, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 19/04/2017, 09:50

Bưởi không hạt của 'Hai lúa' Bến Tre

Phước Huỳnh
Ông Hai Hoa xử lý để bưởi không tạo hạt
Ông Hai Hoa xử lý để bưởi không tạo hạt
Là nông dân “Hai lúa”, thế nhưng nhiều người tôn sùng lão nông Lê Văn Hoa (Hai Hoa, SN 1947), ngụ xã Sơn Định (Chợ Lách, Bến Tre) là “vua bưởi”, “nhà khoa học chân đất”, hay “chuyên gia bưởi Da xanh”. Ai gọi gì ông cũng chỉ vui vẻ cười khà khà...
 
Duyên nợ với bưởi Da xanh
 
Huyện Chợ Lách vốn nổi tiếng với nghề trồng hoa kiểng và vườn cây ăn trái. Gia đình ông Hai Hoa cũng mưu sinh nhờ canh tác vườn. Thời gian đầu ông trồng nhiều loại cây, nhưng kinh tế cũng không mấy khá giả bởi nguồn thu không nhiều. Năm 1998, nghe thông tin cây bưởi Da xanh bắt đầu “bén rễ” ở xã Mỹ Thành An (TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre), ông Hai Hoa bèn lặn lội sang tìm hiểu. Sau khi đi thăm một số vườn bưởi Da xanh ở đây, ông rất khoái giống bưởi mới “chất lượng tuyệt hảo” này. Trở về Chợ Lách, ông liền chặt hạ toàn bộ 5 công sầu riêng của mình để cải tạo vườn, chuyển sang trồng bưởi Da xanh. Để trái bưởi Da xanh được giá cao, ông nghĩ cách áp dụng rải vụ. Khi có dịp đi miền Bắc tham quan các vườn bưởi Diễn (Hà Nội), Đoan Hùng (Phú Thọ), Phúc Trạch (Hà Tĩnh)… ông thấy trái bưởi trồng ở đây có rất nhiều hạt, trong khi bưởi ở ĐBSCL thì ngon hơn và ít hạt hơn. Từ đó ông nảy ra ý tưởng: “Tại sao mình không lai tạo cho bưởi Da xanh không có hạt? Như vậy trái bưởi càng ngon và khi bổ ra sẽ đẹp hơn”. Thế là ông quyết định làm cho trái bưởi không hạt. 
 
Nhờ có kinh nghiệm làm vườn nên ông Hai Hoa rất rành về đặc tính của trái bưởi. Ông biết bưởi Da xanh tự bản chất của nó là không có hạt, nhưng vì nhiều lý do, có thể do nhà vườn sử dụng tạp chất, hoặc do thụ phấn chéo, đã làm cho trái bưởi có hạt. Thế là ông chế ra những chiếc khung, canh thời điểm hoa bưởi sắp nở, ông chụp khung quanh hoa, rồi dùng lưới nhựa bọc lại. Khi hoa nở, rụng cánh hết thì bỏ lồng lưới ra để trái phát triển. Những lồng lưới này rất quan trọng, có tác dụng ngăn gió khuếch tán phấn hoa, đồng thời không cho côn trùng hút mật tiếp xúc bầu nhụy, gây ra hiện tượng thụ phấn chéo. Những trái bưởi Da xanh không hạt đầu tiên của ông ra đời như vậy đó… 
 
Chuyển giao cho nhiều người áp dụng
 
Sau khi thử nghiệm thành công bưởi Da xanh không hạt, ông Hai Hoa được nhiều người biết tiếng nên tìm đến học hỏi. Khu vườn của ông lúc nào cũng nhộn nhịp người dân các nơi đến tham quan và học kinh nghiệm. Tất cả đều được ông nhiệt tình hướng dẫn từ cách lên mô, tướt bỏ lá để ra hoa theo ý muốn và sử dụng lồng, lưới để bao hoa, bao trái bưởi… Có người đề nghị ông đi đăng ký độc quyền sáng chế, nhưng ông lắc đầu, chỉ muốn phổ biến cho nhiều người cùng làm. Những năm 2007- 2008, các nhà vườn ở miền Đông Nam bộ tìm tới nhờ ông đi làm “chuyên gia” hướng dẫn kỹ thuật, ông cũng rất nhiệt tình hỗ trợ. Ông vui vẻ kể: “Cách nay khoảng 3 năm, trong Hội chợ triển lãm sản phẩm nông nghiệp diễn ra tại Inđonesia, tôi được mời tham gia buổi nói chuyện với nông dân, chuyên gia… của nước họ về vấn đề “xây dựng trái cây”. Tôi nói cả buổi về kỹ thuật trồng bưởi Da xanh năng suất cao, chất lượng tốt, không hạt…  mọi người chăm chú theo dõi lắm. Sau cuộc hội thảo, tôi còn được mời trao đổi với các chuyên gia, giảng viên của một trường đại học Indonesia về đề tài trồng bưởi nữa”. 
 
Sau chuyến xuất ngoại đó, ông Hai Hoa được nhiều đơn vị mời đi phổ biến kinh nghiệm trồng bưởi Da xanh không hạt, dù ông chỉ là nông dân học lớp 6 trường làng. “Tôi ít học, nhưng nhờ kinh nghiệm thực tế từ làm vườn nhiều năm và luôn chịu khó tìm tòi, đồng thời không chịu thua cuộc nên mới tạo ra được trái bưởi không hạt. Vì thế, nếu bà con ở đâu cần về phương pháp trồng bưởi Da xanh không hạt để tăng thu nhập cho gia đình, thì tôi sẵn sàng hỗ trợ. Tôi chỉ mong muốn nhiều người trồng bưởi thành công, cùng nhau làm giàu từ bưởi không hạt thôi”! - ông Hai Hoa bộc bạch.
 
Phước Huỳnh

Bình luận

Xem nhiều




Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1

Nổi bật
Được quan tâm




Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất