, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 12/08/2023, 06:00

TS nông dân Lê Tiến Dũng: Giống quý mất nhiều, tội các nhà khoa học không nhỏ

THANH TÂM
Bảo tồn gene cây quý bản địa, với giới khoa học là chuyện dễ hay khó? Dễ, sao đến nay vẫn không ngớt vang lên tiếng kêu cứu về tuyệt chủng? Khó, là do cơ chế trói tay, hay tại một ngoại lực nào khác? Bài viết cung cấp một góc nhìn về vấn đề này, đi kèm nỗi ưu tư “tôi đã lừa dân” của Tiến sĩ Lê Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nông học ĐH Nông Lâm Huế, người được coi là “tiến sĩ của ruộng đồng - tiến sĩ nông dân”, đi tiên phong trong lĩnh vực phục tráng, lai tạo nhiều giống cây trồng, vật nuôi, áp dụng vào thực tiễn hàng loạt đề tài khoa học nông nghiệp có hiệu quả…
TS nông dân Lê Tiến Dũng.

Chỉ có nông dân mới bảo tồn gene giống

Tôi nhớ cách đây vài năm, ông là một trong số ít ỏi nhà khoa học phẫn nộ về kế hoạch đưa tỏi voi Nhật Bản vào trồng ở Lý Sơn (Quảng Ngãi). Sau đó, kế hoạch trên thất bại. Nhưng có một thực tế, tỏi Lý Sơn kháng bệnh kém, nông dân thường nơm nớp lo mất mùa…

Đúng. Đưa tỏi Nhật Bản vốn có năng suất cao, sẽ đánh bật, làm mất giống tỏi quý Lý Sơn vốn là đặc sản nổi tiếng.

Không chỉ tỏi và nhiều giống cây đặc hữu có khả năng kháng bệnh không tốt, nên bảo tồn giống rất khó. Giống cũ thì năng suất thấp so với giống mới, nên có chủ trương là thay đổi giống để tăng năng suất, nhưng người ta quên rằng nguy cơ mất hoàn toàn vốn quý nằm ở đó, thay vì giúp cho nó tốt hơn mạnh hơn thì lại bỏ đi.

Cứ cho là không làm mất mà giúp nó mạnh khỏe hơn, nhưng điều đó có đi kèm chất lượng tốt hơn không? Không có nhiều giống cũ được giúp kéo dài tuổi thọ, sự cường tráng lẫn năng suất, mà đề tài khoa học gọi là “cải tạo, thay thế tăng năng suất, chất lượng” lại rất nhiều?

Khi có sự tác động để giúp cây giống sống tốt hơn với môi trường, thì có cái tương ứng, có cái không, nhưng thường là mâu thuẫn, được cái này thì mất cái khác, tạo hóa không cho ta tất cả. Đó là chuyện tất nhiên của những gì sinh ra từ tự nhiên khi bị bên ngoài tác động vào.

Có một điều, bắt tay vào nghiên cứu, là nhà khoa học, tất cả ý tưởng ban đầu đều gặp nhau một điểm là năng suất, chất lượng phải đạt thì người ta mới sử dụng. Nhưng sau một thời gian, nguyên tắc sinh học là cây giống biến đổi thích ứng với điều kiện bên ngoài. Chính môi trường sẽ điều tiết, và lúc đó trách nhiệm của nhà khoa học là không ngừng theo dõi để giúp cây giống theo kịp sự thay đổi của bên ngoài. Nhưng, nhiều công trình khoa học về việc này chỉ duy trì được một giai đoạn. Cái gì phong trào thì cũng có tuổi thọ ngắn.

Tại sao chỉ “duy trì giai đoạn”, khi kết quả chưa đến đâu?

Thời gian cho một công trình khoa học nông học dài quá, mà tiền thì có hạn. Kinh phí nghiên cứu rất mâu thuẫn, nói mãi không nghe. Đề tài cấp cơ sở là 1 năm, tỉnh và bộ là 2 năm, nhà nước là 3 năm. Nhưng công trình có tính chất xã hội, công nghiệp, chỉ một thời gian có kết quả, chứ sinh học thì phải có thời gian dài mới khẳng định được. Ví dụ lúa, rau phải từ 30 - 120 ngày mới thu hoạch, mà ông quyết tiền cho làm đề tài lại muốn thời gian ngắn hơn! Sai lầm của ta là cứ ấn định thời gian cho ra sản phẩm. Đây là gượng ép, mà nói thật là toàn giả dối, bởi không còn thời gian thì phải ép cho chín non sản phẩm để thanh toán. Nếu các thầy không lập hội đồng nghiệm thu thì phải trả kinh phí lại, mà kinh phí thì các thầy đã tiêu hết rồi. Thứ hai, dân chạy theo lợi nhuận, làm mất giống gốc.

Vậy bảo tồn bằng cách nào?

Nông dân bảo tồn là tốt nhất. Hiện họ cũng bảo tổn ngay trên ruộng của mình, cái gì ngon thì họ giữ lại ăn, không ngon thì bán.

Hình minh họa.

Tôi ví dụ: măng cụt của Việt Nam rất ngon, nhưng hàng Thái Lan năng suất cao, trái to lấn át, giành hết người mua. Ta thua, dù có ngon hơn, vẫn thua. Rõ ràng không chỉ nông dân thua, mà đứng cạnh đó là nhà khoa học, chưa nói đứng trên cao hơn là nhà nước. Cứ thế này thì giữ gìn để làm gì khi phải chịu thua kém? Ông nói gì về chuyện này?

Tâm lý tiêu dùng là chọn cái to mà ăn. Tư bản họ hơn ta trong nghiên cứu thị trường, nhu cầu, tâm lý con người. Nghiên cứu xong, họ mới làm. Phát minh của họ ra đời, nhà nước phải mua. Còn ta, nhà nước không mua. Như tôi, làm ra nhiều thứ, nhiều nơi, nhưng tôi có tiền đâu. Tôi cải tiến giống lúa 13/2, rất tốt, phát triển thành hàng trăm héc-ta trở lại đặc tính ban đầu của nó. Sau một thời gian phát triển, nó thoái hóa, lí do: tôi không có tiền để theo đuổi công trình này!

Giống quý mất nhiều, đau lắm, do nông dân chỉ ham thích cái lợi, đã đành, nhưng tội của nhà khoa học là không nhỏ. Ở Huế có giống lúa de An Cựu nổi tiếng, mất luôn rồi. Tôi nhớ khoảng năm 1987, các nhà khoa học khuyên nông dân bỏ giống lúa đó đi, làm giống khác. Tôi thì muốn giữ, nhưng không có tiền. Cơ chế thị trường, khó giữ lắm. Ngày xưa xuống HTX xin vài sào ruộng để nghiên cứu, thử nghiệm giống, họ cho ngay, giờ phải thuê. Ngày xưa nghiên cứu là chuyển giao, giờ khó lắm. Nhớ ông Phạm Văn Đồng từng nói lấy khoa học nuôi khoa học, nhưng nông dân thì khác, họ chỉ biết cái lợi. Năm 1993, bạn tôi làm đề tài quỹ gene, sang Philippines mang lúa de về, nông dân lắc đầu: không phải lúa de An Cựu!

Nhiều năm qua, rất nhiều cá nhân, đơn vị, địa phương từ Nam tới Bắc thực hiện nuôi cấy mô, nhân giống, di thực sâm Ngọc Linh, với khẳng định sẽ thành công, thích hợp ở vùng đất khác. Nhưng không ít nhà khoa học khẳng định sâm Ngọc Linh chỉ trồng tốt ở vùng Ngọc Linh thuộc Kon Tum và Quảng Nam. Ông nghĩ sao?

Sâm Ngọc Linh, tại sao chỉ có vùng đó thôi? Vì nó là một vùng độc lập, cách biệt, chỉ có lạnh, chim chóc thậm chí rất ít, hoặc không có. Nó phát triển tự nhiên, nhờ gió phát tán hạt. Chim chóc nếu có, cũng chịu, không ăn hạt được. Không thể di thực tự nhiên đâu, bởi về nguyên tắc di thực cây đặc sản về nơi khác là có vấn đề liền. Còn tại sao nó không phát triển tốt được từ nuôi cấy mô? Vì rất dễ nhiễm nấm, nếu có phun thuốc, nó cũng chết. Đây là chuyện nan giải. Người ta có giao cho Viện Công nghệ Sinh học Đại học Huế nuôi cấy mô, tôi thách: không bao giờ thành công!

Nhưng tôi nghĩ, cải tiến năng suất sâm Ngọc Linh được, nâng từ củ nhỏ lên to. Họ có mời tôi làm, nhưng chỉ đưa có vài mẫu, thì làm sao nghiên cứu được, bởi hàng ngàn mẫu mới chọn được 1 mẫu, đâu có dễ.

Cũng xin lưu ý, vùng Ngọc Linh đâu chỉ có sâm, mà còn nhiều loại dược liệu khác, dễ dẫn đến tình trạng tạp giao, nên hết sức thận trọng trong việc cố gắng làm khác đi khi nó vốn sinh trưởng từ tự nhiên, đã có chỗ đứng độc lập.

Hình minh họa.

Xem ra chuyện làm khoa học nông nghiệp, mà cụ thể là bảo tồn gene cây quý, như ông nói, có thực đấy, mà ảo cũng không ít…

Tôi nói thật, làm khoa học bây giờ bằng tiền hết. Thì đó, hàng trăm ngàn công trình khoa học, có được bao nhiêu mống ra ruộng ra đồng cho năng suất cao, chất lượng tốt để nông dân được hưởng lợi, được nhờ? Tôi là nhà khoa học, cơm ăn áo mặc nhờ dân mà có, nhưng làm việc kiểu đó, tôi cũng là người lừa nông dân. Nghĩ lại, thấy mênh mông buồn…

Không kỳ vọng được gì à?

Khó. Lớp trẻ bây giờ rất giỏi, nhưng nhà khoa học trẻ áp lực ghê gớm trước cơm áo. Bây giờ tất cả là tiền, lương tâm khoa học và sự tận tụy, phải thật sự mạnh mẽ, mới làm được, tất nhiên không có tiền, thì thua.

Xin cảm ơn ông.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1
Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất