, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 11/12/2023, 09:00

Chỉ 10 năm, Diễn Vạn đã không còn là ốc đảo

TRỊNH AN
Từ một xã nghèo ở vùng bãi ngang, trăm thứ chỉ nhìn vào con cá, hạt muối… nay đời sống người dân xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An đã sang trang mới. Nơi này, mùa vụ đã theo hướng hàng hóa, gắn phát triển tiểu thủ công nghiệp và xây dựng làng nghề, nuôi trồng chế biến hải sản.
Một góc xã Diễn Vạn.

Khơi sức dân thay đổi quê hương 

Ngắm nhìn những ngôi nhà lầu san sát nhau soi bóng xuống sông Bùng, anh Trần Văn Thắng (40 tuổi, trú xã Diễn Vạn) nói rằng, quê hương thay đổi quá nhanh khiến anh không còn nhận ra sau 10 năm rời quê sang xứ người mưu sinh. Hơn một thập kỷ trước, xã Diễn Vạn thường được gọi là một xã ốc đảo của huyện Diễn Châu, do bị chia cắt bởi 3 dòng sông. Để ra ngoài, người dân chỉ có cách đi thuyền, thậm chí người dân ở một số xóm trong xã muốn qua lại với nhau cũng phải dùng thuyền để đi.

Bị cô lập với bên ngoài, cuộc sống người dân lại gặp rất nhiều khó khăn bởi trăm thứ chỉ biết nhìn vào con cá, hạt muối… khiến xã ốc đảo này trở thành một “vùng trũng” của huyện Diễn Châu.

Bây giờ, hai từ ốc đảo đã không còn trong tiềm thức của người dân Diễn Vạn kể từ khi 4 cây cầu lần lượt được bắc qua kênh Vách Bắc và sông Bùng, giải quyết việc đi lại, kết nối giao thương của người dân; phần lớn đường làng ngõ xóm cũng được thảm nhựa, bê tông hóa

“Trước xóm chủ yếu đường ngõ nhỏ, chỉ rộng 2m, xe ô tô đi còn không lọt chứ đừng nói tránh nhau. Giờ thì toàn bộ các tuyến đường đã được đổ bê tông, mở rộng gấp đôi”, ông Trần Minh Tuấn - Bí thư xóm Yên Đồng, xã Diễn Vạn nói. Ông cho biết, với đặc thù là một xóm ở vùng biển, đất chật người đông, để vận động người dân hiến đất mở đường giao thông không phải là chuyện đơn giản. 

Những con đường làng vốn chỉ rộng 2 - 3m ở xã Diễn Vạn được mở rộng, bê tông hóa.

Để làm được điều này, lãnh đạo xóm phải đi gõ cửa vận động từng nhà. Khi người dân đã gật đầu đồng ý, xóm lập tức triển khai làm đường với phương châm “nhanh, gọn, dứt điểm từng đoạn một để người dân ở các khu vực khác thấy”. Chỉnh sửa lại những chậu hoa đặt trước cửa nhà, ông Hoàng Sỹ Huệ (73 tuổi, trú xóm Yên Đồng) cho biết, diện tích đất của gia đình giảm 35m2 so với trước, song đổi lại đường trước nhà lại rộng rãi, sạch đẹp. Giá đất của gia đình ông cũng vì thế tăng lên.

“Đây là đường liên xã nhưng trước đây chỉ một xe ô tô đi lọt thôi. Khi xóm, xã vận động hiến đất mở rộng đường, vợ chồng tui đồng ý ngay vì mình là người đầu tiên hưởng lợi mà. Đường sạch đẹp, có hệ thống mương thoát nước thu gom nước thải đầy đủ nên giờ không còn mùi hôi, ruồi muỗi nhiều như trước”, ông Huệ chia sẻ.

Để thay đổi diện mạo quê hương, từ năm 2011 đến nay, xã Diễn Vạn đã huy động hơn 489 tỉ đồng, trong đó nhân dân đóng góp hơn 390 tỉ đồng, hiến 9.000m2 đất cùng hàng nghìn ngày công lao động để xây dựng cơ sở hạ tầng. Khi giao thông đã thuận tiện, nhiều người dân xã Diễn Vạn mới mạnh dạn vay vốn đấu thầu đất hoang hóa, đóng tàu, mua xe tải… để phát triển kinh tế. Cơ cấu kinh tế của xã bãi ngang này cũng dần chuyển dịch theo hướng tích cực. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt, bộ mặt nông thôn khang trang, xanh, sạch, đẹp hơn.

Đến cuối năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của xã Diễn Vạn tăng lên 40,3 triệu đồng/người/năm, tổng giá trị thu nhập từ lao động, sản xuất, kinh doanh đạt 328 tỉ đồng, tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 3,64%.

Để người dân “ly nông bất ly hương”

Đến xã Diễn Vạn đầu Đông, từ xa, nhiều du khách đã bị cuốn hút bởi mùi thơm của cá nướng bốc lên từ hàng chục lò than nướng nằm dọc các tuyến đường làng. Nướng cá là một trong những nghề truyền thống lâu đời của người dân nơi đây. Nhiều gia đình đã truyền lại nhiều thế hệ, từ đời này sang đời khác.

Anh Nguyễn Mạnh Quyền (40 tuổi) cho biết, nghề nướng cá đã theo gia đình anh từ hàng chục năm trước. Ban đầu là bố mẹ đứng bếp, anh và chị em trong nhà chỉ phụ giúp bố mẹ, đến nay nghề này được truyền lại cho vợ chồng anh. Trung bình mỗi ngày cơ sở nướng cá của anh Quyền tiêu thụ hơn 1 tấn cá các loại, tạo việc làm ổn định cho 7 lao động với mức lương từ 6 - 9 triệu đồng/tháng.

Nghề nướng cá truyền thống.

“Ngoài một số loại cá trong nước, chúng tôi còn nhập nhiều loại cá khác từ Trung Quốc, Hàn Quốc về để nướng phục vụ nhu cầu của khách hàng. Cá sau khi nướng được tiêu thụ khắp trên cả nước, nhưng nhiều nhất vẫn là ở các huyện miền Tây Nghệ An”, anh Quyền nói. Theo anh, dù cá nguyên liệu xuất xứ từ trong hay ngoài nước, muốn những con cá nướng thơm ngon, khi ăn người ta nhớ đến mình, thì đầu tiên phải chọn nguyên liệu cho thật tươi.

Lần theo con đường làng thoảng hương mặn mòi từ nước mắm, tôi tìm đến cơ sở làm nước mắm truyền thống của anh Trần Văn Thắng. Nghề làm nước mắm Vạn Phần nức tiếng nơi đây còn vỏn vẹn vài hộ như anh. Tiếc nuối nghề truyền thống của cha ông đứng trước nguy cơ mai một, năm 2022, anh Thắng quyết định bỏ ra hàng trăm triệu đồng đầu tư cơ sở vật chất kế tục nghề của gia đình sau khi xuất khẩu lao động trở về.

“Giờ nghề làm nước mắm truyền thống không còn nhiều do khó cạnh tranh với thị trường. Nhưng nếu làm tốt, nhiều khách hàng vẫn rất ưa chuộng, đặt hàng đều đặn mỗi tháng”, anh Thắng nói.

Nghề làm nước mắm vẫn được nhiều gia đình ở Diễn Vạn duy trì, mở rộng quy mô.

Ngoài nỗ lực giữ các nghề truyền thống, những năm qua xã Diễn Vạn cũng tập trung phát triển mạnh tiểu thủ công nghiệp, nuôi trồng và chế biến hải sản… tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động. Những diện tích đất hoang hóa, ruộng trũng, đất làm muối kém hiệu quả được chính quyền xã kêu gọi, tạo điều kiện để người dân đấu thầu, phát triển kinh tế vườn ao chuồng, đào ao nuôi tôm, cá.

“Chúng tôi vẫn khuyến khích người dân phát triển kinh tế trên chính quê hương. Với những người đi lao động xuất khẩu trở về, cũng được tạo điều kiện thuận lợi nhất để họ tận dụng nguồn vốn có sẵn, đầu tư làm ăn ngay tại quê nhà”, ông Hoàng Minh Long cho biết.

Sau hơn một thập kỷ đổi mới, ngày 16/11, xã Diễn Vạn đã tổ chức Lễ công bố xã đạt chuẩn Nông thôn mới và Trường tiểu học xã Diễn Vạn đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn 2 trong niềm vui của gần 9.000 con em xã nhà. Chủ tịch UBND xã Diễn Vạn Hoàng Minh Long nói rằng, do có xuất phát điểm thấp, hành trình cán đích Nông thôn mới của địa phương này khá vất vả. Song khi tất cả người dân ở quê nhà cũng như làm ăn xa quê cùng đồng lòng, hiến kế, hiến của… mọi khó khăn đều đã lần lượt được giải quyết. 

Widget "Chân trang - Nông thôn mới"

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Không phải bây giờ lời kêu gọi sống chung với biến đổi khí hậu, dân gian gọi là thuận thiên mới vang lên. Nhưng nội hàm của thuận thiên, đến lúc phải thay đổi trong cái nhìn...
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất