, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 12/09/2023, 07:00

Vì sao chúng ta cứ phải thua người Thái?

ĐOÀN TUNG
Cuối tháng 8 vừa qua, Trần Thị Thanh Thúy – đội trưởng đồng thời là tay đập chủ lực – và các đồng đội trong đội tuyển bóng chuyền nữ Quốc gia ráo riết chuẩn bị bay sang Thái Lan tham gia giải vô địch bóng chuyền nữ châu Á 2023. Ở bảng C, ngoài Việt Nam còn có Hàn Quốc, Uzbekistan và Đài Bắc Trung Hoa. Như vậy, tại vòng bảng các cô gái Việt Nam không có dịp đụng độ đối thủ nhiều duyên nợ Thái Lan nằm ở bảng A.

Gọi là “duyên nợ” bởi lẽ chắc nhiều người vẫn còn nhớ mới hồi tháng 5 năm nay trên đất Campuchia, đội tuyển bóng chuyền nữ của chúng ta lại để thua người Thái, một lần nữa vuột mất tấm huy chương vàng SEA Games. Cũng nên nhớ lại rằng đây là lần thua thứ… 11 của các cô gái Việt, chỉ tính riêng các trận chung kết ở SEA Games, trước người Thái.

Có lẽ bóng chuyền nữ là một trong vài môn thể thao cho đến nay chúng ta vẫn phải nhận những thất bại cay đắng nhất dưới tay người Thái. Nói “cay đắng” là vì, ngoài bóng chuyền, chúng ta đã thu hẹp đáng kể khoảng cách so với họ, thậm chí còn vượt lên ở một số môn – như các môn chạy trong điền kinh chẳng hạn.

Hình minh họa.

Vì sao chúng ta lại có “duyên nợ” với người Thái? “Duyên nợ” chỉ là một cách nói. Chẳng qua, Việt Nam và Thái Lan sinh ra vốn đã là hai láng giềng. Bay từ TP.HCM đi Băng Cốc chỉ khoảng một tiếng rưỡi, còn ngắn hơn bay từ Sài Gòn ra Hà Nội – hai tiếng 10 phút. Để dễ hình dung hơn về hai người láng giềng này, hãy xem một vài con số so sánh Việt Nam – Thái Lan dưới đây:

• Việt Nam (diện tích: 331.698km2; dân số: 99,8 triệu người; GDP đầu người: 3.870 đô-la Mỹ; chỉ số phát triển con người HDI: 0,703; đơn vị tiền tệ: đồng – 1 đô-la Mỹ = 23.989 đồng).

• Thái Lan (diện tích: 513.120km2; dân số: gần 70 triệu người; GDP đầu người 8.181 đô-la Mỹ; chỉ số phát triển con người HDI: 0,800; đơn vị tiền tệ: baht – 1 đô-la Mỹ=34,98 baht).

Xét cả về diện tích, dân số, chỉ số HDI (so sánh, định lượng về mức thu nhập, tỷ lệ biết chữ, tuổi thọ và một số nhân tố khác của một quốc gia nhằm đưa cái nhìn tổng quát về sự phát triển của quốc gia đó), Việt và Thái không có sự chênh lệch quá mức, dù chúng ta còn thua kém họ khá xa về nhiều mặt. Có lẽ chính vì sự thua kém này mà trong nhiều trường hợp cụ thể, người Việt hay nhìn về các thành tựu của người Thái như một sự so sánh với bản thân để làm cột mốc đạt đến trong tương lai gần.

Đó là một thực tế. Bóng chuyền nữ hay GDP bình quân đầu người nêu bên trên nằm trong số những ví dụ rõ ràng, dễ thấy nhất. Đó cũng không phải là những ngoại lệ hiếm hoi. Ngoài câu chuyện dài gạo Việt – gạo Thái, chúng ta còn có một nỗi đau khác. Cay đắng hơn, đây cũng chính là một “thế mạnh” của Việt Nam: trái cây Việt.

Bây giờ, nhân chuyện Thanh Thúy đi Thái, chúng ta mượn tạm ngôn ngữ thể thao “sân khách, sân nhà” để thử bàn thêm một chút về vấn đề này.

Hình minh họa.

Sân khách…

Đầu năm nay, báo chí đưa tin: dự báo năm 2023 sẽ là năm bùng nổ của các mặt hàng rau quả nước nhà với mục tiêu xuất khẩu lên đến 4 tỷ đô-la Mỹ. Theo nguồn tin này, nhờ xuất khẩu thuận lợi trong năm 2022, tiêu thụ rau quả – nhất là trái cây từ Đồng bằng sông Cửu Long – khá tốt. Năm ngoái, xuất khẩu rau quả thu về gần 3,4 tỷ đô-la Mỹ. Trong số này, phải kể chuối, sầu riêng tươi, chanh dây đã đến được thị trường Trung Quốc qua con đường chính ngạch; bưởi đã được xuất sang Mỹ; bưởi, chanh đã sang New Zealand; và nhãn đã vào Nhật Bản, v.v…

Nếu chỉ đứng một mình, đây hẳn là một tin vui. Tuy nhiên, nếu so với những gì người Thái đã làm được, niềm vui này chưa trọn vẹn. Một bài báo trên vietnamnet.vn cho biết dù sản lượng trái cây của Thái Lan trong năm 2022 chỉ là 5,43 triệu tấn - chưa bằng phân nửa mức 12 - 13 triệu tấn của Việt Nam - giá trị xuất khẩu mặt hàng này của họ là khoảng 8,5 tỷ đô-la Mỹ, so với 3,2 tỷ đô-la Mỹ của chúng ta (số liệu cập nhật hơn là gần 3,4 tỷ đô-la Mỹ - vẫn chưa bằng phân nửa con số của người Thái).

Vì sao như vậy? Lý do, theo một số nguồn tin cậy, một lần nữa quay lại với các vấn đề (i) biết người – biết ta, hay nói khác đi phải trồng và bán những gì thị trường cần; (ii) giữ vững chất lượng sản phẩm; và (iii) biết tiếp thị sản phẩm hiệu quả.

Tại một diễn đàn về xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc vào cuối năm ngoái, chủ tịch một hiệp hội doanh nghiệp thuộc tỉnh Quảng Tây của nước này cho rằng Việt Nam và Thái Lan đều là các quốc gia xuất khẩu trái cây chủ lực của Đông Nam Á, nhưng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Thái Lan đã vượt xa Việt Nam.

Lý giải vấn đề này tại thị trường Trung Quốc, vị chủ tịch cho rằng nhiều doanh nghiệp Việt trong ngành thiếu hiểu biết về xu hướng thị trường, chỉ có gì bán nấy một cách thụ động. Ngược lại, vào buổi sáng khi các chợ đầu mối ở Trung Quốc mở cửa, các doanh nhân Thái đã có thể nắm ngay giá cả nhằm bán sản phẩm của họ, nhanh hơn nhiều so với đối thủ cạnh tranh Việt Nam, ông giải thích thêm.

Theo số liệu từ Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, rau quả xuất khẩu trong sáu tháng đầu năm nay có kim ngạch xấp xỉ 2,8 tỷ đô la Mỹ, trong đó chỉ riêng sầu riêng đã chiếm 850 triệu đô la Mỹ, gấp đôi mức cả năm 2022.

Tuy nhiên, đằng sau chuyện “nhảy vọt” của sầu riêng lại là một vấn đề nhức nhối tồn tài từ lâu của trái cây xuất khẩu Việt Nam và cả ngành nông nghiệp nước nhà. Đó là vấn nạn trồng trọt “bầy đàn”, nhắm mắt chạy theo sản phẩm đang được giá trên thị trường một cách thiếu suy nghĩ. Tiếp theo sau việc xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc, diện tích sầu riêng ở Việt Nam hiện đang tăng vọt. Điều đáng nói là, giống như các lần phát triển diện tích trồng một loại cây “nóng” trước đây, “cơn sốt sầu riêng” đã lan đến một số vùng thiếu điều kiện đất đai, khí hậu thích hợp.

Đến đây, người có viễn kiến không khỏi liên tưởng đến cảnh u ám đã nhiều lần xảy ra. Do phụ thuộc quá lớn vào một thị trường duy nhất – Trung Quốc – ngay sau khi nước này ngưng nhập khẩu vì một lý do nào đó, nông sản Việt nói chung và trái cây Việt nói riêng không tránh khỏi tình cảnh dội chợ, dẫn đến việc cả nước – cả cơ quan công quyền lẫn người dân – phải hô hào chung tay “giải cứu”. Nhưng thực lòng mà nói, dù mất nhiều công sức, các cố gắng “giải cứu” cũng ít khi có hiệu quả đáng kể. Tình cảnh này cứ lặp đi lặp lại trong khi chúng ta không tìm được biệp pháp ngăn ngừa hiệu quả.

Hình minh họa.

…và sân nhà

Một trong những niềm vui của nhiều Việt kiều quy cố hương thăm gia đình, nhất là các vị trung niên, là thưởng thức trái cây hương vị quê nhà. Tuy nhiên, có Việt kiều cho biết niềm vui này của họ ngày càng ít đi vì chất lượng nhiều loại trái cây Việt không còn được như xưa.

Người tiêu dùng trong nước cũng có cùng tâm sự. Tại TP.HCM nằm ngay bên cạnh Đồng bằng sông Cửu Long là vựa trái cây lớn nhất nước, người tiêu dùng Việt cũng phải chứng kiến sự lấn sân của trái cây Thái – chí ít là về mặt danh nghĩa. Đi đâu trên đường phố cũng chỉ thấy bày bán toàn trái cây “gốc Thái”: sầu riêng Thái, xoài Thái, mít Thái, thơm Thái, cóc Thái, măng cụt Thái… Các bạn đi đâu hết rồi hỡi các loại trái cây Việt?

Thực ra, nói rằng xoài Thái, mít Thái, thơm Thái… nhưng phần lớn trồng trên đất Việt. Trong số các trái cây thuộc loại này, nếu có chăng yếu tố Thái chỉ có thể là do giống ban đầu xuất phát từ nước láng giềng. Vậy thì, trên đất Việt sao không mạnh dạn khẳng định là trái cây nội địa mà lại phải mượn danh người Thái?

Nhiều loại trái cây Việt vẫn đang rất ngon, chẳng hề kém cạnh trái cây Thái. Không cần gì các loại đặc sản, ngay cả những loại cây trái thông thường, ăn rồi nhiều khi vẫn nhớ mãi. Ví dụ, đu đủ chẳng hạn. Có điều, vấn nạn của trái cây Việt đối với ngay cả người tiêu dùng nội địa là chất lượng không đồng đều. Hôm qua vừa thưởng thức một trái đu đủ rất ngon thì hôm nay ăn một quả khác kém xa. Thành ra, chất lượng sản phẩm trái cây Việt không biết đường nào mà lần. Nhiều khi mua một loại trái nào đó, ăn rồi mới có cảm giác như mình vừa bị lừa! Bị lừa nhiều lần quá, đâm sợ! Có lẽ vì lý do này, nhiều người Việt đã quay sang trái cây nhập – giá cao hơn nhưng chất lượng ổn định “đoán trước được”.

Không biết tự bao giờ đã có một nghịch lý: Việt Nam là vựa trái cây nhưng từ chợ lề đường đến các siêu thị, trái cây nhập tràn ngập, có chỗ lấn sân sản phẩm nội địa. Số liệu thống kê cho biết chỉ trong chín tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu trái cây của chúng ta đã lên đến gần 1,5 tỷ đô-la Mỹ (xin nhắc lại, năm ngoái, chúng ta xuất được 3,4 tỷ đô la Mỹ rau quả).

Hình minh họa.

Làm sao để chúng ta không còn thua người Thái?

Liệu sự thua kém của trái cây Việt với trái cây Thái, trên sân khách lẫn sân nhà, có phải là một định mệnh đã an bài? Người viết không cho rằng như vậy.

Nhưng muốn lật ngược thế cờ không hề dễ dàng. Lấy ví dụ một chuyện cho đến nay người Thái vẫn hơn hẳn chúng ta: họ tạo ra được nhiều giống cây tốt. Như vậy, để có sự khác biệt, các nhà tạo giống Việt phải chịu trách nhiệm đi đầu. Nhưng liệu họ có làm được chuyện này?

Tuy nhiên, đặt trách nhiệm nặng nề này lên vai các nhà nông học Việt thì dường như cũng không công bằng lắm. Liệu các nhà khoa học Việt đã được cung cấp đủ các điều kiện, các phương tiện làm việc, như các đồng nghiệp Thái của họ hay chưa?

Và còn bao nhiêu vấn đề vĩ mô khác mà tự thân từng bên liên quan (stakeholder) khó giải quyết một mình. Chẳng hạn, nhà vườn phải quản lý cho được chất lượng sản phẩm của mình, chấp nhận truy xuất nguồn gốc. Các nhà sản xuất phải tăng hàm lượng chế biến. Hay trước mỗi mùa vụ, các bên liên quan – như nhà sản xuất, công ty hậu cần, hiệp hội… – phải cùng thảo luận đi đến đồng thuận chiến lược cho mùa vụ đó. Nghĩa là phải có sự tham gia của tất cả các chủ thể liên quan.

Để kết bài viết, xin trở lại với Thanh Thúy và đồng đội. Đầu tháng 8 vừa qua, đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam một lần nữa là bại tướng dưới tay người Thái trong trận chung kết giải SEA V. League. Sau trận đấu, huấn luyện viên đội tuyển nữ Thái Lan Danai Sriwatcharamethakul đã chỉ ra các yếu tố Việt Nam cần có để vươn ra tầm thế giới như Thái Lan đã làm. Theo ông, ngoài đầu tư đúng mức cho bóng chuyền, người Thái còn thực hiện một loạt các yếu tố khác, như duy trì hệ thống các giải đấu mọi lứa tuổi, từ U12 đến đội tuyển quốc gia.

Thanh Thúy và đồng đội đã cố gắng hết sức. Xin cám ơn các cô gái của chúng ta. Nhưng hiện nay, tự thân họ khó có thể thắng khi đối đầu người Thái. Muốn đổi màu huy chương, họ phải cần đến ít nhất các yếu tố bên ngoài như vị huấn luyện viên Thái Lan vừa nêu.

Trái cây Việt cũng vậy. Để tạo ra sự khác biệt so với người Thái, chỉ những cố gắng riêng rẽ của các nhà vườn, nhà nông học tạo giống, nhà xuất khẩu hay hiệp hội là không đủ. Thêm vào đó, tất cả phải đồng lòng, chung vai chung sức. Quan trọng không kém, nếu không nói là hơn, nhà nước phải đóng vai nhạc trưởng điều phối cả “dàn nhạc”. Vai trò cuối cùng này hiện nay lại có ý nghĩa quyết định.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất