, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 13/07/2023, 15:00

Đồng Tháp và những chuyện 102

NGUYỄN VĂN MỸ
(Chủ tịch Lửa Việt Tour)
Mấy bữa nay, dân mạng xôn xao và tò mò việc Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan mua cây vải thiều ở xã Quý Sơn (Lục Ngạn, Bắc Giang) vào ngày 7/6. Nhiều người tưởng Bộ trưởng mua rồi bứng nguyên cây về. Thật ra câu chuyện khởi nguồn từ “Cây xoài nhà tôi” - cách làm nông nghiệp rất Đồng Tháp ở huyện Cao Lãnh. Cũng xin nói rõ tiêu đề, chuyện “102” là chuyện “một không hai”, chưa đâu có.
Đặc sản xoài Cao Lãnh.

Cuối năm 2014, Bí thư Đồng Tháp Lê Minh Hoan lên TP.HCM giới thiệu dự án “Đưa sen lên phố”. Tôi đến dự và tặng anh 2 tập sách Ngày đàng sàng khôn (Dọc đường đất nước, Thế giới lạ mà quen). Anh nhận, cười cám ơn và bảo “Tôi đã mua và đọc trên máy bay rồi”. Tôi bất ngờ vì sách vừa in cuối 2014, chưa quảng cáo nên rất muốn tiếp cận với anh.

Đầu năm 2016, sau mấy lần ráp nối, tôi và một người bạn hẹn gặp anh để trao đổi vài việc du lịch vào cuối giờ. Anh tiếp chúng tôi tại phòng khách Tỉnh ủy. Đang hào hứng giới thiệu chưa được mươi phút, anh xin lỗi; gọi điện cho các trưởng ban, giám đốc Sở qua, rồi cùng nhau lên hội trường trao đổi. Cuộc hẹn 15 phút kéo dài 2 giờ, bên nào cũng thú vị.

Về phòng khách sạn, mở máy đã thấy anh gởi email: “Các anh đã làm thay đổi cách nghĩ của tôi về du lịch”. Chúng tôi được mời giới thiệu về du lịch cộng đồng nông nghiệp với BCH Tỉnh ủy, lãnh đạo các Sở, ban, ngành cả ngày do Bí thư và Chủ tịch chủ trì; sau tỉnh, lần lượt là các huyện, thị, nhằm thay đổi nhận thức về du lịch và du lịch cộng đồng.

Vừa họp Quốc hội xong, anh cùng đoàn cán bộ Đồng Tháp, tốc hành trong đêm đi thực địa và kiểm chứng các mô hình chuyên gia giới thiệu. Ngoài Bí thư, còn có Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND, các ban ngành, Sở, Phát thanh Truyền hình, các doanh nghiệp, hộ dân... Tất cả hòa đồng, trải nghiệm các dịch vụ, gặp gỡ trao đổi với chủ nhân các mô hình điển hình như homestay Minh Thơ (Mai Hịch, Mai Châu, Hòa Bình); homestay A Chu (Hua Tạt, Vân Hồ, Sơn La); Puluong retreat (Bá Thước, Thanh Hóa)…

Lần nào về Đồng Tháp cũng có nhiều ngỡ ngàng vì những chuyện “102” bất ngờ, chưa đâu có. Nhiều nhất là chuyện 102 về nông nghiệp. Đó là mô hình hội quán, nông dân tự nguyện hợp tác, giúp nhau sản xuất, kinh doanh; kết nối với chính quyền địa phương về chính sách; liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm.

Phương châm hoạt động các hội quán là 3 KHÔNG: Không bộ máy - không ngân sách - không cơ sở vật chất. 3 TỰ: Tự nguyện - Tự quản – Tự chịu trách nhiệm. 3 CÙNG: Cùng nghĩ - Cùng làm - Cùng thụ hưởng theo mô hình tam giác đều: Hợp tác – Liên kết – Thị trường. Tính hiệu quả được thể hiện qua sức sống và phát triển không ngừng

Các hội quán góp phần thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, hình thành những mô hình kinh tế nông nghiệp thành công, thúc đẩy loại hình hợp tác mới ngày càng hiệu quả, nâng cao đời sống và tinh thần nông dân, xây dựng Nông thôn mới… Dù hoạt động của các hội quán còn một số hạn chế nhưng đã xuất hiện nhiều cách làm sáng tạo, mang tính đột phá.

Nông dân trao đổi thực tế ở Hội quán Minh Tân - Mỹ Hội - Cao Lãnh.

Mô hình “Cây xoài nhà tôi” là một trong những điển hình cách làm mới của các hội quán. Người mua trả tiền trước, sở hữu các cây xoài thuộc giống đặc hữu, chất lượng theo thời gian nhất định (tính theo mùa). Người bán có nhiệm vụ chăm sóc, có nhật ký clip để chủ nhân giám sát. Chủ nhân có thể lên vườn tự hái quả hoặc nhờ người bán hái, chuyển tận nhà. Nếu thu hoạch dưới 70% năng suất trung bình, người bán sẽ bù lỗ. Nếu trên 100%, người mua hưởng trọn.

Từ cây xoài, mô hình đã mở rộng sang cây cam, sầu riêng, bưởi, dừa… ở một số địa phương khác. Việc Bộ trưởng Lê Minh Hoan mua cây vải thiều ở Lục Ngạn là minh chứng sự lan tỏa. Cách làm này giúp nông dân chủ động nguồn vốn đầu tư, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm hiệu quả, người tiêu dùng được tiếp cận và sử dụng nông sản tươi sạch, chất lượng, an toàn.

Thừa thắng xông lên, Đồng Tháp tiếp tục tiên phong các mô hình “Ruộng nhà mình”, “Ruộng thông minh”, “Cánh đồng thông minh”, “Làng thông minh”… Từng bước chủ động tiếp cận và sử dụng trang thiết bị hiện đại, công nghệ tự động, chuyển đổi số trong kỹ thuật canh tác, quản lý, PR và tiêu thụ sản phẩm. Hình thành tầng lớp “nông dân @” năng động, bản lĩnh, làm chủ công nghệ.

Đồng Tháp là tỉnh duy nhất lãnh đạo đi làm bằng xe gắn máy, thân thiện, cầu thị và gần gũi người dân như trong nhà. Tôi đã cùng Chủ tịch tỉnh Nguyễn Văn Dương (hiện đã nghỉ hưu) xuống tận nhà dân ở Sa Đéc, ăn cơm gia đình, trò chuyện và vận động họ làm du lịch. Ngày nghỉ, Chủ tịch tỉnh Phạm Thiện Nghĩa và các lãnh đạo vẫn đi xe gắn máy lên văn phòng làm việc với chuyên gia tư vấn.

Cà phê Doanh nhân – Doanh nghiệp từ Đồng Tháp đang lan tỏa đến nhiều địa phương. Mọi người quen gọi là “Cà phê Chủ tịch” vì Chủ tịch tiếp và chi trả tiền. Quán không ngừng được nâng chất, trở thành điểm check – in không đụng hàng của người dân và du khách gần xa, nhất là các dịp Tết, lễ. Từ 6g40 – 7g30, doanh nhân và người dân vào gặp, đề đạt ý kiến; nghe lãnh đạo tỉnh chỉ đạo, tháo gỡ vướng mắc và giải quyết tại quán. Nếu đăng ký trước, có thể tham quan quán trong giờ làm việc. Tỉnh này cũng đang tích cực khởi động tour tham quan công sở đầu tiên trên cả nước.

Quán Cà phê doanh nhân còn gọi là Cà phê Chủ tịch.
Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Một trận mưa xối xả, ào ạt khiến không gian ở quê trở nên mát lành hơn bao giờ hết.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất