, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 21/03/2024, 06:00

Cuộc đổi đời của Tứ Hạ dưới lớp bụi xám

LỮ HÀ
Năm 2012, khi nhà máy xi măng bắt đầu hoạt động, những nông dân Tứ Hạ lần đầu tiên cảm thấy tiến bộ công nghiệp đã thực sự về với xóm làng mình. Vùng đất bán sơn địa bao nhiêu năm nay không có gì thay đổi, lối đi từ nhà này sang nhà khác vẫn là những lối mòn nhỏ. Vậy rồi nhà máy mọc lên, lớp con cháu trong nhà được tuyển vô làm công nhân, sáng sáng mặc những bộ đồng phục bảo hộ lao động đi vào cổng nhà máy, trông mạnh mẽ như niềm hy vọng.

Gần cả đời người ông Quảng sống với mảnh đất này. Khu vườn và mấy sào ruộng nuôi gia đình ông, bốn đứa con, thêm một đàn cháu. Ông từng buồn vì đám con cháu lớn lên chỉ học hành đến cấp ba rồi lại quay về làm ruộng, làm chài, đi củi, làm phụ hồ. Đời chúng nó chẳng có gì thay đổi, chỉ cái nghèo là bền vững.

Cách Huế chỉ 17 cây số, vậy mà phố phường nhà cửa nơi đất thần kinh đẹp đẽ sang trọng bao nhiêu, thị trấn của ông buồn nhạt bấy nhiêu. Cả thế giới đổi mới từng ngày, nông thôn vẫn là một bức tranh tĩnh lặng. Với ông, niềm hy vọng mà nhà máy xi măng thắp lên không chỉ là những con đường hàng đoàn xe vận tải vô ra, là ánh điện sáng trưng 24/24 trong nhà máy, là việc nhà máy mở thêm dây chuyền sản xuất số 2, 3 rồi 4… mà còn là mấy đứa con trai có nghề ngỗng đàng hoàng, biết ăn biết nói với người ta. Ông chấp nhận thuê người chăm mấy sào lúa sào đậu, thuê máy bơm nước, để cho con đi làm nhà máy.

Cuộc đổi đời tưởng đã diễn ra nhưng rồi cuối cùng mang tới một kết cục buồn. Lò bắt đầu chạy vài tháng, bụi xi măng từ nhà máy thải ra đọng trắng trên những lá chè xanh trong vườn. Lần nào ra hái chè nấu nước, ông cũng phải rửa thật sạch từng lá, vậy mà ấm chè xanh nấu xong vẫn nổi một lớp váng bụi trên mặt. Mấy tháng sau, lần lượt từng cây chè quắn lá, rụng lá rồi xơ xác, chết dần. Đến mấy cây mãng cầu lá vốn nhạt màu mà cũng thấy rõ từng lớp bụi phủ.

Bụi xi măng làm cây cối rụng lá trơ trọi, rau màu thở không nổi héo lay lắt, váng bụi ứ đọng trên mặt nước mương rạch... Nghĩ tới việc mình hít bao nhiêu bụi mỗi ngày, ai cũng biết hiểm họa bệnh tật rình rập. Đến mấy sào đất trồng khoai mì mà cũng xơ rơ. Cây khoai mì là cây chịu đựng của vùng đất khô cằn sỏi đá này, khô hạn hay úng nước, lũ quét bao lần vẫn sống khỏe. Vậy mà cuối năm đó, nhổ bụi khoai mì lên luộc một nồi cả nhà không ai dám ăn vì củ sượng trân, đắng nghét. 

Bụi xi măng dính đầy lên quần áo và vật dụng của người dân.

Hai đứa con trai nhà ông Quảng đi làm công nhân xi măng được hơn năm thì nhà máy cho nghỉ việc. Không rành rẽ chuyện hợp đồng, bảo hiểm, lúc nghỉ việc cũng là lúc hết tiền. Ức lòng, và cũng nghe theo bạn bè rủ, cả nhóm kéo nhau vào nhà máy đôi co, bà vợ ông phải vô vừa kéo vừa van lạy con về nhà kẻo sợ gây chuyện xô xát. Mấy tháng sau thì sinh chuyện tai nạn, một công nhân chết trong nhà máy. Nghe nói công nhân làm những việc chân tay nặng nhọc mà không được đào tạo gì mấy, ông Quảng thầm cảm thấy may mắn khi con mình đã nghỉ trước. 

Mấy lần các hộ dân kéo tới bao vây cổng nhà máy đòi bồi thường hoa màu, đòi thực hiện cam kết hỗ trợ người dân chuyển chỗ ở, đóng bảo hiểm y tế, báo chí về đưa tin đông lắm, nhưng rồi cũng không có ai kể mình được kết quả bồi hoàn cái gì. Nhà máy 100% vốn nước ngoài. Chủ ở đâu, quanh năm có bao giờ thấy mặt. 

Có đợt lò xi măng tắc chỗ nào đó, cả vùng chìm trong cơn bão bụi xi măng mờ mịt, dày đặc không thấy trời đất, người thở không nổi, đến cả lũ gà cũng dúi vào một xó trong chuồng nấp bụi. Xe tải chở đất, chở quặng đá tung hoành trên đường Minh Mạng, những bóng người đi bộ kéo sụp nón, che kín mặt mũi bằng khăn, bằng áo, nhìn cứ như một vùng nào xa lạ, không phải quê ông.

Giằng co mãi với chính quyền, với người dân, chẳng ai được gì, nhà máy ngưng dần sản xuất, rồi đến năm 2019 thì ngưng hẳn. Cho tới bây giờ, địa chỉ nhà máy vẫn để 30 Thống Nhất, Tứ Hạ, Hương Trà, Thừa Thiên Huế. Những khu lò cao màu xám, những băng chuyền đá lộ thiên vẫn vạch những khối hình đầy ám ảnh một phía trời. Còn dân Tứ Hạ phiêu tán. Không còn việc ở lò xi măng đã đành, cũng không còn việc trên đất đai ruộng vườn nữa. Đất đã bị bụi xi măng đổ xuống, hòa cùng với nước mưa, tạo thành một lớp bề mặt chắc đanh không cây cối nào mọc nổi.

Màu đất nâu đen đã chuyển thành màu trắng nhờ, cục đất cầm lên tay bóp không vỡ. Vác cuốc ra đồng một buổi sáng, tay bong lên vì đất cứng, lưỡi cuốc chỉ ăn vào một lớp đất khô khốc, cứng ngắc, không thể xuống sâu hơn. Đậu phộng, đậu xanh, khoai lang, khoai mì, lúa, nếp… những bao hạt giống, mầm cây trồng xuống đất ấy không thấy mầm xanh, mà có lên được cũng oặt ẹo, không có bông có trái.

Chính quyền địa phương và các ban, ngành vận động, thuyết phục dân đối thoại.

Sau bảy năm trời chạy ầm ào, nhà máy xi măng để lại cho Tứ Hạ một sự im lặng buồn hiu hắt. Mấy đứa con ông Quảng đưa cả nhà rời quê. Riêng ông tiếc mấy sào đất vườn, với lại giờ nhà máy cũng ngưng rồi, ông bà ở lại. 

Ông Quảng bắt đầu công việc “nuôi đất” của mình. Ông nghĩ hơn nửa đời người đất này đã nuôi nấng gia đình ông, nay đất lâm nguy sao đành bỏ đất. Ông bắt đầu từ khoảng vườn bên hông nhà, đánh mấy cây chuối trồng che lại một khoảng. Ông cuốc, xới cho tơi đất, lượm lặt hết những tảng đất đã ăn quá nhiều bụi xi măng, tưới nước, ủ rơm, bón thêm phân hữu cơ, rồi thử hết từ đậu phộng, rau lang, cả rau má xem thử có cây nào lớn nổi, xanh nổi. Ông nhờ đứa cháu ngoại đi học trong Huế hướng dẫn cách phục hồi đất rồi cặm cụi làm. Người ta nói phải tính bằng chục năm, đời ông đâu còn bao lâu, thôi cứ làm, khỏi tính. Mấy nhà dưới xóm nói đất đã chết rồi, kiệt rồi, không làm chi được đâu ông ơi, nhưng ông vẫn hy vọng. 

Một năm sau, người ta thấy ông Quảng thuê người về cào lớp đất mặt đổ đi, bắt đầu chăm bẵm, nâng niu lớp đất dưới. Mảnh vườn của ông thấp hẳn xuống, nhưng ít ra trên khoảng vườn đó còn có một màu đất khác, non mới hơn, chứ không khô xám như những mảnh đất đã nằm phơi mặt với bụi xi măng. Ông Quảng vẫn kiên trì dưỡng đất. Mỗi buổi chiều trong vườn, ông nhìn ra hình ảnh khu nhà máy xi măng, nơi những ống khói lò cao chọc thẳng lên trời, lòng mong cho ngọn khói trên lò ấy đừng bao giờ trở lại nữa. 

Tags

Bình luận

Xem nhiều


Anh Hoàng Vân là một trong những người tiên phong trào lưu phẫu thuật thẩm mỹ cho cá tại Việt Nam. Hơn 10 năm nay, anh thực hiện cắt mí mắt, cắt môi, sửa vảy, mang... cho hàng trăm con cá rồng. Thu nhập mỗi tháng lên đến chục triệu đồng.

Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).


Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm





Khô hạn kéo dài, vuông tôm thiếu nước, độ mặn tăng cao khiến tôm chậm lớn, chết nhiều. Người nuôi tôm ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL đang đối diện với vụ tôm thua lỗ nặng từ trước đến nay.

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất