, //, :: GTM+7
Chủ Nhật, 04/02/2024, 06:00

Nông nghiệp thuận thiên - Đường đến hạnh phúc

ĐOÀN TUNG

Nhất sĩ, nhì nông
Hết gạo chạy rông
Nhất nông, nhì sĩ"

Nhìn chung, cuộc đời của nhà nông khó nói là màu hồng. Nhưng phải chăng với nông dân, hạnh phúc là xa xỉ? Không hẳn là như vậy.

Sĩ, nông, công, thương là bốn tầng lớp chính trong xã hội xưa dưới các triều đại quân chủ ở nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Trong một chừng mực nào đó, theo quan điểm chính thức được công nhận rộng rãi, thứ tự trên cũng phản ảnh một cách tương đối thứ bậc quan trọng của bốn tầng lớp này. Như vậy, nhà nông đứng thứ hai, chỉ sau “kẻ sĩ” (tầng lớp có học thức).

“Vị trí cao” xem ra có vẻ hợp lý vì xã hội tồn tại dựa trên nguồn thực phẩm do nông dân làm ra. Tuy nhiên, trên thực tế, “vị trí cao” đó chủ yếu là danh nghĩa vì dường như nhà nông vẫn nằm trong số các tầng lớp phải chịu nhiều thua thiệt so với nhiều tầng lớp khác trong các xã hội tại nhiều quốc gia.

Còn ở Việt Nam – nơi có hơn 62% dân số sống ở nông thôn theo điều tra sơ bộ năm 2022 – thì sao? Nói chung, vai trò của nông nghiệp và người nông dân được đề cao. Trong một bài viết đăng trên tiasang.com.vn, Giáo sư Trần Đức Viên cho rằng “Người Việt coi trọng nghề nông, minh triết của người Việt coi nông nghiệp là gốc của mọi thứ trong xã hội, “canh nông vi bản””.

Nhưng từ lý tưởng và quan điểm đến thực tế vẫn còn những khoảng cách không nhỏ. Chẳng hạn, đầu năm 2022, khi Việt Nam tạm thoát khỏi đỉnh điểm hoành hành của đại dịch Covid-19, nhiều ý kiến đã khẳng định “nông thôn là trụ đỡ cho nền kinh tế Việt Nam”. Các ý kiến đó không có gì sai. Chúng cũng nhắc lại rằng ông bà ta đã từ lâu đã nói: Nhất sĩ, nhì nông / Hết gạo, chạy rông / Nhất nông, nhì sĩ. Tuy vậy, gần hai năm đã trôi qua, khi Covid-19 hiện đã trở thành bệnh theo mùa, không còn thấy những tiếng nói mạnh mẽ như vậy và cũng chưa thấy những biện pháp cụ thể so với trước đây được thực hiện nhằm thực sự biến “nông thôn thành trụ đỡ cho nền kinh tế” một cách bền vững.

Mất mùa, mất đất, mất người

Trái với “thứ hạng cao” nói bên trên, cuộc đời nhà nông khó có thể nói là màu hồng. Ngay từ khi nền nông nghiệp của nhân loại bắt đầu manh nha, nông dân thường xuyên phải dậy rất sớm ra đồng làm việc đến tận chiều tà – một ngày làm việc của họ cứ tiếp diễn như vậy suốt thời kỳ gieo mạ kéo dài đến mùa gặt lúa. Nông nghiệp là một trong những nghề cổ xưa nhất của nhân loại nhưng nông dân vẫn thuộc thành phần lao động nặng nhọc nhất trong xã hội.

Yasunori Yoshima, một tác giả người Nhật, cho biết nông dân ở Nhật Bản – một quốc gia với nền nông nghiệp tiên tiến – nhiều khi không nghỉ ngày Chủ nhật hay ngày lễ, và nhiều khi phải thăm đồng (hay thăm vườn) của mình ngay lúc nửa đêm. Còn tạp chí Harvard Business Review mô tả như sau: “Hơn hai tỷ con người [nông dân] đang sống nhờ vào khoảng 500 triệu thửa ruộng tí hon, trong đó khoảng 40% kiếm được ít hơn hai đô-la Mỹ mỗi ngày. Dù phải chịu tỷ lệ đói nghèo và suy dinh dưỡng cao, những người nông dân này tạo ra được lượng thực phẩm cho hơn 50% dân số tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Và họ cũng là một phần trong bất kỳ giải pháp nào đề ra nhằm đạt được mức tăng trưởng 50% trong sản xuất lương thực để nuôi sống gần 10 tỷ người mà nhân loại dự kiến sẽ đạt đến vào năm 2050”.

Thuật ngữ “công nghệ thông tin” (information technology) xuất hiện đầu tiên năm 1958 trong một bài báo đăng trên tạp chí Harvard Business Review với nội dung dự báo tác động tương lai của ngành công nghiệp này vào những năm 80 của thế kỷ trước. Như vậy, công nghệ thông tin ra đời chưa đầy một thế kỷ. Thế nhưng, chỉ trong mấy chục năm ngắn ngủi đó, ngành này đã làm xuất hiện các công ty có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất thế giới, các tỷ phú giàu nhất thế giới. Còn nông nghiệp – vốn đã có lịch sử kéo dài 12.000 năm – thì sao? Đã có công ty nông nghiệp nào, hay đã có tỷ phú nông nghiệp nào đạt đến tầm vóc tài chính hay tầm ảnh hưởng của Bill Gates hoặc Mark Zuckerberg chưa?

Hạnh phúc là một khái niệm có thể thay đổi tùy từng cá nhân. Không thể nói rằng nông dân không có hạnh phúc. Người nông dân thấy hạnh phúc với vụ mùa bội thu hay đàn gia súc khỏe mạnh, tăng trọng nhanh. Nhưng, nhìn chung, so với nhiều tầng lớp khác, nhà nông phải hết sức nhọc nhằn mới có được hạnh phúc. Đó là vì suốt cơ nghiệp của mình nông dân buộc phải đấu tranh không ngừng với thời tiết, cỏ dại, dịch bệnh, đất đai và cả con người để bảo vệ mùa màng và gia súc.

Dù nông dân có cố gắng đến đâu chăng nữa, thời tiết bất lợi có thể cướp đi thu hoạch mùa màng của họ. Đây cũng là một yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của nhà nông. Nông dân cần nước để trồng hoa màu. Đối với họ, hạn hán là tai họa nhưng mưa quá nhiều, lũ lụt cũng tai hại không kém.

Tác hại tương tự với nhà nông là các loài cỏ dại trên các cánh đồng, sâu rầy, dịch bệnh. Dù ngày nay, ít khi xảy ra cảnh tượng cả cánh đồng, ao cá hay vuông tôm mất trắng vì sâu rầy hay dịch bệnh (dĩ nhiên, phải rất tốn kém mới có thể tránh được), những mối lo như vậy vẫn canh cánh trong lòng người nông dân.

Trong trường hợp của nông dân Việt, ngoài nỗi lo mất mùa, họ còn có thêm nỗi lo… mất đất. Theo Giáo sư Trần Đức Viên, sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam có quy mô nhỏ với diện tích canh tác bình quân 0,34 héc-ta/người (để có thể so sánh, vào tháng giêng năm 2020, Việt Nam có gần 16,9 triệu nông hộ với diện tích từ 0,2 đến hai héc-ta/hộ, và cho đến năm 2016, phân nửa số nông nộ Việt có diện tích canh tác nhỏ hơn 0,5 héc-ta; trong khi đó, năm 2020, nước Mỹ có hơn hai triệu nông trại với diện tích trung bình hơn 180 héc-ta/nông trại). Thế mà, diện tích canh tác nhỏ nhoi đó của nông dân Việt có nguy cơ ngày càng… nhỏ vì vô số lý do – như đô thị hóa, lấy đất nông nghiệp làm khu công nghiệp, sạt lở, xói mòn, nhiễm mặn, nước biển dâng cao.

Chưa hết, bên cạnh nguy cơ mất mùa và mất đất, nông nghiệp Việt Nam phải đối mặt với nguy cơ… mất người. Cũng theo bài viết của Giáo sư Viên, xu hướng di cư ra khỏi khu vực nông thôn đang diễn ra mạnh mẽ. Đề cập đến vấn đề này, báo Nhân Dân hàng tháng trích lời phó chủ tịch huyện của một tỉnh phía Bắc như sau: “Theo tôi, những cuộc ra đi của nông dân có chung một công thức: thiên nhiên khắc nghiệt cộng với thiếu việc làm cộng với đói nghèo dẫn đến ly hương (cũng có nghĩa là “ly nông”)”.

Có phải Fritz Haber đã cứu vớt nông dân toàn thế giới?

Fritz Haber sinh ngày 9 tháng 12 năm 1868, tại Breslau, một khu vực thuộc nước Phổ ngày trước (bây giờ là Wroclaw thuộc Ba Lan). Nhà hóa học người Đức gốc Do Thái này được trao giải Nobel năm 1918 do công trình Haber – Bosch, tổng hợp ammonia từ nitơ và hydrô. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng theo nhiều đánh giá, đây là một trong những phát minh quan trọng nhất của thế kỷ 20. Nhờ phát minh của Haber, con người có thể tổng hợp đại trà phân bón vô cơ, dẫn đến sự bùng nổ trong năng suất nông nghiệp.

Sở dĩ nói công trình của Haber nằm trong số phát minh quan trọng nhất thế kỷ vừa qua là vì ngày nay, một phần ba sản phẩm nông nghiệp trên toàn thế giới sử dụng nó. Cũng có thể nói Haber đã mang thêm hạnh phúc cho nông dân, giúp họ vui mừng. Nhờ phân bón tổng hợp, năng suất nông sản tăng chưa từng có trong lịch sử nông nghiệp.

Đọc biểu đồ tương quan giữa dân số thế giới và lượng phân bón tổng hợp được sử dụng, người ta thấy hai đường biểu diễn này song hành với nhau. Vào buổi bình minh của nông nghiệp, dân số nhân loại chỉ vào khoảng năm triệu người. Năm 1927, dân số thế giới là hai tỷ người. Thế mà, chỉ 32 năm sau, nhân loại đạt cột mốc ba tỷ người năm 1959, rồi bốn tỷ người năm 1974, năm tỷ người năm 1987, và tám tỷ người hiện nay. Chính nhờ phân bón tổng hợp, người nông dân có thể mỉm cười khi mình đã giúp nuôi sống một con số khổng lồ các đồng loại.

Nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang”. Niềm hạnh phúc đó của nhà nông đã vỡ vụn không khác gì tuyết lở. Những hậu quả do việc lạm dụng phân bón tổng hợp đang làm trầm trọng thêm vấn nạn biến đổi khí hậu toàn cầu. Khí CO2 và khí mêtan cũng như ôxít nitơ không chỉ bị thải vào khí quyền từ những cánh đồng bón phân tổng hợp mà còn từ quy trình sản xuất loại phân bón này.

Theo tính toán của Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO), năm 2018, quy trình sản xuất và sử dụng phân bón vô cơ thải vào khí quyển khoảng 1.250 triệu tấn CO2, hơn một phần năm tổng lượng khí thải CO2 của toàn ngành nông nghiệp và vượt xa con số 900 triệu tấn khí thải nhà kính từ ngành công nghiệp hàng không (mà hàng không đã từ lâu bị chỉ trích là một trong những ngành gây ô nhiễm nặng cho khí quyển)!

Vậy thì ai có thể mang lại hạnh phúc cho nông dân?

Bắt đầu từ cuộc Cách mạng xanh trong thập niên 1960 của thế kỷ trước, các chính phủ và các tổ chức quốc tế đã cổ vũ cho việc tăng năng suất nông nghiệp bằng cách khuyến khích nông dân sử dụng phân bón tổng hợp và thuốc trừ sâu.

Nhưng hiện nay, tại nhiều quốc gia, quy trình này đang có khuynh hướng đảo ngược. Liên minh châu Âu là một ví dụ với “chiến lược từ nông trại đến bàn ăn” (Farm to Fork Strategy), một kế hoạch nhằm giúp các nước thành viên đạt được cân bằng khí thải nhà kính vào năm 2050. Chiến lược này đưa ra mục tiêu cắt giảm 20% lượng phân bón tổng hợp vào năm 2030 và đồng thời nâng tỷ lệ đất nông nghiệp hữu cơ lên 25% từ mức 8,5% hiện nay.

Người Mỹ có cách tiếp cận vấn đề này khác châu Âu, nhờ vào việc áp dụng kỹ thuật cao và “nông nghiệp chính xác” (precision agriculture). “Nông nghiệp chính xác” giúp nông gia Mỹ có thể thu thập thêm dữ liệu về cánh đồng của họ, hoặc theo dõi mùa màng để nâng cao hiệu quả. Phân tích dữ liệu thổ nhưỡng thường xuyên hơn để biết chính xác lượng dinh dưỡng trong đất tại từng thời điểm, nông dân biết chính xác lượng phân bón cần dùng thay vì dùng áng chừng đại trà.

Một bài báo của hãng tin Bloomberg cho biết nhiều nông dân Mỹ đã chuyển từ các loại cây đòi hỏi nhiều phân bón, như bắp, sang trồng các loại khác cần ít phân bón hơn, như đậu. Bài báo này tường thuật câu chuyện của Tregg Cronin, một nông dân ở miền Trung bang South Dakota. Các loại hoa màu Cronin có thể lựa chọn gồm lúa mì, bắp, hướng dương, yến mạch và đậu nành. Kết quả: mỹ mãn. Hạn hán năm trước khiến cánh đồng của anh giàu nitơ hơn. Thế là Cronin quyết định trồng thêm 10% diện tích hướng dương – loại cây cần nhiều nitơ hơn đậu nành. Nhưng nếu giá phân bón lên cao trong những tháng sắp tới, thì mùa vụ năm sau, anh sẽ lại trồng đậu nành nhiều hơn.

Nói tiếp về Haber, có thể được gọi là “cha đẻ” của phân bón tổng hợp. Nguồn gốc Do Thái đã khiến ông bị thất sủng sau khi Đảng Quốc xã của Hitler lên cầm quyền ở Đức năm 1933. Sau đó, ông phải lưu lạc qua nhiều nước dù sức khỏe đang rất kém. Cuối cùng, ngày 29 tháng giêng năm 1934, Haber trút hơi thở cuối cùng ở Basel, Thụy Sỹ, chấm dứt một cuộc đời nhiều gian truân.

Liệu phân bón tổng hợp, “đứa con” của Haber, có tránh được kết thúc đau buồn như ông?

Trở lại với nông dân Việt. Làm sao các nhà nông của chúng ta có được hạnh phúc? Hiện giờ, “từ nông trại đến bàn ăn” kiểu châu Âu hay “nông nghiệp chính xác” kiểu Mỹ là những lựa chọn có phần xa vời. Có lẽ câu trả lời hợp thời là hãy trở về với nông nghiệp thuận thiên theo điều kiện Việt Nam, trong đó người nông dân cần cắt giảm hợp lý lượng phân bón tổng hợp quen dùng.

Một người nông dân, sau một ngày làm lụng mệt nhọc trên cánh đồng, tối về nhà ngủ một giấc yên ả với ý nghĩ nông sản của mình sẽ giúp ích được cho người dùng và không làm hại cho ai. Phải chăng đó cũng là một phần hạnh phúc của nhà nông?

Tags

Bình luận

Xem nhiều



Anh Hoàng Vân là một trong những người tiên phong trào lưu phẫu thuật thẩm mỹ cho cá tại Việt Nam. Hơn 10 năm nay, anh thực hiện cắt mí mắt, cắt môi, sửa vảy, mang... cho hàng trăm con cá rồng. Thu nhập mỗi tháng lên đến chục triệu đồng.

Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).

Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm





Bất cứ ai là dân ở huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre đều biết về sự tích “Ông Cả Cọp” ở xã Châu Bình. Đó là chuyện của một con cọp làm Hương cả của làng Châu Bình...

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất