, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 16/03/2022, 16:30

Người nuôi cá trên núi cao

ANH THƯ
“Nước lạnh là một tài nguyên vô cùng quý giá cho ngành thủy sản mà chúng ta không thể và không được phép bỏ lỡ” - TS Lê Thanh Lựu, Giám đốc Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thủy sản bền vững (ICAFIS), nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản trung ương 1 nhắc đi nhắc lại thông điệp ấy với chúng tôi.
TS Lê Thanh Lựu, Giám đốc Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thủy sản bền vững (ICAFIS), nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản trung ương 1.

Trong ánh sáng mờ tỏ chạy bằng máy phát điện – xã Nậm Xé (huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai), nằm giáp ranh giữa Lào Cai và Lai Châu vẫn chưa có điện lưới - nhà khoa học đã ngoài 70 tuổi hồ hởi kể về những… thất bại của ông trong hành trình thực hiện mong muốn đưa trứng cá tầm “made in Viet Nam” lên những bàn ăn sang trọng.

“Thất bại là mẹ thành công”

Mong muốn ấy, theo ông, chính là để có thêm nhiều nhà triệu phú, tỷ phú, nhiều người nổi tiếng biết đến Việt Nam hơn, đánh giá đúng mức hơn những kinh nghiệm và kỹ năng trong lĩnh vực thủy sản của Việt Nam. Và cũng để nguồn tài nguyên nước lạnh trong lành quý giá của vùng núi xa xôi còn nhiều gian khó này không bị bỏ phí.

“Thấy ở đây có nguồn nước lạnh rất quý, tôi và mấy anh em bạn bè bỏ tiền túi làm trại nuôi cá tầm. Ban đầu tôi định làm trứng cá để xuất sang Mỹ, sản phẩm mẫu đã được 2 công ty kiểm định, đánh giá tốt. Thế nhưng tháng 09/1998, bão lụt đã cuốn phăng cả trại. Từ đấy, con suối đổi hẳn dòng chảy. 5 tấn cá cái đang có trứng của chúng tôi “bay” sạch, thiệt hại gần 6 tỷ đồng, chưa kể biết bao công sức. Chúng tôi lại chắt bóp, lại tiết kiệm và năm 2012 lại xây dựng”, ông Lựu cười, nụ cười bình thản.

Gần 10 năm qua, khi thu vẫn chưa đủ bù chi thì lại vướng vào đại dịch Covid. Không ít khó khăn cho những người nuôi cá tầm - lại nhất định không nuôi giống cá tầm Trung Quốc - như ông Lựu. “Phân biệt các loại cá này không khó. Cá tầm Nga mõm ngắn, trắng. Cá tầm Siberia mình dài hơn, màu thân cũng khác. Cá Siberia lớn nhanh và thịt mềm. Tầm Nga lớn chậm nhưng cho thịt chắc và trắng hơn. Nếu tầm Siberia chỉ cần 18 tháng đã có thể đạt trọng lượng thương phẩm 2,5 - 3kg thì tầm Nga cần ít nhất là 24 tháng. Cá lấy trứng là giống Sterlet”, TS Lựu giảng giải. Bù lại, chất lượng các loại cá này đều “hơn đứt” cá tầm Trung Quốc, thịt nhão và tanh. 

Tuy nhiên, cá tầm Trung Quốc có giá bán rẻ hơn nhiều, đến tay người tiêu dùng chỉ từ 140.000 - 150.000 đồng/kg, trong khi cá tầm nuôi tại trang trại của ông Lựu và tại Sa Pa, Bát Xát (Lào Cai) hay Lâm Đồng… nói chung đều không thể có giá thấp hơn 200.000 đồng/kg. Một số tư thương ranh mãnh trục lợi bằng cách nhập cá tầm Trung Quốc giá rẻ về rồi trà trộn với cá tầm Việt Nam đem tiêu thụ. Những lỗ hổng trong việc nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc có thể sẽ “giết chết” ngành nuôi cá tầm trong nước; nhất là khi phần lớn vùng nuôi nằm ở vùng sâu xa, điều kiện khó khăn hoặc vùng hồ thuỷ điện. Đó mới là những nơi có nguồn nước chảy lạnh và trong lành.

Cá ông Lựu

Với diện tích nhà xưởng 3.000m2, trong đó có 1.000m2 mặt nước gồm nhiều bể xi măng, mỗi năm ông Lựu và đồng nghiệp có thể nuôi được 18 tấn cá tầm thịt và lúc cao điểm có thể thu được 150kg trứng mỗi năm. Ngoài cá thịt, ông còn làm cá giống. Trứng cá nhập về từ Nga và Hungari, ông cho ấp rồi ương cá bột cho đến khi cá con đạt chiều dài khoảng 20cm thì xuất bán. Sau 2 tháng, người nuôi cần phân loại và tách đàn để đảm bảo độ đồng đều, tiện cho việc chăm sóc.

Dù rất lo ngại về mối nguy từ cá tầm nhập khẩu “lập lờ đánh lận con đen”, nhưng TS Lê Thanh Lựu hoàn toàn tự tin khẳng định rằng, nếu cạnh tranh minh bạch, sòng phẳng thì ông “không ngán”, vì người sành ăn tất sẽ phân biệt được chất lượng của từng loại. Nhà khoa học già chỉ ao ước sớm có điện lưới để ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng và sản lượng. Ông nói: “Có một nghịch lý là nếu Điện lực Lào Cai đầu tư lưới điện tới đây thì rất đắt, nhưng nếu Điện lực Lai Châu làm thì lại rẻ, vì có đường dây cao thế của Lai Châu đi qua. Tôi nghĩ chỉ cần hai bên thống nhất được về cách thức đầu tư và thu tiền điện thì đỡ cho bà con ở đây biết mấy”.

Bên cạnh đó, mùa đông ở vùng này tuy có không khí hết sức trong lành, nhưng lại khô, ít nước, kèm theo đó là nồng độ oxy trong nước giảm. Nếu có điện lưới, ông có thể đầu tư hệ thống máy lọc, sục và thậm chí sản xuất oxy để bổ sung cho đàn cá. Ước tính, sản lượng cá giống, cá thịt và trứng cá của trại có thể tăng mạnh, sản lượng cá giống có thể đạt được 500.000 con/năm; còn cá thịt có thể nuôi đến 4 - 5 tấn/100m2; nghĩa là gấp đôi mật độ hiện nay.

Là người dành trọn cuộc đời cho nghiên cứu thủy sản, ông Lựu cùng các đồng nghiệp cũng có thể đầu tư để biến trại cá thành mô hình sản xuất “hạt nhân” nhằm hướng dẫn cho nhiều người cùng học hỏi kinh nghiệm. Đơn cử, với kỹ thuật chăm sóc đặc biệt, 100% cá tầm cái ở trại của TS Lê Thanh Lựu đều cho trứng, trong khi thông thường tỷ lệ này chỉ đạt khoảng 20 - 30%. Ông cùng những người đồng sự còn sở hữu bí quyết vuốt cá lấy trứng mà không cần mổ cá cái. Đương nhiên tỷ lệ trứng thu được sẽ thấp hơn phương pháp thông thường, nhưng lại không làm chết cá cái và chúng vẫn có thể tiếp tục cho thu hoạch trứng mùa sau. “Loài cá tầm Sterlet cho trứng mỗi năm 1 lần, nếu điều kiện tốt có thể 2 năm 3 lần và mỗi con cá có vòng đời lên đến 20 năm”, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1 cho hay.

Theo TS Lê Thanh Lựu, các địa phương ở vùng Tây Bắc của Việt Nam có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho nuôi cá tầm, đặc biệt là giống Siberi. “Có một giáo sư người Nga đã phát hiện ra điều rất thú vị khi đem cá tầm Siberi về nuôi tại hồ hạ nhiệt của một nhà máy nhiệt điện. Với nhiệt độ nước khá ấm mùa hè lên tới 30 độ C, mùa đông khoảng 17 độ C thì chúng lớn như thổi. Còn rất nhiều điều chúng ta chưa biết về loài cá hàng trăm triệu tuổi này, chúng thậm chí đã có mặt trên trái đất từ khi vùng Siberi còn khá ấm áp”, nhà khoa học say sưa kể. Sự hứng thú, niềm say mê với các loài cá dường như chưa bao giờ tắt trong ông...

Cá tầm cần nguồn nước sạch nên khi nuôi cần chú ý về mật độ và nguồn nước. Nước suối tự nhiên trước khi cho vào bể nuôi cần qua hệ thống lắng, lọc để loại bỏ tạp chất. Nước thải cũng cần có hệ thống lắng, lọc để loại bỏ chất thải trước khi xả ra môi trường. Chất lượng nước kém có thể gây nấm cho cá, khi đó cần tắm cho cá bằng nước pha các chế phẩm chuyên dụng. Từ kinh nghiệm của chính mình, ông Lựu đặc biệt khuyến nghị các hộ nuôi cá lưu ý để phòng tránh nguy cơ từ thiên tai vì địa hình những nơi nuôi cá thường là ở ven suối thuộc các vùng núi cao.

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1

Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất