, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 14/03/2024, 19:30

Con số biết nói: 585.000

TRẦN TRỌNG THỨC
Hiện nay hai chữ “Kiều hối” đã quá quen thuộc với đa số người dân, nhưng hành trình của đồng tiền quí báu này đôi lúc vẫn còn bàn cãi.

Mấy chục năm trước đây, nhiều người cho rằng kiều hối chủ yếu là những khoản tiền chắt chiu dành dụm của người Việt xa xứ thỉnh thoảng gửi về quê hương “cứu đói” thân nhân. Đồng ngoại tệ đó đôi lúc gây ra nhiều suy nghĩ phức tạp mang màu sắc chính trị. Sau này nhận định như vậy ngày càng thiếu cơ sở khi dịch vụ “xuất khẩu lao động” nở rộ, một khoản ngoại tệ có được từ việc lớp trẻ của chúng ta bán sức lao động ở nước ngoài kiếm tiền gửi về nuôi gia đình. Vậy là kiều hối có thêm một nguồn gốc ổn định và sẽ duy trì mãi theo các hợp đồng pháp lý giữa nơi gửi và nơi nhận người lao động.

Giờ đây nguồn gốc ngoại tệ gọi là “kiều hối” đã đa dạng hơn nhiều với những khoản đầu tư của doanh nhân Việt gửi về tìm cơ hội làm ăn trong nước, kể cả việc gửi ngân hàng khi lãi suất cao hoặc “chơi” chứng khoán. Tất nhiên cũng không loại trừ việc đồng nội tệ sau một vòng đời tiêu cực ngắn ngủi đã biến thành ngoại tệ để trở về cố hương và đứng vào danh sách kiều hối.

Hình minh họa. Nguồn: AFP/TTXVN

Theo Ngân hàng Nhà nước, kiều hối gửi về Việt Nam năm 2023 lên đến 16 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, trong đó địa phương đón nhận kiều hối nhiều nhất tiếp tục là TP.HCM với gần 9,5 tỷ USD, chiếm 60% của cả nước. Kiều hối là một trong những nguồn tiền góp phần đảm bảo quan hệ cung cầu ngoại tệ, đồng thời hỗ trợ hiệu quả cho chính sách tiền tệ, tỷ giá và thị trường ngoại hối. Đây là vấn đề sẽ được bàn đến khi có dịp.

Trong bài viết ngắn ngủi này chúng ta không nói đến kiều hối mà đề cập đến một lực lượng hơn 580.000 người Việt Nam đi xuất khẩu lao động tại 40 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới, đã mang về cho đất nước hơn 60% sồ kiều hối ấy. Thông tin từ Cục Quản lý lao động nước ngoài cho biết số lao động này phần lớn tập trung ở các thị trường Nhật Bản (250.000 người), Đài Loan (230.000 người), Hàn Quốc (50.000 người), còn lại ở các thị trường châu Âu, Trung Đông và Malaysia.

Về ngành nghề thì sản xuất chế tạo chiếm nhiều nhất với 80% gồm cơ khí, dệt may, giày da, lắp ráp điện tử. Tiếp đến là lĩnh vực xây dựng, nông nghiệp, thuỷ sản, y tế , dịch vụ (chăm sóc người già, người bệnh, giúp việc trong gia đình).

Thông tin mới nhất cho biết trong năm 2024 này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đặt mục tiêu đưa 125.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Như vậy lao động xuất khẩu năm nay đã đạt đến mức 700.000 người, điều này hứa hẹn số kiều hối sẽ tăng thêm đáng kể.

Số người đi xuất khẩu lao động ngày càng nhiều, lý do chính là do sau đại dịch Covid-19, một số nước bắt đầu tháo gỡ việc thắt chặt xuất nhập cảnh.

Thông qua việc đẩy mạnh ký kết hợp tác quốc tế về lao động với nhiều quốc gia, người đi làm việc ở nước ngoài sẽ có thêm nhiều cơ hội, nhất là ở các thị trường đang được mở rộng phù hợp với trình độ, kỹ năng người lao động và nhất là có mức lương cao.

Thu nhập không phải là điều kiện tiên quyết nhưng cũng là một trong những yếu tố quan trọng để chọn lựa đi xuất khẩu lao động. Do vậy cũng nên công khai như một tham khảo:

Nhật Bản: Tính theo tỷ giá mới nhất thì mức lương bình quân khi đi xuất khẩu lao động tại đây là từ 120.000 - 150.000 Yen/tháng tương đương 25 - 30 triệu VNĐ. Tuy nhiên, hàng tháng người lao động phải đóng thêm các chi phí bắt buộc khác như bảo hiểm, tiền thuế, phí nội trú… tính ra trung bình có thể tiết kiệm được từ 15 - 20 triệu VNĐ mỗi tháng.

Đài Loan: Mức thu nhập khoảng 20.000 Đài tệ/tháng, tương đương 14 triệu VNĐ. Sau khi trừ các khoản chi phí và sinh hoạt, có thể để dành được khoảng 10 triệu VNĐ/tháng.

Hàn Quốc: Thị trường này đang hạn chế người lao động Việt Nam vì sang đây bỏ trốn quá nhiều. Mức thu nhập trung bình khoảng 1.200 Won - 1.600 Won/tháng, tương đương 23 - 30 triệu VNĐ/tháng. Sau khi trừ mọi chi phí sẽ gửi về cho gia đình 15 - 20 triệu Đồng.

Singapore: Tùy theo năng lực người lao động nhưng ở mức 1.200 SGD - 2.500 SGD/tháng, tương đương 20 - 40 triệu VNĐ/tháng. Dành dụm được bao nhiêu tuỳ chi tiêu của người lao động.

Úc: Mức lương khá cao khoảng 41.000 đô la Úc mỗi năm. Sau khi trừ các chi phí, người lao động có thể dành dụm được khoảng 1.000 đô la Úc/tháng, tương đương 17 triệu VNĐ.

Trung Đông: Lương cơ bản của cơ khí đóng tàu khoảng 500 USD/tháng, trong khi lương lao động xây dựng chỉ 200 - 250 USD/tháng.

Kể ra thì mức thu nhập thuộc loại hấp dẫn cho những lao động trình độ chuyên môn không cao, chưa tìm được công việc phù hợp ở trong nước. Điều này phù hợp với điều kiện ở nhiều vùng nông thôn các tỉnh phía Bắc. Thống kê chưa đầy đủ cho thấy lao động xuất khẩu nhiều nhất là ở Nghệ An, tiếp đó là các tỉnh biên giới, một vài tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Trong khi đó lao động xuất khẩu 23 tỉnh phía Nam chỉ chiếm khoảng 10% của cả nước. Cùng với đó, tỷ lệ lao động là sinh viên, học sinh các trường cao đẳng nghề tham gia xuất khẩu lao động còn rất thấp.

Theo đánh giá của một quan chức Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, người lao động phía Nam có tâm lý ngại thay đổi, ngại đi xa gia đình và còn nhiều nghi ngại khi đi làm việc ở nước ngoài. Nhận định như vậy là võ đoán, rất thiếu thực tế. Chẳng qua là môi trường kinh tế xã hội ở phía Nam dễ tạo việc làm cho người lao động có tay nghề hơn các tỉnh phía Bắc.

Nếu có nghi ngại chăng là cách đào tạo và tuyển chọn lao động của các tổ chức, cơ quan vẫn chưa có sức thuyết phục. Đó là chưa kể các hiện tượng tiêu cực của một số người đi lao động xuất khẩu gây tai tiếng ở các nơi họ làm việc như bỏ trốn, cắp vặt, gây phương hại đến một chủ trương lớn, đồng thời làm xấu hổ không chỉ những người đang bán sức lao động ở nước ngoài. 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất