, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 07/12/2023, 14:00

Nông sản Việt lột xác để chinh phục “thị trường cấp cao”

TRUNG THANH
Nếu không có cái nhà vệ sinh màu xanh nho nhỏ nằm ở bờ đất giáp ranh giữa hai vườn thanh long chưa vào mùa thu hoạch, thật khó để phân biệt vườn nào được trồng theo quy chuẩn tiêu chuẩn GlobalGAP (viết tắt của cụm từ Global Good Agricultural Practice – thực hành sản xuất nông nghiệp tốt toàn cầu) với vườn thanh long… truyền thống. Sau gần hai năm được trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP, những vườn thanh long xã Tân Bình Thạnh, huyện Chợ Gạo - tỉnh Tiền Giang trông vẫn giống như những vườn thanh long bình thường, nhưng chất lượng và giá thành lại khác nhau rất lớn.

Sự thay đổi từ… trong ruột

Thật ra, cái nhà vệ sinh nằm ở giữa hai vườn thanh long nói trên không phải là tiêu chí để đánh giá sự khác biệt về quy trình - chất lượng mà chỉ là chỉ dấu nhỏ để nhận diện sự bài bản của một vườn thanh long được trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP.

Vậy sự khác biệt nằm ở đâu? Nhìn vào đâu để nhận biết? Tôi hỏi anh Phan Văn Hiền, Giám đốc Hợp tác xã Phát Đạt (đơn vị trồng thanh long theo tiêu chuẩn GlobalGAP). Sau chút bối rối, anh Hiền chỉ tay về phía những bao phân hóa học và cỏ rác vứt dọc đường đi ở một “vườn thanh long truyền thống” nói: “Mới nhìn qua thì rất khó phân biệt. Nhưng nếu quan sát kỹ sẽ thấy vườn thanh long trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP sẽ không có những bao phân hóa học và cỏ rác vứt bừa bãi ở lối đi...”.

Theo anh Hiền, vườn thanh long được trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP hầu như chỉ sử dụng phân bón vi sinh, không được sử dụng nhiều phân bón hóa học như cách trồng trước đây và tuyệt đối không để tồn lưu dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm thu hoach. “Cỏ rác phát sinh trong quá trình chăm sóc, tỉa cành phải được thu gom để vườn luôn sạch sẽ. Đây cũng là cách để hạn chế tối đa việc lây nhiễm bệnh. Vườn trồng cũng có nhà vệ sinh để tránh tình trạng phát tán các chất ô nhiễm. Những điều tưởng chừng bình thường này nhưng để thực hiện được không dễ vì nông dân họ quen với cách trồng trước đây…”.

Vì thế, nếu mới nhìn qua trái thanh long giữa vườn trồng theo quy trình để xuất khẩu sang các thị trường cao cấp và thanh long trồng theo quy trình bình thường vẫn khó nhận thấy sự khác biệt. Trên thực tế, mấu chốt không nằm ở hình thức bên ngoài mà là ở trong ruột trái thanh long. Những trái thanh long dùng để xuất khẩu hoặc chế biến trước khi xuất khẩu sang các thị trường như Mỹ, Châu Âu… tuyệt đối không được có dư lượng hóa chất (hay còn gọi là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật). Để đạt được tiêu chí này, quá trình trồng, chăm sóc và thu hoạch thanh long phải được kiểm soát chặt chẽ.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Tạo đang chăm sóc vườn thanh long được trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP .

Chị Nguyễn Thị Ngọc Tạo, nhà có 9 công đất trồng thanh long (tương đương 9.000m2) ở xã Tân Bình Thạnh, cho biết, gia đình chuyển sang trồng thanh long theo tiêu chuẩn GlobalGAP gần hai năm, đến nay đã quen với quy trình này. “Ban đầu cũng thấy lọng cọng vì không quen, mọi thứ phải ghi chép cẩn thận lại như bón phân gì, vào lúc nào, không được sử dụng các loại phân thuốc nào. Nhưng sau khi quen dần thì lại thấy cũng bình thường”, chị bày tỏ.

Sau gần hai năm vào Hợp tác xã Phát Đạt để trồng thanh long theo tiêu chuẩn xuất sang các “thị trường cao cấp”, chị Tạo không còn phải lo lắng về tình trạng được mùa - mất giá, được giá - mất mùa như trước đây. “Từ ngày vào Hợp tác xã, đầu ra của sản phẩm được bao tiêu nên không phải lo lắng. Mình phải trồng theo yêu cầu của họ, phải đảm bảo không được sử dụng phân thuốc hóa học. Bù lại, giá thu mua thanh long thường cao hơn những vườn trồng theo cách thông thường như trước đây. Ví dụ, vườn bên kia thanh long được thu mua với giá 10.000 đồng/kg thì bên mình bán được 13.000 đồng/kg. Hầu như, giá lúc nào cũng cao hơn”, chị chia sẻ.

Anh Phan Văn Hiền cho biết hợp tác xã Phát Đạt có 100 xã viên với tổng diện tích đất trồng thanh long khoảng 100ha, năng suất đạt được khoảng 5.000 tấn/năm (tăng khoảng 10% so với năng suất trước đây). Tất cả đều trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Thanh long sau khi thu hoạch được bán cho Công ty Cổ phần thực phẩm Relifoods (Nhà máy nằm ở Khu công nghiệp Trà Nóc II, Thành Phố Cần Thơ).

“Quá trình trồng thanh long được Công ty Cổ phần thực phẩm Relifoods (Công ty Relifoods) giám sát nghiêm ngặt, đảm bảo thanh long sau khi thu hoạch tuyệt đối không có dư lượng về hóa chất. Nếu không đảm bảo được tiêu chí này mọi thứ xem như công cốc”, anh Hiền bày tỏ thêm.

Thanh long ruột đỏ trồng theo quy chuẩn xanh - sạch của Việt Nam đang được Starbucks (Mỹ) dùng làm nước màu tự nhiên.

Giảm xuất thô để tăng thêm giá trị

Đầu năm 2021, Khi Công ty Relifoods khởi công xây dựng nhà máy chế biến nông sản có tổng mức đầu tư khoảng 10 triệu USD tại Khu công nghiệp Trà Nóc II - Cần Thơ cũng là lúc Hợp tác xã Phát Đạt tại xã Tân Bình Thạnh (huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) đang dần hình thành. “10 triệu USD không phải là số tiền nhỏ. Nếu nhà máy xây xong mà vùng cung cấp nông sản sạch chưa có thì công ty sẽ lâm nguy. Còn nếu đợi có vùng nguyên liệu sạch rồi mới xây dựng nhà máy thì người nông dân sẽ không tin. Vì vậy, bắt buộc làm song song, vừa tìm vùng nguyên liệu sạch và xây dựng nhà máy cùng lúc”, ông Nguyễn Vũ Lộc, Tổng giám đốc Công ty Relifoods nhớ lại thời điểm “gầy dựng” vùng trồng nông sản sạch cho nhà máy.

Với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực cung cấp nông sản sạch cho các thị trường Âu - Mỹ, ông Lộc hiểu rằng việc tạo ra vùng trồng hoàn toàn mới là vô cùng gian nan, thậm chí không làm được. Vì vậy phương án khả thi nhất là xây dựng từ những vùng trồng có sẵn. “Vùng thanh long ở Chợ Gạo - Tiền Giang vốn đã nổi tiếng rồi. Đất ở đó rất thích hợp trồng thanh long, nông dân cũng có nhiều kinh nghiệm trồng loại cây này. Cái khó là trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP chắc chắn người dân dân sẽ không quen. Vì thế nếu cách trồng mới không lợi hơn cách trồng cũ người dân sẽ không theo. Do vậy mình phải tìm được những đối tác lớn để đảm bảo nguồn cung lâu dài, ổn định. Từ đó mình bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân, không để họ trồng cây theo phong trào như trước đây…”, ông Lộc nói thêm về quá trình tìm vùng nguyên liệu cho nhà máy cùng với sự ra đời của Hợp tác xã Phát Đạt.

Sau khi nhận thấy những lợi ích để trồng thanh long “theo cách mới”, nhiều hộ dân ở xã Tân Bình Thạnh đã đồng ý tham gia Hợp tác xã. Đến nay, Hợp tác xã Phát Đạt có 100 xã viên với vùng trồng khoảng 100ha, là một trong những đơn vị chủ lực cung cấp nông sản cho Công ty Relifoods. Ngoài ra, Công ty Relifoods còn thu mua nông sản sạch từ các vùng khác như ở Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang…

“Những khu vực khác cũng chưa có vùng cung cấp nguyên liệu bài bản như mô hình hợp tác xã trồng thanh long ở Chợ Gạo - Tiền Giang. Tuy nhiên, chúng tôi cũng phải tổ chức giám sát để đảm bảo nông sản đưa về nhà máy không có dư lượng hóa chất. Công ty không chỉ lấy mẫu nông sản tại vườn, sản phẩm đưa về nhà máy để xét nghiệm xác định có dư lượng hay không mà còn phải gửi mẫu cho các đơn vị kiểm định quốc tế để phân tích. Những mẫu do công ty xét nghiệm chỉ để theo dõi, còn mẫu xét nghiệm của những đơn vị quốc tế mới dùng làm hồ sơ để xuất khẩu”, ông Lộc thông tin.

Anh Phạm Thành Nghị, phụ trách bộ phận giám sát - thu mua nông sản sạch của Công ty Relifoods cho biết, qua thời gian, người nông dân đang dần quen với cách trồng và chăm sóc mới, không còn lúng túng như trước: “Ví dụ như trước đây mình yêu cầu bà con ghi nhật ký về quá trình bón phân, nhiều người không quen nên không ghi chép lại cũng gây khó khăn cho quá trình giám sát. Giờ thì người nông dân không chỉ ý thức trong việc bón phân làm sao để đảm bảo nông sản sạch mà còn quan tâm đến vấn đề vệ sinh môi trường chung, nhất là nguồn nước tưới. Một vườn trồng nông sản sạch như vậy sẽ hạn chế được dịch bệnh và đảm bảo trái cây sau khi thu hoạch là nông sản sạch, tốt cho người sử dụng”.

Thanh long được trồng theo tiêu chuẩn sạch được thu gom về Hợp tác xã Phát Đạt.

Về số lượng nông sản sạch thu mua tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, ông Nguyễn Vũ Lộc cho biết, trung bình một năm Công ty Relifoods thu mua từ 7.000 - 8.000 tấn để chế biến xuất đi các thị trường cao cấp như Mỹ, khu vực Bắc Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc…

“Công ty không xuất thô mà chế biến thành nhiều sản phẩm để xuất khẩu nhằm tăng giá trị lên. Như vậy thì người trồng nông sản cũng được hưởng lợi theo. Hiện công ty đã cung cấp nhiều sản phẩm cho Starbucks của Mỹ để họ pha chế làm các loại nước uống, trong đó có sử dụng thanh long ruột đỏ làm nước màu tự nhiên. Nói chung, trái cây Việt nếu đảm bảo các tiêu chuẩn xanh - sạch thì sẽ chinh phục được các thị trường cao cấp, người nông dân sẽ được hưởng lợi nhiều chứ không phải phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc như lâu nay và giá mua thường bị thương lái thao túng… ”, ông Lộc nói rồi tỏ ra suy tư: “Trong giai đoạn 2 công ty dự kiến mở rộng quy mô nhà máy chế biến lên gấp 3 lần cũng đồng nghĩa tạo thêm nhiều vùng trồng nông sản sạch. Song, hiện nay, do thiếu quy hoạch nên vùng nông sản sạch và vùng trồng sử dụng phân thuốc hóa học vẫn nằm gần nhau nên khó đảm bảo được. Ví dụ như gần đến ngày thu hoạch bên vườn kia họ phun thuốc trừ sâu thì vườn nông sản sạch bên này cũng bị ảnh hưởng theo”.

Sự trăn trở của vị Tổng giám đốc Công ty Relifoods làm tôi nhớ lại cái nhà vệ sinh nằm giữa hai vườn thanh long ở xã Tân Bình Thạnh. Nếu không có nó, cũng khó có thể nhận ra đâu là vườn thanh long sạch, nói gì đến việc tạo ra một vùng trồng mới thoát ly hoàn toàn cách làm bấy lâu.

Dùng điện mặt trời để hướng đến sản phẩm xanh

Đầu năm 2023, Công ty Relifoods đã ký kết hợp đồng triển khai dự án điện mặt trời áp mái tại nhà máy công suất lên tới 574 kWp) với GreenYellow - tập đoàn đa quốc gia có chuyên môn xây dựng các dự án năng lượng tái tạo. Dự kiến, giai đoạn 2, công ty sẽ lắp đặt thêm diện tích pin năng lượng mặt trời để tăng công suất lên gấp đôi.

Theo ông Nguyễn Vũ Lộc, Tổng giám đốc Relifoods, dự án điện mặt trời cũng nằm trong những tiêu chí về sản phẩm xanh (quy trình sản xuất hạn chế tác động đến môi trường) mà công ty đang thực hiện. “Ngoài mục tiêu chế biến - xuất khẩu những sản phẩm sạch, tốt cho sức khỏe người sử dụng, công ty cũng thực hiện trách nhiệm với xã hội bằng cách hạn chế sử dụng năng lượng từ nhiên liệu hóa hóa thạch, dùng điện mặt trời để chung tay bảo vệ môi trường”, ông Lộc nói.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất