Giáp Thìn, nắng chói chang.

Trụ sở xã ở nóc Măng Lùng (thôn 2). Hơn 15 năm trước, tôi bị lạc rừng chỗ này, khi đó dân cư thưa thớt, đường không có, mưa rừng chiều tối khiến tôi bị rơi vào mê trận, may một thanh niên chỉ đường sau khi được tặng một gói kẹo mới tìm ra lối về. Từ con dốc cuối của xã Trà Nam, muốn đi tới đây là 1 buổi đường đi bộ. Bây giờ thì bà con ngồi ở nhà, bấm điện thoại ship hàng từ thị trấn lên. Hàng ngày có 4 chuyến xe tải chở hàng tận ngõ. Ngay trước trụ sở xã, nơi đỉnh cao 2598m này, có cả tiệm làm móng, sửa chữa điện thoại, quán nhậu, karaoke…

Phó Chủ tịch là Hồ Văn Dang cười như… giễu: “Lên chi tháng sâm ngủ đông hả anh?”. Tôi quen Dang đã lâu. Cậu ta nổi danh ai cũng biết, bởi mới hơn 30 tuổi nhưng là thành phần chủ chốt của tổ kiểm định sâm Ngọc Linh huyện Nam Trà My, với khả năng xác định chính xác 80% sâm Ngọc Linh thật hay giả. Ừ, đang mùa sâm ngủ đông từ tháng 10 đến tháng 2 dương lịch, vườn sâm chỉ thấy toàn đất như tấm chăn lớn màu nâu dưới gốc cây già. Phải từ tháng 4 đến tháng 6 sâm mới ra hạt.

Nắng và nóng. Mùa hè nóng kinh. Chuyện không ai ngờ. Ngọc Linh quanh năm mây phủ, 15 năm trở về trước, nhiệt độ luôn dưới 20 độ, năm lạnh nhất là 1 - 2 độ. Nhiều nhà đã lắp máy lạnh. Ký ức ùa về khi ngó lên nóc Tắc Ngo chìm khuất trong mây. Hồi đó, chính chỗ tôi đang đứng đây, lạnh đến mức rắn bò vào chăn ngủ chung với người. “Dạ nóng, từ 2016 là bắt đầu nóng nhiều, năm từ 2023 là nóng kinh luôn anh”, giọng Dang từ từ lành hiền như không trọng âm, như sương lửng lơ trên lá, như khởi thủy tự thuở mọi thứ từ sương mù. Nóng lạnh chi mặc kệ, sâm Ngọc Linh đắt hơn vàng, nên bây giờ riêng xã Trà Linh đã có hơn 100 đơn vị, cá nhân trồng sâm. Thống kê diện tích, số cây từ doanh nghiệp, cá nhân người kinh thì dễ, nhưng với bà con Xê Đăng thì có mà… mơ.

“Chú bao nhiêu cây?”, tôi hỏi Dang. “Dạ, vài ba miếng rẫy”. “Còn chú có mấy ngàn?”, tôi quay sang Hồ Văn Thể - Chủ tịch xã. Anh chàng cười hê hê: “Dạ, 9 - 10 ngàn cây chi đó, năm ngoái chuột ăn hết của em 1.000 cây”. Phó Chủ tịch huyện Trần Văn Mẫn nói, rằng đố mà thống kê được, họ giấu kỹ vì sợ mất cắp. Mất cắp liên tục. Năm ngoái công an huyện đã phát hiện ra cả ma túy lên đỉnh núi cao nhất miền nam này. 

Túi vải tự hủy được dùng để ươm cây con.

Mỗi tháng huyện tổ chức chợ phiên sâm Ngọc Linh 1 lần. Những con số tỷ này tỷ nọ hớp hồn người nghe người xem. Vẻ lấp lánh mê cuồng kim bạc của những thương vụ gùi 1 ba lô sâm lấy 1 xe hơi 1 tỷ nhòa trong mắt khách, nhưng với người đêm ngày hít thở với cây sâm, thì cứ phập phồng.

“Nay giá cả ra sao?”. Dang nói: “100 ngàn/hạt, có khi hơn. Cây 1 tuổi 270 - 300 ngàn”. “Ở huyện, anh nghe thương lái nói giá sâm củ tụt lắm…”. “Sau dịch Covid, tụt thảm, từ 220 triệu/kg loại 1, nay chỉ còn 110 triệu, bằng hạng hai. Bà con phụ thuộc thương lái. Họ mua 110, bán ra 160 - 170 triệu, mua xô lô, về tách loại 1 ra bán riêng, cả sâm gãy họ cũng mua về nối lại, nói loại 1. Người mua giàu hơn người bán”. Giọng Dang như dài ra.

Cách đây 2 năm, 1 nhà máy thu mua và chế biến sâm Ngọc Linh ra đời ở xã Trà Don, nhưng rồi đóng cửa, vì thiếu nguyên liệu. Bà con trồng theo tập quán tự nhiên, không phân bón, 7 năm mới thu mua. Doanh nghiệp vào, dùng phân hữu cơ, chăm sóc đúng kỹ thuật, cây lớn nhanh, rút thời gian thu hoạch xuống còn 5 năm.

Mỗi hạt sâm có giá đến 100 ngàn đồng.

Chuyện giá như một mắc xích lỏng trong câu chuyện sâm Ngọc Linh, bởi thị trường điều tiết. Ngày 1/6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định phê duyệt Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Nghĩa là, bây giờ không còn chuyện phát triển sâm của riêng Quảng Nam hay tỉnh nào nữa, mà là vấn đề quốc gia. Và như thế thì mục tiêu đi kèm nội dung để triển khai Chương trình phát triển sâm Việt Nam không chỉ là chuyện “trong nhà nói với nhau”. Nhưng đến nay, có tầm quốc gia hay sâm Ngọc Linh mặc nhiên được truyền khẩu là quốc bảo, thì cũng là chuyện “nói với nhau trong nhà”.

Năm 2023, Quảng Nam nóng chuyện môi trường vùng sâm Ngọc Linh bị biến đổi xấu, do doanh nghiệp mang sắt, nhựa, thùng xốp vào dựng trại, ươm trồng. Khởi thủy, cây sâm mọc tự nhiên trong điều kiện ẩm ướt, dưới lớp lá mục, mùn dày. Trên đỉnh này, thổ nhưỡng cực kỳ nhạy cảm với vật liệu công nghệ, nên rác thải không hủy được sẽ khiến lớp đất mùn và thảm thực vật tự nhiên chết đứng. Dân la ầm. Dư luận lên tiếng. Chính quyền loay hoay, bởi đã cho người ta vào, giờ lại cấm sử dụng.

Tôi hỏi ông Trần Út - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam, ông nói rằng rất khó, nhưng phải cấm, khuyến khích người trồng sử dụng tre nứa, vải màn để che, ươm, cũng là để chống lại sâu bệnh, nấm mốc.

“Xã truy quét, chặn liên tục không cho mang đồ nhựa, sắt thép vào, đến nay chỉ còn 40% đơn vị sử dụng”, Dang nói và cho hay, số còn lại này là do họ mới trồng, cây còn yếu quá chưa có thể bứng thay bộng bọc gốc. Dang mở điện thoại cho tôi xem: “Đây anh, chừ có đồ bọc gốc bằng vải tự hủy, 10 ngàn/cái, sử dụng được 5 năm”. Coi bộ những người ngồi quanh, mặt giãn ra vì trút được âu lo. Sinh rồi chết ở rừng, họ sợ môi trường tan nát, sợ bên ngoài vì đồng tiền mà phá tan bầu không khí trong suốt thuở cha ông. Họ sợ, khi sống ở vùng sâm, ăn ngủ với sâm, làm giàu từ sâm, mà nói như ông Hồ Văn Do là “sướng mô không thấy, chừ tuổi thọ ngắn rồi, hồi trước làm rẫy, ăn cá suối, rau rừng, ngủ thẳng cẳng, chừ phải thức canh vườn sợ mất cắp, không ai sống qua 80 tuổi mô”.

Dang “đế” thêm: “Hồi trước anh lên, thấy con gái một màu tóc đen, chừ nhuộm 10 màu”. Nắng lên cao, mây bắt đầu tan dần, mới thoắt đó, đỉnh mờ xa có sân đỗ trực thăng thời Pháp làm, đã biến hình từ trắng qua xanh rồi vàng. Mờ mờ ảo ảo như chính củ sâm vậy.

Cây sâm Ngọc Linh được nhổ ở vườn ươm trước khi đem trồng. Ảnh: Cao Nguyên - TTXVN.

Bây giờ đem một củ có hình dáng sâm Ngọc Linh bỏ lên bàn, ai dám nói là thật hay giả? Củ sâm Lai Châu, Trung Quốc, Tam Thất cũng hình dáng vậy, thế thì cơ sở nào để phân biệt? Trung ương, báo chí nói là quốc bảo, vậy cho tôi biết nó là gì? Trong đề án phát triển sâm Ngọc Linh, theo Sở NN&PTNT, mục tiêu của tỉnh là phát triển vùng nguyên liệu sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) với diện tích 8.400ha (trong đó diện tích dưới tán rừng phòng hộ 7.740ha và diện tích dưới tán rừng sản xuất 660ha). Vì thế truyền thông đi trước một bước, bằng tổ chức chợ phiên, đưa lên mạng xã hội, báo chí vào cuộc.

Ai đưa sâm vào chợ bán, là tổ kiểm định của huyện, bằng kinh nghiệm và mắt thường đảm nhận kiểm tra, nghi ngờ là loại bỏ, xử lý. Tôi hỏi Dang: “Có khi nào chú nhầm không?”. “Không chắc chắn trăm phần trăm anh à, em nhìn bằng kinh nghiệm thông qua màu sắc nó hơi đen, nâu và xanh, các đốt chèn lên nhau và vị nó đắng nhưng hậu ngọt”.

Bằng mắt thường và thiếu kinh nghiệm, sao phân biệt được thật giả?

Tỉnh cho mua máy xét nghiệm, cơ quan đảm trách là sở NN&PTNT, nhưng lãnh đạo sở nói chưa thực hiện được vì khó tuyển người có trình độ sinh, hóa, bởi lương khởi điểm thấp quá. Chủ tịch xã Trà Don là ông Lê Trung Thực nói: “Đó là nói thôi, bởi đã xem là chiến lược quốc gia, thì phải có cơ chế! Chính phủ nói nhưng có cho cơ chế lập trung tâm nghiên cứu đi kèm một loạt vấn đề từ trồng, phân loại, xét nghiệm, sản xuất, quảng bá đâu? Chưa nói các nhà khoa học nói khơi khơi là sâm Ngọc Linh thành phần Saponin có đến tới 52 loại, cao nhất và bổ nhất thế giới, vậy xin hỏi có ai công bố 52 loại đó là loại gì? Củ 1 tuổi có bao nhiêu thành phần? 10 tuổi là bao nhiêu? Phân biệt sâm thật và giả ư? Anh cho tôi biết thế nào là sâm thật, tôi sẽ nói giả là gì? Nếu tôi mua trên mạng, trôi nổi, nếu nghi ngờ báo công an, xử lý được không?”.

Phó Chủ tịch huyện Trần Văn Mẫn lắc đầu: “Phát hiện sâm giả khi người ta đưa vào hội chợ bán, thì chuyển cơ quan chức năng xử lý. Phải đưa ra Hà Nội xem xét, có kết quả, nếu giả thì mới xử lý được, mà chỉ là xử lý hành chính, bởi nó cũng chỉ là một loại hàng hóa. Huyện tốn kém lắm vì chuyện này. Đụng vào mới biết không dễ chặn sâm giả. Còn họ bán ngoài thị trường, trôi nổi, làm sao mình có cơ sở để bắt họ, nếu họ nói khác đi là tôi bán sâm, sâm thôi, vì giờ sâm nhiều loại, thì làm chi được họ? Khó vô cùng”.

Tràn lan, thật giả không biết, ngay cả lãnh đạo huyện trước đây cũng từng bị lừa bởi mua nhầm củ ráy, về dùng mà cơ thể bừng bừng ngứa rồi phù lên. Năm 2023, tại một cuộc họp báo do UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức, đại diện sở công an cũng nói thẳng là lúng túng xử lý. Gà què ăn quẩn cối xay, bởi sâm Ngọc Linh vùng núi Ngọc Linh giờ đã đi ra với thế giới được đâu, khi cơ sở khoa học chính danh không có. Muốn đi ra cạnh tranh với sâm xứ người, mà cái máy xét nghiệm giả thật cũng chưa có, nói chi chuyện tem nhãn, chỉ dẫn địa chí, thông số thực trạng môi trường rừng, qui trình trồng đến thu hoạch là chuẩn xanh…

Giá các loại sâm được niêm yết tại chợ phiên 2023.

Tôi quay lui, hẹn anh em và bà con mùa hè lên lại. Nắng rát lưng. Sâm vẫn đang ngủ. Chừng 2 tháng nữa nó sẽ tỉnh giấc. Kiếp cỏ cây cứ đúng kỳ hạn thì sinh rồi diệt, chỉ có bao đôi mắt vẫn ngủ đông dài theo cái gọi là… cơ chế. Ai lo cứ lo, ai bán cứ bán, ai mua cứ mua, bỏ cả trăm triệu ra mua 1kg về bồi bổ, biếu xén, thật giả may nhờ rủi chịu, do… ăn ở. 

Tags

Bình luận

Xem nhiều


Anh Hoàng Vân là một trong những người tiên phong trào lưu phẫu thuật thẩm mỹ cho cá tại Việt Nam. Hơn 10 năm nay, anh thực hiện cắt mí mắt, cắt môi, sửa vảy, mang... cho hàng trăm con cá rồng. Thu nhập mỗi tháng lên đến chục triệu đồng.

Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).


Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm





Khô hạn kéo dài, vuông tôm thiếu nước, độ mặn tăng cao khiến tôm chậm lớn, chết nhiều. Người nuôi tôm ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL đang đối diện với vụ tôm thua lỗ nặng từ trước đến nay.

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất