, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 27/01/2020, 08:44

Chương trình Cầu Nông thôn: Giấc mơ người dân vùng biên

HƯƠNG UYÊN

Tôi sinh ra ở miền Đông Nam bộ, không phải vùng sông nước nên không chú ý lắm đến sự có mặt của các cây cầu. Mà ở vùng Bình Dương, Đồng Nai, thường cây cầu nào cũng to. Vì thế, về miền Tây, tôi lại thích các cây cầu khỉ bởi nó chỉ là vài cái cây bắc ngang qua kênh rạch, vừa đủ để ta có thể soi mình xuống nước, đôi khi còn thấy được đàn cá bơi, với chân đụng được nhành lục bình tím biếc.

Nét lãng mạn từ những đêm trăng hò hẹn của những đôi trai gái trên những chiếc cầu nhỏ xinh trong thơ ca càng khiến tôi nghĩ rằng miền Tây sông nước thì không thể tách rời hình ảnh cây cầu khỉ. Cũng vì vậy, khi nghe có chương trình “Xóa cầu khỉ”, tôi lại cảm thấy buồn nhiều hơn vui, vì sợ một ngày nào đó, chiếc cầu khỉ chỉ còn trong chuyện cổ tích…

Rồi cơ duyên đưa Tạp chí Nông thôn Việt – nơi tôi công tác, đến với Chương trình Cầu Nông thôn. Từ ngày phát động đến nay, Chương trình đã triển khai được hơn 3 năm. Ngần ấy thời gian đồng hành cùng chương trình, với hàng trăm cây cầu đã được xây dựng trên các miền quê biên giới, từ Long An đến Đồng Tháp và bây giờ là An Giang, tôi ngày càng cảm nhận rõ giá trị của những cây cầu đối với các vùng nông thôn nghèo, tuy gần mà xa ngái chỉ vì thiếu những cây cầu.

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự lễ khánh thành cầu tại An Phú (An Giang).
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự lễ khánh thành cầu tại An Phú (An Giang).

3 năm qua, nước mắt của người phụ nữ ấy dường như vẫn còn nóng hổi trên vai tôi, khi cô ấy ôm tôi khóc mừng trong ngày khánh thành cầu Rạch Gốc – Mỹ Bình 3 ở huyện Đức Huệ. Trong tiếng nấc, cô ấy bảo: “Tôi cứ ngỡ mình mơ. Hòa bình hơn 40 năm rồi, giờ quê tôi mới có cây cầu. Ai nấy đều vui không tả được cô ạ!”.

Bí thư Huyện ủy Đức Huệ Phạm Văn Trấn, người đau đáu với chuyện các cây cầu ở vùng biên giới cũng nhiều lần tâm sự: “Sự có mặt của các cây cầu đã giúp cho địa phương thay đổi hẳn diện mạo. Bà con mừng ghê lắm!”. Nghe các nhóm thi công cầu trên tuyến kênh xáng Trà Cú Thượng kể, họ bị áp lực về tiến độ, bởi từ ngày khởi công trở đi, ngày nào bà con cũng ra… ngóng cầu. Giờ thì cả tuyến đã gần như thông suốt. Không chờ Tết, hai năm rồi, ngày nào ở đây cũng vui như… Tết vậy!

Những cây cầu mới giúp học sinh đi lại thuận tiện hơn.
Những cây cầu mới giúp học sinh đi lại thuận tiện hơn.


Qua Tết Canh Tý thì 16 cây cầu thuộc Chương trình Cầu Nông thôn – Tạp chí Nông thôn Việt ở Tri Tôn mới đồng loạt khánh thành chính thức, nhưng từ đầu tháng Chạp thì chúng tôi liên tục nhận được thông tin gác dầm, hợp long… Anh Quốc Thiện, đại diện đơn vị thi công 7 cây cầu ở xã Cô Tô cười vui thông báo: “Tụi em tăng ca, làm đêm luôn đó chị. Tết này, các ông Táo bà Táo vùng Cô Tô sẽ có thông tin vui để báo với Ngọc Hoàng, rằng quê tôi đã có thêm mấy cây cầu rồi”.

Anh Nguyễn Hữu Ngọc, Phó Bí thư Huyện ủy Tri Tôn, lần nào gặp chúng tôi cũng nhắc đến hai từ “như mơ”. Theo anh, “Chưa bao giờ vùng quê này có một lúc 16 cây cầu như lần này, không trong mơ thì là gì?”. Có lẽ vì vậy mà cả huyện đã dồn tổng lực để triển khai và chỉ trong vòng 3 tháng, một thời gian được xem là kỷ lục của chương trình, các cây cầu ở Tri Tôn đã hoàn tất trong sự ngạc nhiên của chúng tôi.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm cho biết: “Từ ý tưởng của Tổng Biên tập Tạp chí Nông thôn Việt Nguyễn Đức Quang nên chúng tôi đã mạnh dạn đề xuất làm 11 cầu (8 cây do Chương trình Cầu Nông thôn tài trợ), trong đó có 4 cầu bắc qua sông, mở đường nối từ Tỉnh lộ 941 sang Tỉnh lộ 943 dài 10km. Không chỉ rút ngắn trên 5km so với trước đây, tuyến đường này mở sẽ giúp phát triển khu vực thuộc 3 xã Núi Tô, Cô Tô và Tà Đảnh, giúp cho giao thông bằng phương tiện cơ giới, vận chuyển vật tư nông nghiệp, thu hoạch nông sản thuận lợi, phục vụ phát triển KT-XH”.

Cầu kênh Huệ Đức (xã Cô Tô, huyện Tri Tôn - An Giang) đang ráo riết thi công.
Cầu kênh Huệ Đức (xã Cô Tô, huyện Tri Tôn - An Giang) đang ráo riết thi công.

Có một hình ảnh mà bất cứ ai khi dự khánh thành những cây cầu mới của Chương trình Cầu Nông thôn đều có thể dễ dàng bắt gặp là những cây cầu cũ nằm bên cạnh. Nó cũ kỹ, ọp ẹp, thường có tải trọng chỉ nửa tấn. Cũng là cầu, nhưng đó là những cây cầu chỉ để phục vụ việc đi lại. Còn những cây cầu mới khánh thành có tải trọng từ 5 tấn trở lên, sẽ giúp “kinh tế đi”. “Cầu phải giúp “kinh tế đi” thì cuộc sống vùng nông thôn mới thật sự phát triển bền vững”, đó là nguyên tắc mà Nguyên Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang – linh hồn của Chương trình Cầu Nông thôn – Tạp chí Nông thôn Việt, thường xuyên nhắc nhở Ban Tổ chức Chương trình và lãnh đạo các địa phương khi chọn vị trí để xây dựng các cây cầu.

Vì thế, không phải chỉ ở Tri Tôn mà ở các địa phương khác, Chương trình thường ưu tiên cho việc mở trọn tuyến. Ông Nguyễn Đắc Tài, Bí thư Thị ủy Tân Châu cho biết, cây cầu chợ Lê Chánh (xã Lê Chánh) cũng mở ra một con đường nối vào cả 1.000ha khu vực Bắc Vĩnh An, vùng chuyên canh các loại nông sản của thị xã. Nhiều người dân vùng đó đang đếm ngược từng ngày thời điểm khánh thành cầu, vì chắc chắn là hàng nông sản sẽ được bán với giá tốt hơn, không còn bị ép giá nhờ giao thông thuận lợi hơn trước. 8 cây cầu còn lại của Chương trình Cầu Nông thôn – Tạp chí Nông thôn Việt tại thị xã Tân Châu đều ở những vị trí huyết mạch như thế.

Đi trên những cây cầu mới, chợt nhớ những lời hứa chưa thành, như lời hứa với bà con ở Tân Hưng (Long An) từ Tết năm ngoái đến nay vẫn chưa thực hiện được. Tết thường là thời điểm để tính toán công nợ. Không biết những nợ nần với bà con bao giờ Chương trình mới trả hết được?

CHƯƠNG TRÌNH CẦU NÔNG THÔN – TẠP CHÍ NÔNG THÔN VIỆT

(Từ 5/10/2016 đến 25/12/2019)

Tổng số doanh nghiệp tham gia tài trợ: 28

Gồm: Công ty CP Ô tô Trường Hải; Công ty CP Đồng Tâm; Ngân hàng TMCP Kiên Long; Minh Hưng Group; Công ty TNHH – MTV Anh Minh Anh; Công ty CP Đầu tư & Xây dựng Phúc Khang; Tổng Công ty Viễn thôn Mobifone; Tập đoàn CN Viễn thông Quân đội Viettel; Liên doanh Việt – Nga VietsoPetro; Tập đoàn Novaland; Công ty TNHH Hải Sơn; Công ty CP Thương mại – Sản xuất – Xây dựng Hưng Thịnh; Công ty CP Nhựa Rạng Đông; Công ty CP Tập đoàn Quốc tế Năm Sao; Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank); Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank); Công ty CP Bamboo Capital; Công ty CP Tập đoàn Thành Long; Công ty CP Hùng Vương; Công ty CP Thực phẩm dinh dưỡng NutiFood; Tổng Công ty Phân bón & Hóa chất dầu khí (Đạm Phú Mỹ); Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank); Tập đoàn Hanaka; Công ty CP Prowtech International Vina; Công ty CP Nhựa Tân Đại Hưng và nhóm doanh nghiệp tại TPHCM, Công ty CP Kho vận Giao nhận Ngoại thương Mộc An Châu.

Số công trình cam kết tài trợ: 161

Tổng vốn đầu tư: 172 tỷ đồng

Số công trình đã hoàn thiện: 123

Long An (7 huyện, 102 cầu/cống), Đồng Tháp (2 huyện, 18 cầu) và An Giang (4 huyện, 41 cầu)

PHÚ AN tổng hợp

 

Bình luận

Xem nhiều




Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1

Nổi bật
Được quan tâm



Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất