, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 08/05/2024, 06:00

Con số biết nói: 2,2 triệu người

TRẦN TRỌNG THỨC
Theo một số doanh nghiệp, gần đây, có những công việc đồng lương từ 40 triệu đến 100 triệu đồng/tháng, vậy mà vẫn không hấp dẫn những bạn trẻ. Đó chính là mức lương mà doanh nghiệp ngành logistics công bố nhân mùa tuyển sinh đại học sắp tới, khi đa số học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông đang loay hoay chọn nghề nghiệp tương lai.

Phần lớn các bạn trẻ và cả phụ huynh ưa chuộng những ngành học phổ biến như marketing, quản trị kinh doanh, du lịch, các ngành học về nhân văn… vì cho rằng thị trường lao động đang có nhu cầu. Thực tế, chưa có số liệu thống kê nào cụ thể cho thấy dự báo thị trường lao động rồi đây sẽ ra sao. Trong khi đó, theo thông tin từ doanh nghiệp và các cơ quan chức năng, trong vòng 6 năm tới, tức đến năm 2030, nhu cầu nhân lực logistics lên đến 2,2 triệu người. Hiện nay, nguồn nhân lực ở mảng này chỉ mới đáp ứng được 30% nhu cầu của các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ thì thiếu rất nhiều.

Thống kê từ Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho biết, hiện nay 95% doanh nghiệp logistics đang hoạt động là doanh nghiệp trong nước. Số lượng doanh nghiệp nhiều nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, quy mô hạn chế cả về vốn, nhân lực và kinh nghiệm hoạt động quốc tế. Các doanh nghiệp logistics cũng chưa có sự liên kết trong chuỗi cung ứng. Mà biểu hiện rõ nhất là sự yếu kém của logistics trong nông nghiệp, bao gồm một chuỗi các hoạt động như lưu trữ hàng hóa, bao bì đóng gói, kho bãi, làm thủ tục hải quan, luân chuyển hàng hóa… sao cho nông sản từ nhà nông đến người tiêu dùng một cách nhanh nhất.

Năm 2023, xuất khẩu nông sản là điểm sáng khi giá trị kim ngạch đã lên đến 53 tỷ USD. Xuất khẩu gạo năm 2024 có thể hơn 8 triệu tấn với kim ngạch khoảng 5 tỷ USD, rau quả có thể ở mức gần 6 tỷ USD. Đó là những con số màu hồng đối với nông sản xuất khẩu, mặc dù hoạt động logistics chưa được phát triển đúng mức.

Cách đây hai tháng, Chính phủ vừa có một công điện tăng cường kết nối logistics thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông lâm thủy sản. Công điện nói rõ: việc tăng hệ thống logistics có ý nghĩa rất quan trọng trong tổng thể nền kinh tế nói chung và phát triển nông nghiệp, nông thôn nói riêng. Tuy nhiên dường như công điện này tập trung giải quyết các trở ngại trước mắt trong quan hệ giao thương với thị trường Trung Quốc.

Vấn đề là làm sao giải quyết lợi ích đôi bên, cụ thể hóa các nội dung trong tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc và các văn kiện đã ký kết về hợp tác nông nghiệp, mở cửa thị trường nông sản, thúc đẩy đa dạng hóa các kênh phân phối truyền thống qua chợ đầu mối, trung tâm dịch vụ logistics giữa các cửa khẩu hai nước, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại nông sản chính ngạch.

Thực tế cho thấy, dịch vụ logistics cho hàng hóa nông sản nước ta hiện còn nhiều bất cập, hệ thống kho bãi manh mún, cơ sở chế biến nông sản còn thiếu, quy mô nhỏ, chuỗi kho lạnh còn chưa đáp ứng nhu cầu bảo quản nông sản, thuỷ sản tươi cũng như chế biến xuất khẩu và ngay cả lưu kho tại các cửa khẩu.

Theo tính toán hiện nay, chi phí logistics chiếm từ 25 đến 30% trong giá thành của nông sản Việt Nam, cao hơn mức 12,5% của Thái Lan và 14% của thế giới. Chỉ riêng cước vận chuyển trái cây tươi từ nước ta sang Mỹ hiện ở mức 6 - 6,2 USD/kg, tăng gấp đôi so với vài năm trước, thuỷ sản thì chi phí cũng lên đến 20.000 USD/container .

Giá trị nông sản xuất khẩu cũng tùy thuộc rất lớn vào các kho chứa bảo quản chất lượng, điều tiết thời gian xuất nhập, mà chúng ta thường biết đến với tên gọi là những silo - hiện còn rất thiếu. Điều này đã được báo động từ rất lâu mà chưa được giải quyết, gây thiệt hại quá lớn cho nông sản xuất khẩu. Như vậy mới thấy hoạt động logistics quan trọng đến mức nào. Trong khu vực, Đài Loan và Singapore giàu lên nhanh chóng nhờ tận dụng tối đa hoạt động logistics. Chúng ta nên học tập họ.

Tags

Bình luận

Xem nhiều


Ngày 16/4, rất đông người dân địa phương và du khách đổ về 2 ngôi chùa Tưk Phos và Phnom Pi (Tri Tôn, An Giang) để dự lễ tắm Phật và lễ hội té nước. Đây là lễ hội truyền thống của người Khmer vùng Tri Tôn (An Giang), nơi giáp biên giới với Campuchia, trong dịp tết Chol Chnam Thmay diễn ra từ 13-16/4.



Nổi bật

Bây giờ đi đâu cũng rầm rộ xây dựng Nông thôn mới, nhưng chẳng nghe trong báo cáo nào khoe “xã tôi thôn tôi có phong trào đọc sách”.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất