, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 02/02/2022, 13:00

Bánh tráng cù lao Mây bay đi Mỹ

TÂN THÀNH
Từ cầu Cần Thơ, chúng tôi xuôi theo quốc lộ 54 chỉ mất 30 phút là đến huyện Trà Ôn. Tại đây lên phà ngồi 10 phút sẽ đặt chân lên cù lao Mây (xã Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long), nơi có nghề làm bánh tráng tồn tại hàng trăm năm nay.
Phơi bánh tráng.

Làng nghề nổi tiếng

Cù lao Mây nằm lọt thỏm giữa sông Hậu hiền hòa thơ mộng, toàn xã có khoảng 1.300ha đất trồng cây ăn trái như nhãn, chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, bưởi… và chuyên canh rau màu các loại. Đặc biệt, nghề làm bánh tráng ở đây đã vang danh xa gần từ nhiều năm nay, và vụ mùa làm ăn chủ lực nhất chính là vào dịp cận Tết Nguyên đán. Đi một vòng xứ cù lao, chúng tôi chứng kiến không khí sản xuất bánh tráng cho nhu cầu tiêu thụ của thị trường Tết năm nay đã thực sự tăng nhiệt.

Chị Nguyễn Thị Hằng, ngụ ấp Tân Thạnh, xã Lục Sĩ Thành cho biết cứ khoảng 3 giờ sáng là các lò bánh bắt đầu thổi lửa, làm bột… để chuẩn bị tráng bánh cho tới tận chiều tối mới xong. Số lượng bánh dịp Tết được sản xuất tăng gấp 2- 3 lần so với ngày bình thường, vậy mà có lúc không đủ bánh cung cấp. “Thông thường mùa Tết luôn phải làm nhiều hơn, vì không chỉ nhu cầu tiêu thụ nội địa tăng mà nhu cầu của bà con Việt kiều bên Mỹ cũng tăng”, - chị Hằng nói.

Bà Trần Thị Tuyết Mai (một trong những thợ tráng bánh nhiều năm ở cù lao Mây) bộc bạch: “Bánh tráng là nghề truyền thống của xứ này. Hồi trước cha mẹ tui làm bánh tráng đem bán khắp nơi, khi tui lớn lên thì cũng học làm bánh tráng rồi theo nghề cho tới bây giờ”. So với những nơi khác thì bánh tráng cù lao Mây được người tiêu dùng nhận xét là rất ngon, có độ dẻo dai, không bị bể, thủng. 

Ngoài kinh nghiệm trong nghề, để làm ra được cái bánh tráng cù lao Mây thơm ngon thì cần phải sử dụng loại gạo tài nguyên lúa mùa, kèm với “tay nghề” pha chế đường, sữa, mè, dừa… Bà Mai cho rằng, chính sự công phu trong cách pha chế đã giúp bánh tráng xứ cù lao có hương vị riêng biệt, mà bất cứ người tiêu dùng nào dù khó tính mấy cũng dễ dàng chấp nhận. Vì thế, làng nghề này đã hàng trăm năm nhưng vẫn tồn tại và phát triển lan truyền sang nhiều nơi khác.

Tập trung nâng chất lượng, thương hiệu

Kể chuyện bánh tráng xứ cù lao Mây đi Mỹ, ông Lương Văn Thông - Chủ nhiệm HTX Bánh tráng cù lao Mây cho biết ngoài độ thơm ngon thì bánh tráng cù lao Mây đã được áp dụng hút chân không nên thời gian bảo quản kéo dài tới 90 ngày, do đó việc xuất khẩu đi Mỹ hoặc thị trường nhiều nước khác rất thuận lợi. 

“Tôi nhớ dịp cuối năm 2014, có một khách hàng từ Mỹ đã liên lạc với chúng tôi, cho biết “rất ghiền sản phẩm nhà quê này” và đặt mua 4.000 cái bánh tráng ngọt kích cỡ 35 x 35cm. Lô hàng được giao đúng hẹn và chất lượng sản phẩm được đối tác đánh giá rất cao, còn hẹn sẽ làm ăn dài hạn trong các năm tiếp theo. Tuy số lượng không cao, nhưng mấy năm gần đây sản phẩm của cơ sở bánh tráng Lệ Hằng và một số cơ sở khác xuất đi các nước ngày càng nhiều hơn”, ông hồ hởi nói.

Bánh tráng cù lao Mây đưa sang thị trường Mỹ.

Theo ông Nguyễn Thành Luân - Bí thư Đảng ủy xã Lục Sĩ Thành, UBND xã đã xác định làm bánh tráng là nghề truyền thống của xứ cù lao. Để nghề này phát triển theo tình hình mới, địa phương đã thành lập HTX Bánh tráng cù lao Mây vào năm 2011, đưa bà con vào làm ăn hợp tác. Sản phẩm bánh tráng cù lao Mây đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu tập thể và được Viện Năng suất Việt Nam hỗ trợ 7 máy hút chân không theo Chương trình OCOP. Có thể nói, nghề sản xuất bánh tráng ở cù lao Mây đang có bước tiến đáng kể theo hướng công nghệ hiện đại, đáp ứng tốt về chất lượng và các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Bánh tráng cù lao Mây hiện là sản phẩm OCOP 3 sao.

Ông Lương Văn Thông báo tin vui, bánh tráng cù lao Mây giờ đây được làm đa dạng như bánh tráng ngọt, bánh trắng, bánh dừa, bánh sữa, bánh cay… Mấy năm qua có nhiều siêu thị đến tìm hiểu về làng nghề và thống nhất đặt hàng mua bánh tráng cù lao Mây dài hạn. Bên cạnh đó, HTX sẽ tiếp tục đưa sản phẩm truyền thống này sang thị trường Mỹ, các nước châu Á… mở hướng phát triển mới đầy triển vọng cho bánh tráng cù lao Mây.

Lãnh đạo xã Lục Sĩ Thành nhìn nhận, với bề dày nhiều năm và đang được đầu tư hướng đi đúng, vấn đề còn lại của hàng chục hộ ở làng nghề bánh tráng là gắn kết hơn nữa để có thể chuyển từ tự phát, nhỏ lẻ… sang hướng hợp tác sản xuất theo đơn đặt hàng quy mô lớn. Từ đó, đưa làng nghề vào sản xuất quanh năm, giúp bà con tăng thu nhập, làm giàu bằng chính sản phẩm truyền thống của mình…

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).
Được quan tâm






Đây là sản phẩm thứ 156 ở Thái Lan và là sản phẩm đầu tiên của tỉnh Ang Thong được gắn GI, đánh dấu việc hoàn thành dự án “Mỗi tỉnh một sản phẩm đạt chỉ dẫn địa lý” của Cục Sở hữu trí tuệ Thái Lan.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất