, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 11/03/2024, 07:00

Điểm tin ngày 11/3: EVN được nới thẩm quyền tăng giá điện; Thủ tướng muốn New Zealand - Việt Nam hợp tác nghiên cứu nông sản

DIỄM QUỲNH
(Tổng hợp)
Điểm tin ngày 11/3: EVN được nới thẩm quyền tăng giá điện; Thủ tướng muốn New Zealand - Việt Nam hợp tác nghiên cứu nông sản; Sá sùng giá tới 7 triệu đồng/kg vẫn được săn đón...

Thủ tướng muốn New Zealand - Việt Nam hợp tác nghiên cứu nông sản

Sáng 10/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Trung tâm Nghiên cứu giống cây trồng và thực phẩm New Zealand (PFR), thành phố Auckland.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Khoa học và Công nghệ tại Trung tâm Nghiên cứu giống cây trồng và thực phẩm New Zealand (PFR), thành phố Auckland. Ảnh: VnExpress.

Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam cảm ơn tình cảm của New Zealand, dù khoảng cách xa xôi nhưng đã hỗ trợ Việt Nam trồng bơ, chanh leo, thanh long - những loại quả xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, được trồng nhiều ở những vùng khó khăn.

Theo Thủ tướng, hai nước đang thúc đẩy thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất và chế biến thực phẩm. Lĩnh vực nghiên cứu và sản xuất, xuất khẩu nông nghiệp, thực phẩm là trụ cột trong hợp tác kinh tế hai nước, dư địa lĩnh vực này còn rất rộng.

"New Zealand đất rộng người thưa, Việt Nam đất hẹp người đông, do đó hai nước có thể bổ sung cho nhau", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Hiện nay, khoảng 6.000 người Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm việc tại New Zealand. Con số này còn tăng lên khi quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư hai nước phát triển mạnh. Do đó, Thủ tướng mong muốn hai nước cùng nghiên cứu để tăng tốc các sản phẩm có tiềm năng, đột phá trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp.

Loại hải sản nhìn như giun, giá tới 7 triệu đồng/kg vẫn được săn đón

Những năm gần đây, do tình trạng đánh bắt quá mức và môi trường sống bị suy thoái, lượng sá sùng bị suy giảm mạnh. Vì thế, sá sùng được rao bán với giá khá đắt đỏ. Đây được coi là loại có giá khá cao so với mặt bằng chung của các loại hải sản.

Sá sùng có hình dạng giống như con giun đất. Ảnh: Dân Trí.

Một cân sá sùng tươi lên tới 300 - 650 nghìn đồng. Sá sùng khô hiện có giá 4 - 7 triệu đồng/kg, tuỳ loại.

Tuy giá cao, sá sùng vẫn được nhiều thực khách săn đón, tìm mua về thưởng thức. Đây là loài vật "nổi danh" trong danh sách ẩm thực ở các vùng của Việt Nam và Trung Quốc.

Ở Việt Nam, sá sùng được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau, tùy vùng miền: như trùn biển, sâm đất, đồn đột, địa sâm, giun biển, sâu đất... 

Sá sùng được tìm thấy ở nhiều vùng biển của Việt Nam như Cam Ranh (Khánh Hòa), Cần Giờ (TP.HCM). Nhưng nhiều nhất vẫn là ở khu vực Vân Đồn, Móng Cái (Quảng Ninh). Đây cũng là vùng có đặc sản sá sùng ngon nhất cả nước.

Tây Nguyên bước vào cao điểm mùa khô, đề nghị thủy điện xả nước

Huyện Krông Nô được xem là một trong những địa phương thường xuyên thiếu nước phục vụ sản xuất của tỉnh Đắk Nông.

Theo dự báo, mực nước tại các sông, suối, đập dâng trên suối Đắk Sôr của huyện Krông Nô như: đập dâng Thanh Sơn, Đắk Trung, Đắk Thành, Quảng Hà… phụ thuộc vào nguồn nước ngầm và chế độ xả của Nhà máy thủy điện Đắk Sôr 2. Do đó, hiện đập dâng Đắk Trung, Đắk Thành mực nước kiệt, không bảo đảm tưới đợt 3, đợt 4.

Hồ Vụ Bổn, huyện Krông Pắc hiện đã xuống dưới mực nước chết. Ảnh: Báo Nông Nghiệp Việt Nam.

Còn đối với hệ thống trạm bơm trên địa bàn huyện chủ yếu phụ thuộc vào mực nước trên sông Krông Nô và chế độ xả nước của Nhà máy Thủy điện Buôn Tua Srah, Nhà máy Thủy điện Cư Pông Krông.

Ông Đặng Văn Hiếu (ngụ xã Nâm N’đir, huyện Krông Nô) cho biết, vụ đông xuân gia đình có 2ha đất sản xuất. Trong đó, gia đình trồng 1ha bắp và diện tích còn lại trồng khoai lang.

Theo ông Hiếu, trong những ngày qua, mực nước dưới sông Krông Nô hạ thấp, gây thiếu nước tưới cho cây trồng. Mực nước hạ thấp là do thủy điện chỉ xả nước vào ban đêm. Để có nước vào ruộng gia đình phải thức đến 1 - 2 giờ sáng chạy máy bơm.

“Hiện nay địa phương bước vào thời điểm khô hạn, nếu không có nước cây trồng không thể phát triển, thậm chí chết héo. Do đó, chúng tôi mong chính quyền sớm có giải pháp để người dân có đủ nước tưới trong mùa khô này”, ông Hiếu chia sẻ.

EVN được nới thẩm quyền tăng giá điện

Tờ trình được Bộ Công Thương gửi Thủ tướng về dự thảo quyết định thay thế quyết định 24/2017 của Thủ tướng về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân đưa ra có nhiều điểm mới, sau khi lấy ý kiến các bộ ngành liên quan.

Ngoài phạm vi điều chỉnh tăng giá trong biên độ 5%, EVN cũng sẽ được thực hiện việc tăng giá điện ở mức trên 5% và 10% sau khi có sự đồng ý của Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ.

Cơ chế điều chỉnh giá điện mới có nhiều thay đổi so với quy định hiện hành. Báo Tuổi Trẻ TP.HCM

Đây là điểm mới so với trước, khi quyết định 24 chỉ cho EVN thẩm quyền tăng giá ở mức từ 3% đến 5%. Các mức tăng giá khác do các cấp trên quyết định và điều chỉnh tăng. Tuy nhiên, ở cơ chế lần này, sau khi các cấp (gồm Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ) quyết định tăng giá, thẩm quyền điều chỉnh sẽ giao về cho EVN thực hiện.

Công thức xác định giá bán lẻ điện bình quân được giữ nguyên, nhưng có điều chỉnh về phương pháp, giải thích từ ngữ để làm rõ, phù hợp hơn.

Đơn cử, quy định về tổng các chi phí khác chưa được tính vào giá điện, sẽ bao gồm cả chênh lệch tỉ giá đánh giá lại chưa được phân bổ vào giá thành sản xuất kinh doanh điện do Bộ Công Thương và Bộ Tài chính quyết định hằng năm. Đây là khoản chi phí được phép tính nhưng chưa được tính vào giá bán lẻ điện.

Trung Quốc chi 24,4 tỷ USD mua rau quả, Việt Nam nổi lên như ‘hiện tượng’

Dù là quốc gia xuất khẩu lớn, Trung Quốc vẫn chi 24,4 tỷ USD để nhập các loại rau quả trong năm ngoái. Theo đó, Việt Nam nổi lên như một hiện tượng xuất khẩu rau quả sang thị trường tỷ dân này.

Hiện, xe chở rau quả từ các tỉnh phía Nam vẫn ùn ùn lên cửa khẩu để làm thủ tục thông quan xuất khẩu sang Trung Quốc.

Bà Nguyễn Thị Hà, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật vùng VII (Bộ NN&PTNT), cho biết hiện xuất khẩu rau quả từ Việt Nam sang Trung Quốc qua các cửa khẩu đường bộ thuộc tỉnh Lạng Sơn nhiều nhất là thanh long, mít, xoài và sầu riêng. Lượng rau quả xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thống kê của Tổng cục Hải quan, hàng rau quả xuất khẩu sang thị trường tỷ dân này tiếp tục tăng mạnh trong tháng 1/2024, đạt 306 triệu USD, tăng 20,1% so với tháng 12/2023 và tăng 103,9% so với tháng 1 năm ngoái. 

Hoạt động xuất khẩu của ngành hàng rau quả có nhiều tín hiệu khả quan. Giá trị xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc chiếm 62,4% tổng kim ngạch ngành hàng này của nước ta.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Một trận mưa xối xả, ào ạt khiến không gian ở quê trở nên mát lành hơn bao giờ hết.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất