, //, :: GTM+7

15 năm, công trình thủy lợi La Ngà 3 vẫn nằm trên giấy, vì sao?

MẠNH TIẾN

Bình Thuận là tỉnh duyên hải cực Nam Trung bộ với điều kiện khí hậu khô hạn có tổng lượng mưa hàng năm thấp nhất cả nước. Vùng đất từng là chiến khu cách mạng Hòa Đức này luôn thiếu mưa thừa nắng, sản xuất chủ yếu nhờ vào nước trời… Điều khó hiểu là dù đã qua 15 năm kể từ ngày công trình thủy lợi La Ngà 3 chính thức được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và tỉnh Bình Thuận ra các quyết định quy hoạch đầu tư, thì dự án vẫn chưa thể triển khai. 

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Thuận về xây dựng các công trình thủy lợi ở tỉnh này.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Thuận về xây dựng các công trình thủy lợi ở tỉnh này.

Dự án Công trình hồ La Ngà 3 (huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận) nằm trong Quy hoạch thủy lợi lưu vực sông La Ngà, được Bộ NN&PTNT phê duyệt tại Quyết định số 3519/QĐ-BNN-KH ngày 17/11/2006 về Quy hoạch phát triển thủy lợi tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030. 12 năm sau, trong Quyết định số 4326/QĐ-BNN-TCTL ngày 02/11/2018 phê duyệt Quy hoạch tổng thể thủy lợi vùng Đông Nam Bộ giai đoạn đến 2030 và định hướng đến năm 2050 thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng của Tổng cục Thủy lợi, công trình này vẫn nằm trong danh sách. Trước đó, ngày 18/02/2013, Công trình thủy lợi La Ngà 3 cũng được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt tại Quyết định số 410/QĐ-UBND.

Hồ La Ngà 3 là dự án quan trọng của quốc gia, đa mục tiêu có kinh phí đầu tư giai đoạn 1 là trên 5.200 tỉ đồng từ vốn ngân sách Nhà nước do Bộ NN&PTNT quản lý cùng các nguồn khác. Hồ có dung tích chứa nước khoảng 435 triệu m3, diện tích mặt hồ khoảng 2.000ha, cao trình mực nước dâng bình thường khoảng 162m. Ngoài hồ chứa nước, công trình còn có đập chính ngăn sông, đập phụ, tràn xả lũ, cống lấy nước kết hợp dẫn dòng thi công, đường hầm chuyển nước…

Khi đưa vào vận hành, Hồ La Ngà 3 sẽ là “kho nước” đảm bảo nước tưới cho gần 100.000ha đất nông nghiệp; cấp nước sinh hoạt, công nghiệp, du lịch và dịch vụ với công suất 600.000m3/ngày không chỉ cho tỉnh Bình Thuận mà còn cho cả các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và phòng lũ với dung tích 50 triệu m3; kết hợp phát điện 34MW.

Vấn đề đặt ra là với những lợi ích kinh tế, xã hội to lớn mà công trình này dự kiến mang lại thì vì sao suốt 15 năm qua công trình đại thủy nông này vẫn nằm trên giấy?

Đầu nguồn sông La Ngà
Đầu nguồn sông La Ngà.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm 2008, dù công trình thủy lợi La Ngà 3 đã có trong quy hoạch tổng thể nhưng UBND tỉnh Bình Thuận vẫn cấp Giấy chứng nhận đầu tư dự án thủy điện La Ngâu nằm ngay vị trí đã quy hoạch làm Hồ La Ngà 3 với vốn đầu tư 1.270 tỉ đồng, công suất lắp máy 46 MW.

Cơ sở để UBND tỉnh Bình Thuận cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Cổ phần thủy điện La Ngâu là việc đơn vị này có công văn số 85/CV/LHC-KH ngày 28/8/2007 cam kết sẽ chịu trách nhiệm và chấp nhận rủi ro nếu công trình hồ La Ngà 3 được đầu tư xây dựng. Trong Giấy Chứng nhận đầu tư số 48121000129 của UBND tỉnh Bình Thuận cấp cho nhà đầu tư lần đầu ngày 10/01/2008 cũng đã khẳng định: “Công ty Cổ phần thủy điện La Ngâu có trách nhiệm: Chịu trách nhiệm và chấp nhận rủi ro khi công trình La Ngà 3 được đầu tư xây dựng”. Theo Sở NN&PTNT Bình Thuận, ngay từ năm 2003 - khi lập báo cáo nghiên cứu khả thi thủy điện La Ngâu, Bộ NN&PTNT đã bày tỏ quan điểm không đồng ý với công trình này. Tuy nhiên, UBND tỉnh Bình Thuận vẫn cấp chứng nhận đầu tư cho dự án thủy điện La Ngâu nhằm tận dụng khoảng thời gian dự án hồ La Ngà 3 chưa triển khai để khai thác thủy điện.

Mọi việc tưởng đã vô cùng chặt chẽ. Thế nhưng, trên thực tế thì công trình thủy điện La Ngâu lại chính là nguyên nhân khiến cho dự án hồ La Ngà 3 chưa thể triển khai xây dựng.

Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận làm việc với Ban quản lý đầu tư thủy lợi 7
Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận làm việc với Ban quản lý đầu tư thủy lợi 7.

Những động thái mới nhất liên quan đến dự án này, có thể kể đến là Thông báo số 379/TB-VPCP ngày 24/10/2019 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Thuận, trong đó nêu rõ: “Phải đưa thủy điện La Ngâu ra khỏi Quy hoạch điện lực Quốc gia”.

Tiếp đó, ngày 26/08/2020, tại Quyết định số 3386/QĐ-BNN-KH về việc Giao thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư dự án hồ La Ngà 3, Bộ NN&PTNT đã yêu cầu “UBND tỉnh Bình Thuận chịu trách nhiệm xử lý dứt điểm các vấn đề phát sinh khi dừng thực hiện dự án thủy điện La Ngâu để triển khai hồ chứa nước La Ngà 3”. 

Để thực hiện các chỉ đạo này, Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh Bình Thuận cũng đã có nhiều cuộc họp với Công ty CP thủy điện La Ngâu, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa giải quyết xong, khiến tiến độ thực hiện dự án thủy lợi La Ngà 3 bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu
Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu.

Quả bóng lúc này đang trong chân của UBND tỉnh Bình Thuận. Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Quang Lộc - Giám đốc Ban quản lý thủy lợi 7 (Bộ NN&PTNT) cho rằng tỉnh Bình Thuận cần sớm thu hồi, giải quyết các vướng mắc liên quan đến thủy điện La Ngâu thì công trình thủy lới La Ngà 3 mới có thể triển khai. Đó cũng là niềm mong đợi nhiều năm qua của người dân ở vùng đất khát BìnhThuận.

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Không phải bây giờ lời kêu gọi sống chung với biến đổi khí hậu, dân gian gọi là thuận thiên mới vang lên. Nhưng nội hàm của thuận thiên, đến lúc phải thay đổi trong cái nhìn...
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất