, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 12/12/2023, 15:00

Cứ để hoa... lạc... ở Sài Gòn

NGUYỄN HÀNG TÌNH
Người ta đang chộn rộn kỷ niệm 130 năm thành phố Đà Lạt hình thành, kể từ cái mốc 1893 ấy, với bác sĩ Yersin “nhìn thấy” Dà Lat (tiếng người bản địa Lat, suối Lát, xứ sở người Lát, cùng những đồi thông ở đây).

Thường những thời điểm thế nhân lao nhao tôi hay nghĩ đến những gì lặng lẽ, như nông nghiệp và dân cày ấy. Và tôi nhớ về trạm khảo cứu thực nghiệm nông nghiệp đầu tiên ở Châu Á, trạm Dankia, ra đời chỉ năm năm sau đó (1898), nghĩa là trước khi người ta bắt tay vào xây dựng phố phường, là nền tảng cho nền nông nghiệp bán ôn đới ở đô thị Đà Lạt, ngõ hầu tạo giống - trồng - cung ứng hoa, lơ-ghim (rau, củ) cho đô thị nghỉ dưỡng trên cao nguyên này.

Du lịch Đà Lạt thì đã quá quen thuộc, lơ-ghim cũng vậy, rừng thông cũng thế, kiến trúc Tây kia cũng đã hóa bình thường, hoa càng vậy. Chỉ còn mỗi một “hành trình” của hoa “ra đi” cụ thể ra sao thì lâu nay người ta không nhắc đến thôi. Thì, cho tôi nhắc đến vậy...

Như bao người sống lâu ở Đà Lạt, chúng tôi chỉ biết trồng, rồi trồng, và “tiễn” hoa rời khỏi đèo Prenn bằng ánh nhìn, mà không cần biết hành trình tiếp theo của nó sẽ ra sao và nó sẽ được “cư xử” như thế nào ở cái thành phố đô hội nhất nước kia, Sài Gòn. Nhà vườn (nông dân) Đà Lạt là vô tư, hiền khô thế đó, cái quán tính quá trăm năm rồi. Cái công đoạn quan trọng nhất - làm cho ra đóa hoa, cành hoa, phần còn lại thuộc về “cuộc đời”, cụ thể hơn là... thị trường, thương lái. Những tưởng chẳng cần bận tâm đến “đầu cuối” làm gì, vậy mà rồi có lần tôi cũng phải theo những chiếc xe chở hoa kia để cùng hoa đỗ bến Sài Gòn...

Khi kẻ Đà Lạt nhìn... “Đà Lạt” ở Sài Gòn

Những cửa hiệu hoa tươi ở Sài Gòn cứ hay nằm ở góc các ngã tư, ngã ba, ngã năm, ngã bảy. Hoa mà, phải được cưng và khoe sắc, được cất tiếng “Tôi là...”. Nhiều khi đèn đỏ đã chuyển sang xanh rồi, mà ánh mắt tôi vẫn còn dõi vào trong đó. Bao lần bước vào các cửa hiệu đó, lòng đều thấy âm ấm. Chợt miên man xa xăm dội ngược niềm tự hào. Tự hào vì này là phẩm vật của xứ mình, là “sứ giả” của phố lạnh cao nguyên. Thứ “sứ giả” nhẹ nhàng, sâu lắng, không ồn ào, kèn trống, băng rôn, chiến dịch - không cần PR. Hữu xạ tự nhiên hương là thế này chứ đâu nữa.

Thế gian là thế, cái gì đẹp, có giá trị thì người ta tìm đến, tán tỉnh, rước cưới về. Các cửa hiệu ấy bảo, hầu hết hoa cắt cành bán lẻ hay cắm vào giỏ, lẵng ở đây đều là hoa Đà Lạt, xưa giờ. Mấy chục năm sống ở Đà Lạt ta chưa bao giờ kiếm hạt cơm chén cháo nào từ nghề trồng hoa mà sao ta mãi lâng lâng hạnh phúc tràn đầy thế này nè. Từ các cửa hiệu bán hoa xa xỉ kia, đủ biết hoa cắm trong các khách sạn sang trọng ở TP.HCM sẽ là hoa nào thôi. Ở Việt Nam, nếu là hoa, không phải “hoa Đà Lạt” thì đâu hơn. Khẩu ngữ xưa nay của tôi, “Hoa Đà Lạt kết tinh kỳ diệu từ đất lành” giờ ai đó lấy làm slogan cho phố núi khởi từ cảm xúc thậm thương lặng lẽ tự nhiên đó.

Bây giờ giữa Sài Gòn này tôi cầm từng cành hoa lên, này là ở Thái Phiên, này là ở Vạn Thành, này là ở Sồng Sơn, này là ở Nam Hồ, Trại Mát, này là ở Đa Thiện, này là ở Da Sar, này là ở K’Long... Giữa một Sài Gòn nhiệt đới lúc nào cũng hừng hực oi nóng mà mát đi. Cái dạ như bảo: “Mày cứ mát nữa đi, mát được chừng nào thì mát. Mày sống ở trên đó mà!. “Đà Lạt đồi núi chập chùng/ Đà Lạt trời, mây nước mênh mông” mà”. Đang dạo chơi, làm lữ khách tài tử bất đắc dĩ của TP.HCM mà rừng thông xa xa, những khu nhà vườn ở ngoại ô phố núi như đang réo gọi về. 

“Chợ Tình nhân” của Đà Lạt

Nhưng chợ hoa Hồ Thị Kỷ đây rồi. Đây là chợ hoa của mọi chợ hoa, gian hàng hoa, cửa hàng hoa, “shop” hoa ở thành phố sầm uất này. Dân buôn bán lâu năm ở đây bảo cái chợ hoa này hình thành từ những năm 50 của thế kỷ trước chỉ để bán một thứ duy nhất, là hoa, và kỳ lạ chỉ độc nhất Hoa Đà Lạt. Nó “ra đời” vì... hoa Đà Lạt, và sống được, tồn tại được là nhờ... xứ Đà Lạt. Nó tên thế kia vì nó nằm chính trên đường Hồ Thị Kỷ, thuộc một quận trung tâm của đô thị này, quận 10.

Chính quyền Sài Gòn trước kia và TP.HCM ngày nay gọi đây là chợ hoa đầu mối, nhưng người phương xa trực kiến thì cảm nhận nó là những hàng phố hình bàn cờ chuyên doanh hoa hơn chứ không như hình thái về chợ là phải độc lập với những khu dân cư, dãy phố. Nhà là... gian hàng, “shop”, sạp, vựa. Hàng phố là... chợ. Không phải ngẫu nhiên mà cái chợ nhỏ bé và mỗi ngày thực sự là chợ chỉ vài giờ thôi mà trở thành chợ nổi tiếng cả nước. Đơn giản vì nó liên quan đến hoa, cái đẹp. Vì vậy mà khách Tây hay rảo bước vào đây để tìm hiểu sinh hoạt của nó.

Chợ hoa này bỗng thành “người đại diện” của cao nguyên Langbiang ở đại đô thị phù sa hạ nguồn, nối dòng Dà Đờng sông Mẹ thượng nguồn xa tít tắp và dòng sông Sài Gòn bên cửa biển. Cái chợ gì mà cứ như “Tình nhân” của Đà Lạt. Một mảnh “Linh hồn” Đà Lạt ở “Hòn Ngọc Viễn Đông” - cách tự hào của người Sài Gòn về thành phố của mình. À không, phải gọi là “Nhiệt kế” mới đúng. “Nhiệt kế” đo nền trồng hoa và nhịp điệu thị trường của hoa Đà Lạt hằng ngày ra sao, rằng chỉ cần nhìn vào cái chợ này.

Rằng, chợ này “đi ngủ” từ 20 giờ đêm và đến giấc một giờ sáng thì “thức dậy”. Từ các sạp hàng trong chợ lồng nhỏ kia cho đến các dãy phố bao bủa xung quanh đồng loạt “thức dậy” như thế. Chín mươi lăm phần trăm các nhà phố kia đều làm nghề buôn bán hoa mà. Các hộ đó nếu không buôn sỉ thì cũng bán lẻ hoa, không đóng gói thì cũng cắm hoa dịch vụ thành phẩm. Từ một giờ sáng đổ đi, Hoa Đà Lạt về - từ cao nguyên kia bằng những chuyến xe tải trên đường 20. Nhịp sống đêm bỗng tưng bừng, đàn bà, đàn ông, xe cộ, tiếng người lao xao; người vác, kẻ khiêng, chất, sắp xếp... Người ta xuống hàng, tiếp nhận, phân loại, vào sổ sách, điều phối... Trên các thùng hoa đều đóng bằng carton đó bao giờ cũng ghi chủng loại hoa, số lượng cành, tên và số điện thoại người tiếp nhận.

Nhiều chiếc xe tải đó chỉ thấy tài xế và phụ xe, còn chủ của số hàng hoa đó chẳng thấy đâu. Hỏi ra thì “đầu nhận” ở chợ bảo là tất cả đã làm việc qua điện thoại ngày trước rồi, còn tiền chuyển khoản thanh toán qua ngân hàng. Xưa nay cả hai đầu đều bán - mua bằng niềm tin vậy đó. Đầu mua không phải đưa tiền trước mà bán xong hoa thì trả tiền, ít ngày sau đó, gối đầu hoặc dồn lại vài chuyến. “Sài Gòn” với “Đà Lạt” làm ăn dễ vậy đó, cứ như sự kết hợp của một cực năng động và chịu chơi vào một cực là thật thà và điềm nhiên. Và cảnh nhộn nhạo đó biến mất độ hai giờ sau, với hoa đã được chuyển đi bằng xe tải hạng nhẹ hơn để về các tỉnh thành khác cũng như hệ thống chợ nhỏ lẻ, các cửa hiệu hoa ở các quận huyện của thành phố này.

Đến lúc này thì các dãy phố trở về với sự bình thường, để hai tiếng sau đó nữa các căn hộ đó trở thành những cửa hiệu hoa lẻ như tôi thấy ban ngày ở các ngã tư, ngã ba ở các quận khác cách xa chợ hoa “trái tim” này. Hoa mà, mọi ứng xử với nó đều phải nhẹ nhàng, đặc biệt là nhanh gọn, “gả”, “cưới” ngay, không thì chết chắc, tàn đời hoa.

Nhờ hoa, Đà Lạt không bao giờ là... “tỉnh lẻ” 

Trong mắt người Sài Gòn, Thủ đô (Hà Nội) thì không tính rồi, mọi tỉnh thành đều là “tỉnh lẻ”, nhưng phải ngoại trừ “Đà Lạt” là bởi vậy, chính từ chất “Tây” (đô thị do Pháp kiến lập) và hoa. Bạn thử rà lại xem đi, chả có đứa bạn hay đối tác nào của bạn (nếu bạn đang sinh sống ở Đà Lạt) nói bạn là người ở “tỉnh”, hay xem thường bạn cả.

Về mặt tinh thần một xứ sở thì “Đà Lạt” nó cao đến ngọt ngào, cao ở giá trị của nó, chứ không phải ở cao trình địa lý 1.500m so với mặt biển. Hoa làm Đà Lạt kiêu sang sừng sững trong tâm thế tĩnh lặng của mình. Sài Gòn cần Đà Lạt như tay “anh chị” cần mỹ nhân. Sài Gòn sang bởi “ôm” được tinh túy Đà Lạt. Sài Gòn chỉ “đẳng cấp” khi có Đà Lạt “son phấn” vào sự hừng hực khí sống và dồi dào của cải kia. Một khía cạnh nào đó của “Hòn ngọc Viễn Đông” ấy phụ thuộc vào Đà Lạt.

Không phải ngẫu nhiên mà trong lịch sử một trăm hai mươi bảy năm hình thành của Đà Lạt, những bài hát hay nhất về Đà Lạt đều là của những người trôi dạt và rốt cuộc định cư ở Sài Gòn. Chắc không chỉ hoa, không gian Đà Lạt, đã cho họ cảm xúc cùng những kỷ niệm buồn vui nọ kia nhưng đều tốt lành.

Giả dụ nền trồng hoa Đà Lạt bỗng dưng “biến mất” thì Sài Gòn kia chắc chếnh choáng, sẽ chẳng biết ra sao nhỉ (!). Hoa Đà Lạt đã “đánh” gục trái tim người Sài Gòn. Chinh phục thị dân và thị trường của đô thị lớn nhất nước này thì dĩ nhiên sóng hấp lực của nó phủ ra khắp nước rồi. 

Giờ thì Hoa Đà Lạt đã không còn là hàng hóa, mà trở thành... văn hóa. Nó là tinh thần của Đà Lạt, là sứ giả của văn hóa Đà Lạt. Sự thật không thể chối cãi. Cảm cái lạnh của cao nguyên Langbiang thân thương, và đất Feralit, Bazan ngọt ngào đượm lành, cùng sự tần tảo của dân cày không dính gì đến “du lịch” ở ngoại ô xứ sở.

Mà hình như, không phải “nhờ hoa”, mà nhờ người Pháp buổi ấy đã khai sinh và xây dựng nên cái thành phố nghỉ dưỡng độc đáo sang cả diễm lệ trên cao nguyên lạnh lùi sâu vào lục địa và chỉ chừng hai mươi năm khi ra đời nó đã nổi tiếng - được quảng bá ra khắp thế giới với tư cách là một “Tiểu Paris”, một “ Xứ sở ngàn hoa”, một “Thiên đường du lịch ở miền Viễn đông”. Cái gì ở “Thiên đường” mà không xa xỉ, quí giá và dễ ăn theo sự nổi tiếng ấy, dù là chúm lá ngo (thông), cành hoa, hay củ cà rốt. 

“Bởi lắm thuở nhìn hoa như nhấm rượu/ Lịm sắc hương treo xác cũng vì hương” (Thi ca của Krajan Bri). 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm





Một trận mưa xối xả, ào ạt khiến không gian ở quê trở nên mát lành hơn bao giờ hết.

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất