, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 18/01/2022, 09:59

Phát triển du lịch từ làng nghề thổ cẩm Châu Phong

VĂN PHÔ - LÊ KIỀU
Đến tận bây giờ, anh Mohamad ở xã Châu Phong (thị xã Tân Châu tỉnh An Giang) vẫn sử dụng chiếc máy kéo sợi dọc hơn trăm tuổi đời do ông nội để lại để kéo sợi. Đây là công đoạn thứ hai, sau khi suốt tơ vào ống. Việc kéo sợi dọc cho đủ mét, đủ khổ phải mất hết 3 ngày, sau đó mới đưa lên khung dệt thành tấm vải…
 Thổ cẩm Châu Phong.

Thay vì đầu tư một thiết bị công nghệ tiên tiến để rút ngắn thời gian dệt chỉ còn một ngày, anh Mohamad lại không làm thế, bởi theo anh, như vậy sẽ không còn là đặc trưng của làng nghề dệt thổ cẩm thủ công. “Hàng sản xuất ra không có nét đặc trưng riêng, du khách sẽ không thích”, Mohamad chia sẻ.

Nghề dệt thổ cẩm của người Chăm ở xã Châu Phong hình thành từ rất sớm xuất phát từ nhu cầu ăn mặc của gia đình, sau nữa là nhu cầu trao đổi hàng hóa với các dân tộc khác. Những năm hưng thịnh, Châu Phong có hơn 200 hộ làm nghề. Theo chị Maridam, thợ dệt thổ cẩm Chăm ở xã Châu Phong, dệt thổ cẩm là nghề mà bất cứ người phụ nữ Chăm nào cũng phải biết. Khi được 10 - 12 tuổi, những thiếu nữ Chăm đã được tập những thao tác đơn giản nhất của nghề dệt. Nhưng đó là chuyện của ngày xưa. Ngày nay, Châu Phong chỉ còn lại 3 hộ làm nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Những gia đình khác phần lớn chuyển sang nghề thêu, may với sự hỗ trợ của thiết bị hiện đại.

Thổ cẩm của người Chăm hiện nay khác trước rất nhiều nhưng vẫn giữ được những hoa văn truyền thống. Chất liệu chủ yếu được sử dụng là tơ công nghiệp và nhuộm màu thủ công từ nước nấu của cây rừng. Nhuộm màu sợi, màu vải là bí quyết được lưu truyền nhiều đời nay trong cộng đồng người Chăm ở Châu Phong. Sản phẩm họ làm ra là những chiếc sà rông, khăn choàng, áo, nón, túi xách… nhiều màu sắc, đẹp mắt. Không thu hút được lớp trẻ nhưng thổ cẩm Chăm Châu Phong lại là mặt hàng được du khách nước ngoài yêu thích.

Trong thời gian nghề dệt ở Châu Phong bị chựng lại do khó khăn trong khâu nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm, đứng trước nguy cơ bị thất truyền, năm 1997, sau khi tìm hiểu nguyện vọng của bà con, Sở Công nghiệp tỉnh An Giang quyết định hỗ trợ nguồn vốn vay từ chương trình khuyến nông của tỉnh để nơi đây phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với làng nghề.

Nằm cặp theo sông Hậu tiếp giáp với thành phố du lịch Châu Đốc, khi dịch Covid-19 chưa hoành hành, Châu Phong là một trong những điểm mà du khách thường dừng chân trên tuyến du lịch An Giang nhờ vị trí thuận tiện của mình. Dựa trên đặc điểm này, để hỗ trợ Châu Phong bảo tồn nghề dệt thổ cẩm Chăm, chính quyền thị xã Tân Châu tiến hành xây dựng các tuyến, điểm tham quan phong cảnh kết hợp nghề truyền thống dọc theo sông như đi thuyền tham quan sông nước tuyến Châu Phong - Long An - Long Châu; đầu tư điểm dừng chân tại Trung tâm du lịch cộng đồng dân tộc Chăm Châu Phong gắn với các nghề đặc trưng địa phương như dệt thổ cẩm, dệt khăn choàng đầu phụ nữ Chăm... 

Song song đó, địa phương cũng đẩy mạnh giới thiệu các làng nghề dệt chiếu UZU, dệt lụa, dệt gấm, dệt khăn choàng cổ của người Chăm, các điểm du lịch, ẩm thực đặc sắc của địa phương như mắm cá mè dinh, bánh bò Út Dứt, lạp xưởng bò tung lò mò hoặc cải bò của người Chăm… tại Tân Châu và Châu Phong trên các trang thông tin trong và ngoài tỉnh để thu hút khách.

Mô hình du lịch cộng đồng gắn với làng nghề và cách làm của Tân Châu là những bước đi vô cùng quan trọng. Bởi muốn giữ được nghề, người làm nghề phải sống được bằng nghề. Theo anh Mohamad, trước đợt dịch Covid-19 vừa qua, mỗi ngày cơ sở dệt thổ cẩm Chăm của anh đón bình quân khoảng 20 - 25 du khách đến tham quan, mua sắm. “Chưa nhiều, nhưng cũng sống được…”, anh cho biết.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).
Được quan tâm






Đây là sản phẩm thứ 156 ở Thái Lan và là sản phẩm đầu tiên của tỉnh Ang Thong được gắn GI, đánh dấu việc hoàn thành dự án “Mỗi tỉnh một sản phẩm đạt chỉ dẫn địa lý” của Cục Sở hữu trí tuệ Thái Lan.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất