, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 26/12/2023, 14:43

An Giang: Tạo động lực cho sản phẩm OCOP

THẢO VI
Theo Văn phòng Điều phối xây dựng Nông thôn mới tỉnh An Giang, Chương trình OCOP góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy xuất nguồn gốc và theo nhu cầu thị trường.

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 919/QĐ-TTg phê duyệt thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh An Giang đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Đồng thời, chỉ đạo Sở, ngành, địa phương triển khai nhiệm vụ, giải pháp để đạt mục tiêu đề ra.

Theo đó, Hội đồng, Tổ giúp việc đánh giá, phân hạng sản phẩm phẩm OCOP giai đoạn 2021 - 2025 được kiện toàn từ tỉnh đến 11 huyện, thị xã, thành phố. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, giám sát và điều hành công tác triển khai thực hiện Chương trình OCOP.

Các Sở, ngành, địa phương hỗ trợ doanh nghiệp, Hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh và nông dân phát triển liên kết theo chuỗi giá trị, nhằm nâng cao năng lực sản xuất, phát triển bền vững sản phẩm hàng hóa. Tập trung phát huy tiềm năng, lợi thế và truyền thống của địa phương để phát triển sản phẩm đặc sản có giá trị cao về kinh tế, văn hóa; phát huy sáng tạo, sức mạnh cộng đồng trong sản xuất, hình thành sản phẩm gắn với giá trị cộng đồng.

Sản phẩm tranh lá thốt nốt của Nghệ nhân Võ Văn Tạng (ngụ thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn) được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh năm 2020. Hiện nay, sản phẩm vẫn được duy trì, phát triển sản xuất và cung cấp sản phẩm cho thị trường thường xuyên. Nghệ nhân Võ Văn Tạng cho biết: "Năm 2023, tôi được địa phương và đơn vị quản lý chương trình OCOP thông báo sản phẩm sắp hết hạn giá trị chứng nhận sao OCOP. Tôi quyết định tiếp tục tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm để nâng cao hơn nữa chất lượng. Quá trình đó, địa phương rất nhiệt tình hướng dẫn, hỗ trợ tôi trong việc hoàn thành hồ sơ, thủ tục cần thiết”.

Phát triển sản phẩm OCOP được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm khi triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, là tiêu chí bắt buộc đối với xã Nông thôn mới nâng cao.

Cụ thể, đối với các xã trong lộ trình phấn đấu đạt chuẩn xã Nông thôn mới nâng cao, bắt buộc phải đạt chỉ tiêu 13.2 (có sản phẩm OCOP được xếp hạng đạt chuẩn hoặc tương đương còn thời hạn).

UBND cấp xã bổ sung nhiệm vụ thực hiện Chương trình OCOP vào nhiệm vụ của ban quản lý Nông thôn mới xã, hỗ trợ tích cực cho chủ thể kinh tế trong công tác thực hiện; chuẩn hóa hồ sơ sản phẩm đề xuất đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện.

Từ đó, tạo thuận lợi, đồng bộ trong quá trình triển khai thực hiện; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến huyện, xã thực hiện Chương trình OCOP.

Tiếp tục vươn xa

Đến nay, tỉnh An Giang có 92 sản phẩm OCOP của 62 chủ thể kinh tế. Trong đó, có 2 sản phẩm 5 sao cấp quốc gia; 3 sản phẩm tiềm năng 5 sao; 15 sản phẩm 4 sao và 72 sản phẩm 3 sao.

Chương trình OCOP đã khai thác được sản phẩm có nguồn gốc, lợi thế địa phương, đặc biệt là sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm làng nghề, dịch vụ du lịch dựa trên thế mạnh về điều kiện tự nhiên, nguồn nguyên liệu, tri thức và văn hóa bản địa.

Sản phẩm OCOP của tỉnh An Giang được nhiều siêu thị, hệ thống phân phối hiện đại chấp nhận, ngày càng khẳng định uy tín với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Với những kết quả đã đạt được, Chương trình OCOP tại tỉnh An Giang góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực, gia tăng giá trị, tạo làn gió mới cho kinh tế nông thôn.

Ông Phạm Thái Bình - Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng Nông thôn mới tỉnh An Giang cho biết, trong giai đoạn đến năm 2025, An Giang sẽ tiếp tục phát triển sản phẩm OCOP có thương hiệu, theo chuỗi giá trị dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu các địa phương, đặc biệt là các đặc sản, sản phẩm làng nghề và dịch vụ du lịch cộng đồng theo hướng kinh tế tuần hoàn, bảo đảm hệ sinh thái bền vững.

Cụ thể, đến năm 2025, tỉnh phấn đấu có thêm 170 sản phẩm OCOP 3 sao trở lên (trong đó có 10 sản phẩm 5 sao); nâng cấp ít nhất 20% sản phẩm OCOP; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn. Ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa; ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định; ít nhất 30% làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP; 100% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại...

Chương trình OCOP được triển khai tại tất cả các tỉnh, thành phố từ năm 2018, theo Quyết định 490/QĐ-TTg, ngày 7/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đánh giá của Văn phòng Điều phối NTM Trung ương, Chương trình OCOP đã góp phần tăng thu nhập, tạo cơ hội việc làm cho lao động nông thôn. Ngày 1/8/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 919/QĐ-TTg, phê duyệt thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025. Trọng tâm của Chương trình là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh) và kinh tế tập thể (Hợp tác xã, tổ hợp tác) thực hiện. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, hỗ trợ đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học - công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1
Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất