, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 18/10/2023, 11:00

Trồng rừng thay thế: Giải pháp nào để có màu xanh?

PHẠM THÀNH NHÂN
Theo Luật Lâm nghiệp, các dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác thì chủ dự án phải trồng rừng thay thế. Tuy nhiên, thực tế, dường như chẳng có khu rừng nào mọc lên mà chỉ ngày càng mất đi. Làm sao để thay đổi hiện trạng này?
Cây dầu lớn trong rừng Mỹ Thạnh. Xung quanh đó là các cây tán bụi và tre phủ tán ở tầng thấp hơn, tạo nên một hệ sinh thái rừng đa dạng. Ảnh Việt Quốc.

Dự án hồ thủy lợi Ka Pét (tỉnh Bình Thuận) đến nay vẫn chưa khiến dư luận an tâm khi vẫn chưa ai nhìn thấy 1.800ha rừng trồng thay thế. Thông tin với báo chí vào chiều 4/9, tỉnh Bình Thuận cho biết đã ban hành Quyết định 3263, phê duyệt phương án trồng rừng thay thế (đợt 1) với diện tích 434,22ha. Đối với phần diện tích hơn 1.400ha còn lại, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bình Thuận đang rà soát để mở rộng thêm vị trí trồng rừng.

“Đang rà soát” nghĩa là chưa có và rất có thể là không có. Vẫn theo Luật Lâm nghiệp, khoản 2 và 3, Điều 21 thì chủ dự án chỉ việc nộp tiền vào Quỹ bảo vệ và phát triển rừng để UBND tỉnh tổ chức trồng rừng trên địa bàn tỉnh tức ở nơi đang rà soát, chưa có và rất có thể là không có quỹ đất. Kể cả khi số tiền ấy được chuyển sang địa phương khác, không ai dám chắc 1.400ha rừng sẽ mọc lên.

Mọi cái cây đều cần nước để sống. Trồng rừng, về cơ bản cũng như trồng cây nông nghiệp, vẫn cần chăm sóc, tưới tắm, ít nhất là trong những năm đầu, để chúng đủ sức đương đầu với cỏ dại và các điều kiện tự nhiên khắc nghiệt. Với một tỉnh đang trong tình trạng thiếu nước như Bình Thuận, sẽ lấy nước ở đâu để trồng rừng? Nếu không thế, tỷ lệ hao hụt cây giống sẽ cực kỳ lớn và chẳng thể mong rừng sẽ thành hình.

Cây bằng lăng thân cao hơn 30m, đường kính hơn 2m nằm trong ranh dự án hồ chứa nước Ka Pét. Ảnh Việt Quốc.

Làm sao để những khu rừng thay thế mọc lên? Hãy trao các dự án ấy cho những người yêu rừng - những người đã và đang từng ngày lặn lội khắp nơi, tự bỏ tiền túi hoặc vận động bạn bè để trồng lại từng cái cây, phủ xanh từng ngọn đồi. Tùy quy mô của từng nhóm/cá nhân, có thể giao các diện tích lớn nhỏ khác nhau trên tổng diện tích lớn của khu rừng thay thế kèm yêu cầu cam kết trồng, bảo vệ rừng. Những người hiểu và yêu từng cái cây mình trồng chắc chắn sẽ biết cách chăm sóc chúng hiệu quả so với việc trồng hàng loạt và bỏ đó vì thiếu nhân lực, trồng sai quy cách hay mọi lý do thời tiết, khí hậu… khác.

Bên cạnh việc trồng rừng, nếu được phép làm kinh tế dưới tán rừng theo chủ trương đúng đắn của Nhà nước, các nhóm yêu rừng sẽ có thêm kinh phí để duy trì việc chăm sóc cây cối và họ sẽ có thể trồng thêm nhiều hơn mức yêu cầu. Một héc-ta rừng trồng cho đủ số để báo cáo nghiệm thu sẽ rất khác so với một héc-ta rừng được trồng với ước mong có nhiều màu xanh nhất có thể.

Để tiến tới mục tiêu Net-Zero (phát thải bằng 0) vào năm 2050 mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định tại Hội nghị COP26, tận dụng nguồn nhân lực xã hội hóa để thực sự trồng rừng là phương án bền vững hơn nhiều so với việc nộp tiền vào quỹ.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Ở TP Hội An (tỉnh Quảng Nam), mỗi mùa đều có nét đẹp riêng. Những ngày này, đi dọc các cung đường dẫn vào phố cổ, sẽ bắt gặp những đồng lúa bạt ngàn màu vàng ruộm. Lúa ở Hội An không chỉ là sinh kế mà còn là không gian du lịch tuyệt vời.
Nổi bật
Được quan tâm


Nền thẩm mỹ bản địa đã mách bảo kiến trúc sư tặng một “link” bay bổng cho chủ nhà, mà nhìn qua, chỉ còn cách thốt lên hai chữ bồng bềnh.




Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất