, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 01/02/2022, 09:00

Người Dao và tục thờ tranh, dạy chữ

NHẬT THANH
Theo giới thiệu của chính quyền địa phương, tôi tìm gặp ông Lý Hữu Vượng ở thôn Giàng Cài thuộc xã Nậm Lành huyện Văn Chấn (Yên Bái). Ông là một trong những người hiếm hoi đọc thông viết thạo chữ của người Dao. Biết tôi là người Kinh nhưng lại muốn tìm hiểu về văn hóa dân tộc Dao, bây giờ ông Vượng tỏ vẻ ngạc nhiên. Bởi theo ông, chính con cháu người Dao trong bản còn thờ ơ với văn hóa của dân tộc mình…
Ông Vượng đang vẽ tranh thờ truyền thống của tộc người Dao.

Dạy chữ ngày Tết

“Tổ tiên của người Dao xưa đã biết sử dụng chữ viết để ghi chép lại các văn tự quan trọng như chia tài sản của bố mẹ cho con cháu, văn tự mua bán ruộng nương, nhận con nuôi, gia phả trong dòng họ... Đặc biệt, chữ viết của người Dao còn được dùng phổ biến trong các lễ hội như Lễ cấp sắc, Tết nhảy và tục treo tranh”, ông Vượng chia sẻ. Chữ của người Dao thuở ban đầu có nguồn gốc từ chữ Hán. Lâu dần, người Dao đã biến đổi chữ Hán thành chữ viết riêng của mình.

Để duy trì chữ viết, hàng năm, vào dịp Tết Nguyên đán, cùng với việc chuẩn bị lương thực, thực phẩm, các gia đình người Dao thường tổ chức truyền dạy chữ cho con cháu. Người học chủ yếu là con trai vì theo quan niệm của người Dao, đàn ông con trai mới học chữ để còn làm thầy, con gái chỉ học thêu thùa, may vá. Các buổi truyền dạy chữ cũng là dịp để người Dao tuyên dương việc học và dạy con trẻ các lễ nghĩa, học nghề và học cách làm người.

Tuy nhiên, theo ông Vượng, dù người Dao vẫn lưu truyền và sử dụng chữ viết song lớp trẻ người Dao hiện không quan tâm nhiều đến việc này. Hiện số người biết đọc, biết viết chữ Dao còn rất ít và tập trung chủ yếu vào số các thầy mo, thầy cúng và một số cụ cao tuổi trong dòng họ.

Tục thờ tranh

Nhà của ông Vượng - ngôi nhà lợp mái thông đặc trưng của người Dao Tây Bắc, phơi rất nhiều tranh ngoài hành lang. Không chỉ đọc thông viết thạo chữ của người Dao, ông còn là nghệ nhân cuối cùng vẽ được tranh thờ của người Dao.

Theo phong tục, mỗi gia đình người Dao đều thờ tranh. Khi con cháu ra ở riêng và làm nhà mới, người chủ gia đình đều phải nhờ thầy vẽ tranh mới. Có thờ tranh, vua và các thần mới phù hộ, che chở cho gia đình có cuộc sống bình an và làm ăn phát đạt, con cháu không bị ốm đau. Những bức tranh này mang nội dung, hình thức và kích thước riêng biệt tùy thuộc vào hoàn cảnh của từng gia chủ.

Trẻ em người Dao học khâu vá trong ngày Tết.

Năm 1988, thấy người vẽ được tranh thờ ngày càng ít, ông Vượng mang 9 đồng 9 hào và 2 hào gạo làm lễ học thầy để có thể học vẽ nhằm giữ lại phong tục của tổ tiên. Ông cho là mình được thần linh phù hộ nên học tới đâu nhớ tới đó, nét vẽ cũng có hồn làm bức tranh sống động. Năm đầu tiên ra nghề, nhiều người đặt nên ông ở lỳ trong phòng vẽ liền 7 tháng được 2 bộ tranh, mỗi bộ 17 tờ. Ông Vượng kể, để có một bức tranh thờ, người chủ gia đình phải mang lễ đến nhà thầy cúng nhờ xem giúp tuổi của mình hợp với ngày nào trong tháng. Khi thầy chọn được ngày, gia chủ tiến hành cúng lễ xin vẽ và khi tranh vẽ xong, gia chủ cũng phải cúng lễ để “rửa mặt”, “mở mắt” cho tranh. Tùy thuộc vào kinh tế và tấm lòng của gia chủ mà lợn, gà cúng lễ to hay bé.

Cuối cùng là thủ tục treo tranh mới. Mâm lễ cúng treo tranh mới (còn gọi là lễ khai quang) gồm một chén nước lã, một bát hương, 5 chén rượu trắng... Tất cả các thủ tục, từ mổ lợn đến cúng và treo tranh của người Dao đều diễn ra trong đêm. Mặt trời lên là lúc gia đình hạ cỗ và nấu nướng cho bữa tiệc mừng tranh mới. Lúc này bạn bè và bà con trong bản mới đến chúc mừng và chúc phúc cho gia chủ.

Dẫn tôi đến gian làm tranh thờ, ông Vượng cẩn thận vuốt từng bức tranh một cách nâng niu, trân trọng. Tranh thờ của người Dao thường được lưu giữ qua nhiều đời, nên rất coi trọng chất liệu giấy. Giấy vẽ tranh là giấy dó, loại giấy thường được các làng tranh nổi tiếng như Đông Hồ sử dụng do đặc tính xốp nhẹ, dai và không nhòe khi viết vẽ, ít bị mối mọt, ẩm mốc. Trước kia người Dao tự làm giấy dó chứ không ra chợ mua về như hiện nay.

Chỉ tay vào bức tranh thờ còn chưa khô nét mực, ông Vượng cho biết nội dung tranh thờ tùy thuộc vào gia chủ. Vì vậy, tranh thờ của người Dao mỗi nhà, mỗi dòng họ có một sắc thái riêng. Mỗi bức tranh vẽ vua hoặc các vị thần như Ngọc Thanh (Tồ tác, thần coi giữ bầu trời), thần Thượng Thanh (Lềnh pú, thần coi giữ mặt đất), thần Thái Thanh (Lềnh sị, thần coi giữ âm phủ)… người Dao đều có những ký tự vẽ riêng. Vị thần nào có quyền năng lớn sẽ được vẽ to, chiếm vị trí trung tâm. Các thần ít quyền năng hơn sẽ được vẽ đơn giản hơn, kích thước nhỏ hơn.

Độc đáo Lễ cấp sắc

Từ khi biết vẽ tranh thì ông Vượng cũng biết làm thầy Mo. Với người Dao, đời người có hai lần cúng quan trọng, đó là Lễ cấp sắc (Lễ trưởng thành) và lễ cúng ma khi lập gia đình để gia đình mạnh khỏe, gia súc sinh sôi.

Lễ cấp sắc của người Dao.

Thông thường, người Dao tổ chức Lễ cấp sắc vào dịp mùa xuân, khi mọi công việc đồng áng, nương rẫy đã hoàn tất. Truyền thuyết của người Dao kể rằng thuở xưa, tổ tiên người Dao đang sinh sống yên ổn bỗng bị ma quỷ quấy phá, giết hại. Để giúp dân, Ngọc Hoàng cho các vị thần xuống trần truyền phép (Cấp sắc) để những người đàn ông làm chủ gia đình có thể tiêu diệt ma quỷ bảo vệ gia đình, bảo vệ buôn làng. Lễ cấp sắc ra đời và lưu truyền đến tận ngày nay.

Ông Bàn Thừa Chiêu, Phó Bí thư Đảng ủy xã Nậm Lành, cho biết trong cộng đồng người Dao, một người trưởng thành nhất thiết phải có 3 người dạy dỗ. Thứ nhất là bố mẹ sinh ra mình, dạy cho biết đi, biết nói, biết cách làm ăn, biết tôn trọng ông, bà, cha, mẹ. Thứ hai là thầy giáo dạy chữ, dạy cho biết đọc, biết viết, biết giao tiếp xã hội. Thứ ba là thầy Mo cấp sắc để các trò trưởng thành. Thanh niên Dao khi đến tuổi mà chưa được cấp sắc sẽ thấy thiệt thòi vì không được tham gia những công việc lớn trong gia đình, dòng họ…

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm




Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1


Một trong những đặc trưng của mô hình kinh tế tuần hoàn là giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đây là đặc trưng quan trọng góp phần giúp nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất