Tháng 4/2024, những chiếc kẹp, gương trang trí bằng vỏ sò được Khánh Huyền đưa ra thị trường. Lựa chọn bán trực tiếp ở nơi công cộng thất bại, Huyền và người bạn cộng sự chuyển hướng xây dựng nội dung, đầu tư làm clip để đăng lên Tik Tok. Từ đây, Huyền đã có một tệp khách hàng lớn và cũng chịu áp lực không kém.
Khánh Huyền cho biết: “Lượng khách đổ về nhiều quá nên một mình mình không thể xử lý hết. Từ check tin nhắn đến nhập vật liệu, sản xuất... Chi phí đổ ra nhiều mà mình không kiểm soát được nên thời gian đầu dù bán đắt hàng nhưng lời không bao nhiêu, thậm chí lỗ tiền công”.
Một chiếc kẹp tóc Huyền đang bán với giá 39 nghìn đồng, gương là 119 nghìn đồng. Trong quá trình khởi nghiệp, Huyền may mắn được các anh chị đã có kinh nghiệm chỉ dạy nhiệt tình. Đồng thời, với tâm lý sinh viên khởi nghiệp và vốn đầu tư nhỏ, Huyền khá thoải mái khi dấn thân vào con đường kinh doanh. Hiện tại, Huyền đã thuê một mặt bằng nho nhỏ để có không gian chứa nguyên vật liệu và sản xuất.
Thời gian đầu Khánh Huyền còn gặp nhiều vấn đề về cân bằng việc học với việc khởi nghiệp. Về sau, khi đã có quy trình chuẩn, Huyền thuê gia công và hướng dẫn họ làm. Cô không còn tham gia vào khâu sản xuất mà tập trung làm nội dung.
Giữa nhiều nguồn vỏ sò đa dạng về giá cả và chất lượng, Huyền chọn mua sỉ vỏ sò từ các vùng biển. Mỗi ký vỏ có giá dao động từ 40 - 60 nghìn đồng. Sau đó, Huyền sẽ bỏ công để lựa từng chiếc vỏ sò đạt chuẩn và xử lý trước khi trang trí.
Tự học cách làm, tự tìm hiểu về giá cả nguyên vật liệu; buôn bán và quảng bá. Những công việc này đã giúp Huyền và cộng sự kiếm về một khoản tiền vừa đủ để đóng học phí cũng như sinh hoạt hằng ngày.
*Tạp chí điện tử Nông thôn Việt phối hợp với Truyền hình báo Tuổi Trẻ thực hiện