
Sau khi được một người bạn họ Phạm đãi bữa cơm trưa tại ngôi nhà thờ chi họ mà như bạn kể: Cư dân lập ra làng Nhân Lý đầu tiên là họ Kiều (có mặt tại đây vào khoảng thế kỷ X, trong đó có cụ Kiều Thúc Ngữ là tướng của nhà Đinh); sau đến các họ Lê, Lương, Phạm. Họ Phạm của bạn có 8 người được ghi danh trong Văn Miếu Quốc Tử Giám.
Theo số liệu tập hợp từ nguồn bia ký, gia phả tại địa phương, dòng họ Phạm của bạn có 8 vị đỗ đại khoa (đứng đầu làng Nhân Lý và toàn huyện Nam Sách), trong đó gia đình cụ Phạm Bá Khuê nối tiếp nhau qua các đời từ cha đến con rồi đến cháu, chắt đều đỗ đại khoa. Thói quen từ ngày làm báo, đến một nơi nào đó luôn thôi thúc tôi lang thang khám phá.

Theo chỉ tay của một bà già răng đen trỏm trẻm nhai trầu có nụ cười phúc hậu, tôi men theo con đường làng với bờ tường cũ loang lổ. Bên đường rì rào cau, xao xác xoan, những thảm lá vàng rụng, ngỡ như mùa thu còn vướng vít đâu đây, hiện lên là những mái vòm cong vút, mái ngói đỏ au óng theo thời gian.
Đình Nhân Lý đó, nhìn từ bên ngoài như một bức tranh cổ nguyên sơ phác họa trong một trưa heo may đầy lá và điểm xuyết những cánh hoa mùa xuân.

_high.jpg)
Theo sử sách ghi lại, Đình Nhân Lý (thuộc thị trấn Nam Sách) có lối kiến trúc được xếp vào loại điển hình của thế kỷ XVII. Đình thờ Thành hoàng Đào Tuấn Lương, có công phù Lý Nam Đế, đánh giặc Lương vào thế kỷ VI. Đình Nhân Lý là một ngôi đình lớn và điêu khắc của đình vào loại điển hình của đất nước ở thế kỷ XVII còn đến ngày nay.
Theo truyền thống người Việt, đình là nơi thờ cúng thành hoàng làng, là nơi các chức sắc họp bàn việc làng, tổ chức cúng tế trong những kỳ lễ hội. Với giá trị đó, đình làng giữ vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt và trở thành những công trình kiến trúc đặc sắc.

Bề ngoài đình Nhân Lý khá giống các ngôi đình truyền thống khác ở Việt Nam. Tuy nhiên, mỗi cấu trúc, chi tiết ở ngôi đình đều là sự sáng tạo, tác phẩm nghệ thuật của chạm khắc, tạo hình. Mái đình xòe rộng lan xuống thấp đặc trưng của đình truyền thống Việt Nam, tạo ra vẻ bề thế, vững chãi, các đầu đao vút cong làm toàn bộ ngôi đình nhẹ nhàng, thanh thoát như muốn bay lên.
Mái lợp ngói ta, bờ nóc gắn hai hàng gạch, tường rộng và dày. Trong đình có sàn gỗ, chia làm 3 lớp để phân ngôi thứ vào những ngày việc làng thuở trước. Gian giữa có gian thờ, có cửa võng chạm trổ công phu hình hoa lá, rồng phượng…
_high.jpg)
Các cột đình có đường kính ước chừng từ 50 - 60cm. Theo hồ sơ, đình Nhân Lý được dựng thời Lê. Dài 22m, rộng 12,4m, là một công trình bề thế bốn mái cong, cột to và thấp, điển hình của kiến trúc thời Lê. Phần hậu cung cũng giữ được hầu hết các chi tiết chạm khắc ở thời Lê, thế kỷ XVII - XVIII, kể cả long đình, cửa võng và bản mục lục khắc trên gỗ. Toàn bộ nền hậu cung được lát bằng gỗ. Phần kỳ thú nhất ở ngôi đình chính là các họa tiết được chạm nổi, nhiều lớp. Những phù điêu bằng đất nung, nay phần lớn đã thất lạc.

Theo các nhà nghiên cứu, các hình chạm trang trí được nghệ nhân dựng đình Nhân Lý bố trí hết sức cầu kỳ và tinh xảo với những mảng chạm nông, bố cục đăng đối xen với kỹ thuật chạm “lộng”, chạm “kênh” tạo ra những hình khối phong phú tương quan về khoảng cách và ánh sáng rất hợp lý. Phía không gian sân đình là những cây đa, cây si qua hàng trăm năm sừng sững hiên ngang giữa đất trời.

Năm 1989 đình bị xuống cấp nặng, sập 1/3 mái, nhân dân góp tiền trùng tu, tôn tạo nhưng vẫn giữ tối đa về màu sắc nguyên bản của đình.
Tôi nhẩn nha trong khuôn viên sân đình, gió lộng. Từng đám lá bay rơi lạo xạo dưới chân. Tôi ngồi trên đám lá khô, quan sát người phụ nữ trông coi đình đang tưới những cây cổ và những chậu cây cảnh trên sân. Lúc sau có một đoàn khách là những người con của đất Nam Sách - Hải Dương này đi làm ăn xa về cùng đến thắp nhang trong đình. Khói nhang lả lướt trong không gian. Trên khuôn mặt họ sự bình an lan tỏa.
Có lẽ nơi đây không chỉ là nơi lưu giữ các giá trị về văn hóa lịch sử mà còn là nơi tâm linh, nơi cho con người ta niềm tin được bảo vệ và được hạnh phúc.
