, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 22/01/2024, 19:22

Giật mình giữa... Kiến Tường

NGỌC PHƯƠNG
Nhiều năm trước, trong những chuyến đi cùng chương trình Cầu nông thôn của Tạp chí Nông thôn Việt, tôi “gặp” một thị xã Kiến Tường (Long An) bình yên, trầm lặng và có phần xao xác. Không lạ khi Kiến Tường được xem là “vùng trũng” Đồng Tháp Mười. “Trũng” không chỉ về vị trí địa lý, mà còn cả về kinh tế, giáo dục và mức sống của người dân. Vậy mà, lần này về Kiến Tường, đứng giữa một ngôi trường mới xây không lâu, tôi đã có cái nhìn rất khác về “vùng trũng” này.

Ngôi trường chất lượng cao đầu tiên

Chiếc xe khách đưa tôi từ TP.HCM về Kiến Tường trên Quốc Lộ 62. Gần trưa, trời nắng chang dù đã bước sang những ngày cuối cùng của năm 2023. Lúa vừa thu hoạch, bên đường nhà cửa xen lẫn ruộng đồng. Những ao tôm lấp lóa cái oi ả của miền biên giới. Lộ thưa người, những chiếc xe lặng lẽ lướt qua nhau. Tôi thầm nghĩ vùng quê sao lúp xúp và buồn bã quá, cho tới khi chiếc xe chạy ngang một công trình quy mô ấn tượng, đối lập hẳn với khung cảnh xung quanh, khiến tôi phải ngoái nhìn và… giật thót khi nhận ra đây là đích đến của mình, trường THPT Thiên Hộ Dương.

Toàn cảnh ngôi trường THPT Thiên Hộ Dương.

Trường THPT Thiên Hộ Dương khánh thành từ tháng 11/2021, là ngôi trường chất lượng cao đầu tiên của khu vực Đồng Tháp Mười, tỉnh Long An. Kinh phí xây dựng trường trên 130 tỷ đồng, trong đó khoảng 90 tỷ đồng được Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vận động từ nguồn vốn xã hội hóa.

Trường xây dựng trên khu đất 3,3ha, với 2 tầng, 22 phòng học, 4 phòng thí nghiệm, phòng lưu trữ, thư viện, nhà thi đấu đa năng, hồ bơi, sân bóng đá… theo tiêu chuẩn quốc gia. Hiện có khoảng 700 học sinh đang theo học ở đây với ba khối lớp, được chia thành hệ thường và hệ chất lượng cao.

Trước khi có trường Thiên Hộ Dương, TX Kiến Tường chỉ có duy nhất một trường THPT là trường THPT Kiến Tường. Học sinh ở Kiến Tường, Bình Tân, Bình Hiệp, Thạnh Trị… muốn học hệ chất lượng cao phải tìm đến trọ học tại các trường ở TP. Tân An, hoặc trường THPT chuyên Long An. Cả một khu vực rộng lớn bị bỏ trống nhu cầu giáo dục tư thục, giáo dục chất lượng cao.

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh trống khai giảng năm học mới.

Cô Nguyễn Thị Phương Mai có nhà ở Kiến Tường, nhưng phải ở trọ khu tập thể giáo viên nhiều năm để đi dạy ở tận huyện Tân Hưng. Bấy giờ, khi đã được về gần nhà, làm giáo viên dạy tiếng Anh của trường Thiên Hộ Dương, cô nhớ lại: “Suốt thời gian dài đi dạy xa xôi, nhiều lúc tôi cũng chạnh lòng vì không biết bao giờ mới có cơ hội về dạy gần nhà”. Chuyện đi dạy của cô Mai giờ đã khác, trường gần nhà, khang trang, hiện đại. “Thậm chí mỗi ngày còn không phải mang chiếc cassette to đến lớp, mà chỉ cần cầm điện thoại để kết nối với TV, máy tính trong phòng học. Dạy xong lại được về bên gia đình”, cô Mai không giấu vẻ mãn nguyện.

Đi một vòng hết các dãy phòng học, các khu chức năng trong trường mà… mỏi chân. Trường mang dáng dấp của trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM nhưng có phần bề thế hơn. Hành lang và lớp học rộng rãi, trần cao, phóng tầm nhìn thoáng đãng ra những dãy tràm xanh um ngoài cửa sổ. Hình ảnh đó nhắc tôi rằng, tôi đang ở giữa Đồng Tháp Mười chứ không phải một ngôi trường ở thành phố lớn nào khác.

Đáp lại thắc mắc của tôi về những cái cây vươn cao nhưng khẳng khiu trong khuôn viên, cô Nguyễn Thị Thanh Xuân, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết đó là những cây sao vừa mới được trồng. “Trường còn mới nên vẫn đang trồng thêm nhiều cây, năm sau em về thăm, chắc chắn sẽ thấy trường xanh và đẹp hơn nữa”, cô Xuân nói.

Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được phát biểu tại lễ khánh thành trường.

Giáo dục bằng tấm lòng rộng mở

Thấy tôi đi cùng cô Hiệu Phó, các bạn học sinh ùa ra chào, tranh nhau giới thiệu những góc lớp mà các bạn tự tay “thiết kế”. Có lớp thì có cây xanh, có lớp có một đàn hạc giấy treo cửa sổ, có lớp để hẳn một chiếc kệ cao tầng trưng bày bằng khen và hình ảnh thầy cô, và một lớp khác còn bày luôn một… cây thông Noel. “Trường giao cho mỗi lớp một phòng học cố định, các bạn có trách nhiệm giữ vệ sinh và thoải mái sáng tạo không gian lớp học. Trường lớp khang trang, lớp học còn có cá tính riêng, nên các bạn có ý thức gìn giữ và làm đẹp như thể đây là ngôi nhà thứ hai của mình, thậm chí đồ dùng cá nhân các bạn cũng để lại trên lớp”, cô Xuân nói.

Một điều thú vị ở trường Thiên Hộ Dương là học sinh rất dạn dĩ, tác phong văn minh, chuyện trò thoải mái, tự tin với cả giáo viên và khách. Khi tôi bày tỏ suy nghĩ này, cô Xuân cười: “Học sinh bây giờ không răm rắp nghe lời thầy cô như xưa đâu. Các bạn có thế giới quan riêng, có chính kiến. Nhà trường rất ủng hộ điều này và cố gắng tạo mọi điều kiện cho các em phát triển các kỹ năng mềm, óc sáng tạo, suy nghĩ độc lập thông qua các hoạt động ngoại khóa, thể thao, hướng nghiệp, tư vấn tâm lý”.

“Tư vấn tâm lý?” – nghe tôi ngạc nhiên hỏi lại, cô Xuân khẳng định hàng năm nhà trường đều cử giáo viên đi học khóa tâm lý để thấu hiểu học sinh. Trường cũng có bàn tư vấn tâm lý đặt ở phòng y tế để lắng nghe và gỡ rối những vướng mắc của các em. 

Những tiện nghi về cả vật chất lẫn tinh thần nọ thật lạ ở một ngôi trường cấp ba nơi biên giới. Rõ ràng, sự cởi mở của người làm giáo dục hiện đại đã xóa nhòa khoảng cách địa lý, xóa luôn những cách biệt tưởng chừng bất di bất dịch của “dịch vụ” nói chung ở phố thị và biên giới

Từ lúc thành lập, trường Thiên Hộ Dương đã có một quỹ học bổng để chuẩn bị nâng bước cho các em có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó học giỏi. Quỹ học bỗng vẫn phát triển suốt thời gian qua nhờ vào sự đóng góp và kêu gọi của giáo viên, phụ huynh và những nhà hảo tâm quan tâm đến giáo dục. Nhiều học sinh được miễn giảm học phí, nhận học bổng từ nguồn quỹ này. “Chúng tôi cố gắng hỗ trợ các em đi học bằng mọi cách, làm sao để không em nào phải bỏ học giữa chừng vì lý do kinh tế”, cô Xuân nói.

Năm 2023, trường Thiên Hộ Dương đã khẳng định chất lượng dạy và học khi có 100% học sinh đậu tốt nghiệp THPT, nhiều em trúng tuyển vào các trường đại học tên tuổi như trường ĐH Bách Khoa, Kinh Tế, ĐHQG TP.HCM…

Động lực quan trọng cho giáo dục địa phương

Theo ông Nguyễn Văn Vũ, Chủ tịch UBND thị xã Kiến Tường, trường THPT Thiên Hộ Dương là điển hình của xã hội hóa giáo dục ở địa phương. Với vốn đầu tư lớn, trường được xây dựng khang trang, góp phần giải quyết nhu cầu học tập chất lượng cao của các em học sinh khắp khu vực Đồng Tháp Mười.

Hiện nay TX Kiến Tường huy động vốn xã hội hóa giáo dục qua nhiều nguồn, thông qua các phương tiện truyền thông, hội khuyến học, hội phụ huynh các trường… Đặc biệt, công tác xã hội hóa giáo dục của thị xã có sự hỗ trợ kêu gọi của các vị nguyên lãnh đạo như Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Nguyên Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình… 

“Nguồn vốn xã hội hóa là động lực quan trọng, góp phần xây trường học, trang bị cơ sở vật chất cho các trường, cấp học bổng cho các học sinh nghèo vượt khó hoặc hỗ trợ đỡ đầu các em học hết phổ thông, đại học… nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo ở địa phương”, ông Nguyễn Văn Vũ nói thêm.

Tháng 10/2023, Thị xã Kiến Tường đã được công nhận là đô thị loại III. Cơ hội phát triển đã có. Và giáo dục vẫn là một trong những con đường căn cơ nhất để đổi thay một vùng đất…

****

Tùng tùng tùng… 

Tiếng trống trường như đánh thức mùa xuân về trên vùng đất đang trở mình “thoát trũng” từng ngày. Tôi có lời hứa quay lại thăm trường vào ngày những cây sao xòe tán, và hoa phượng nở rợp sân. Có lẽ khi đó Kiến Tường sẽ làm tôi giật mình thêm lần nữa. 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Ở TP Hội An (tỉnh Quảng Nam), mỗi mùa đều có nét đẹp riêng. Những ngày này, đi dọc các cung đường dẫn vào phố cổ, sẽ bắt gặp những đồng lúa bạt ngàn màu vàng ruộm. Lúa ở Hội An không chỉ là sinh kế mà còn là không gian du lịch tuyệt vời.
Nổi bật
Được quan tâm


Nền thẩm mỹ bản địa đã mách bảo kiến trúc sư tặng một “link” bay bổng cho chủ nhà, mà nhìn qua, chỉ còn cách thốt lên hai chữ bồng bềnh.




Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất