, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 26/05/2022, 12:58

Sân trường hoa điệp vẫn vàng

AN VIÊN
Những vạt nắng chiều nhẹ nhàng buông mình trên tấm thảm hoa dưới gốc điệp già ngoài sân trường, nhuộm vàng đượm cả khung trời kỷ niệm…
Ảnh minh họa. Nguồn: SVietNam

Sân trường vắng lặng và thật yên bình. Dễ cũng đã gần 10 năm tôi mới trở lại thăm trường cũ, bước chân như ngập ngừng lại như háo hức, nỗi nhớ niềm thương cứ da diết. 

Tôi từng là người vô tâm lắm. Tôi tự nhận xét mình như vậy, bởi trong ba năm học ở Trung tâm giáo dục thường xuyên này, có đến hai năm tôi chẳng để ý gì đến cảnh thiên nhiên, trường lớp. Tôi cũng chẳng bận tâm tới những lời động viên, khuyên nhủ của thầy cô, bạn bè. Ngày ấy, tôi là một cậu học trò cá biệt!

Không đủ điểm vào công lập, tôi miễn cưỡng đến Trung tâm giáo dục thường xuyên của huyện học cho thỏa lòng ba mẹ. Kỳ thực lúc đó, tôi chẳng còn thiết tha gì với chuyện học hành. Đám bạn thân, đứa nào cũng chễm chệ ngồi lớp A1, A2 hoặc chuyên này, chuyện nọ ở trường phổ thông. Chỉ mình tôi lạc lõng ở ngôi trường mà khi ai đó hỏi tên, tôi đều cố giấu. Tôi không muốn người ta biết tôi học bổ túc ở một Trung tâm giáo dục thường xuyên.

Suốt hai năm lớp 10 và 11, tôi luôn khẳng định mình bằng cách… đứng chót lớp về thành tích học tập và đứng đầu về vi phạm nội quy! Tôi đánh nhau với thằng bạn cùng lớp, cái thằng mà sau này trở thành bạn thân thiết của tôi. Tôi vào lớp là ngủ, đến nỗi mấy đứa bạn mỗi lần gặp lại vẫn còn gọi biệt danh của tôi là “Hùng gật”. Tôi thường xuyên trèo lên cây điệp ngoài sân trường để hái hoa, chụp hình. Bởi vậy mỗi lần kể lại chuyện cũ, đám bạn luôn liếc tôi tí toét cười: “Cho chừa cái tật thích leo trèo, thể hiện"… 

Tôi “làm đơn li dị” những trò nghịch ngợm, tai quái ấy trong một lần đặc biệt. 

Cuối năm lớp 11, sau buổi tổng kết, cả bọn kéo nhau đi tìm cảnh đẹp để chụp hình làm kỷ niệm. Sân trường đỏ thắm màu phượng vĩ, bọn con gái xí xớn tranh nhau tạo dáng, tôi chẳng thèm tranh phần làm gì. Còn gốc bằng lăng bên hiên khu nhà hiệu bộ thì cả đám học trò cũng đang thi nhau hái hoa giắt vào giỏ xe đạp, cài lên tóc… rồi xếp hình đủ kiểu, tôi lại phớt lờ.

Tôi nghĩ, mình phải chọn địa điểm nào độc lạ mới được. Nếu không là phượng đỏ hay bằng lăng tím thì… hay là điệp vàng? Chúng đều là hoa học trò mà! 

Tôi chạy ra góc sân ngắm nghía cây điệp già. Những chùm hoa điệp đang đồng loạt bung nở từ những cành cây xù xì, già cỗi, khẳng khiu. Hẳn cây điệp đã phải vắt kiệt nhựa sống quanh năm của mình để cho một lần nở rộ trong bốn mùa như thế. Lâu nay, có đi qua gốc điệp này, tôi cũng vô tình dẫm qua dẫm lại, chưa hề thấy thương những cánh hoa như ngàn con bướm nhỏ xíu đậu dưới gốc thành một thảm vàng. Giờ, tôi mới thấy chúng thật đẹp.

Tôi rủ thằng Thắng, thằng Thoại, thằng Khánh đi cùng. Mấy đứa nhát như thỏ đế. Chỉ dám đứng dưới nhìn tôi leo lên cây. Bỏ ngoài tai lời khuyên của chúng, tôi hí hửng leo thoăn thoắt như một con sóc, dự định sẽ tạo nên một bộ ảnh đặc biệt nhất lớp. 

Nhưng, chỉ mới qua lại được vài động tác, đến khi một tay nắm lấy cành cây, tay kia giơ lên hái chùm hoa vàng tạo dáng, tôi đã phải “ối” lên và ngã uỵch từ trên cây xuống đất, nằm thu lu dưới đám cỏ. Tôi phải nằm viện cả tháng vì gẫy tay. Cô chủ nhiệm bị liên lụy. Lớp thì bị khiển trách. 

Vậy mà thời gian nằm viện, cô và các bạn trong lớp vẫn thường xuyên đến thăm hỏi, động viên tôi. Đó cũng là lúc tôi “chiêm nghiệm” lại những gì mình đã làm… Tôi bắt đầu thay đổi từ đó!

Tôi đang mơn man với những kỷ niệm của một thời vụng dại, bỗng giọng nói ngọt ngào cất lên từ phía sau: “Thế nào chàng trai! Nhớ lại kỷ niệm xưa đúng không”? Quay người lại, tôi vỡ òa, đó là cô chủ nhiệm! Dẫu 10 năm nhưng cô vẫn nhớ tôi. Cô vẫn giản dị, dịu dàng và ấm áp. Tôi toe toét cười, rồi gật đầu lém lỉnh: “Cô vẫn nhớ em nhưng mà có nhớ chuyện em bị té từ trên cây điệp xuống không ạ”? “Nhớ chứ! Vì trong cái rủi có cái may, là em đã thay đổi sau đòn đau ấy”. - Cô cười, bàn tay ấm mềm vỗ nhẹ vai tôi.

Chúng tôi đứng dưới gốc điệp vàng giữa sân trường, chuyện cũ chuyện mới giằng dai theo miền nhớ.

Tôi kể với cô về công việc, về cuộc sống hiện tại. Tôi khoe sau khi học hết cấp ba thì nghe lời cô, theo học nghề cơ khí. Hiện tại tôi đang quản lý một xưởng cơ khí đặt cơ sở trên thành phố, có khoảng 10 công nhân. Cô nhìn tôi, miệng cười và mắt đong đầy niềm hạnh phúc. Gốc điệp già đong đưa như đang mê mải nghe câu chuyện của hai cô trò. 

Gió chiều cất lên khúc reo vui. Những vệt nắng nhẹ nhàng xuyên qua kẽ lá, lả lướt trên những cánh hoa mỏng manh, e ấp rồi lặng lẽ gieo mình thành cơn mưa hoa lay động lòng tôi…

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm




Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất