, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 08/01/2024, 08:00

Những bóng hồng làm nghề chẻ đá

Chẻ đá vốn là nghề cực nhọc, thấm đẫm mồ hôi, kể cả với phái mạnh. Vậy mà nhiều phụ nữ ở xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang vẫn theo nghề vì miếng cơm manh áo, mưu sinh cho gia đình.
Chẻ đá vốn là nghề cực nhọc.

Dưới cái nắng gay gắt, chị Hồ Mai Thảo, ngụ xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang vẫn miệt mài cắt, chẻ đá, thao tác chẳng thua kém đấng mày râu. Ngày trước có chồng đảm đương việc cắt đá, người phụ nữ quê Hòn Đất này chỉ phụ trách khiêng đá. Từ ngày không còn chồng bên cạnh, chị buộc phải ôm máy cắt, tự làm hết các công đoạn. Sự thuần thục trong từng động tác cưa cắt, được rèn dũa không chỉ bằng kỹ năng mà là cả ý chí, nỗ lực không ngừng.

Sử dụng máy móc để cắt đá.

Chị Thảo kể: “Ban đầu thì coi người ta cưa rồi mình tập từ từ, sau đó thì cầm máy cưa. Cũng uể oải mệt mỏi vì mình là phụ nữ, làm nặng quá về bị nhức mình. Lỡ mà máy cưa bể, lưỡi cưa nó sốc văng vô người là đứt mình mẩy, cho nên phải làm chậm chậm từ từ, cưa xong buông ra đóng nẹp xoắn chậm rãi thôi, máy móc mà, với điện đồ không, đâu có dám làm nhanh”.

Gia cảnh khó khăn, lại đang nuôi hai con đang tuổi đến trường, chị Thảo không bỏ bữa làm nào, kể cả những hôm ốm đau, mỏi mệt. Các con chính là động lực để chị bước tiếp. Mỗi tháng, chị kiếm được tầm 5 - 6 triệu đồng - thu nhập không cao nhưng ổn định.

Làm nghề chẻ đá mỗi tháng kiếm được tầm 5 - 6 triệu đồng.

Nếu như nghề chẻ đá với chị Thảo là cơm áo của gia đình, thì với bà Trần Thị Cẩm Hân, ngụ xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang là công việc quen thuộc không thể bỏ. Bà Hân mang theo nghề chẻ đá từ huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang sang huyện Hòn Đất hơn 10 năm trước. Công việc cực nhọc chỉ đủ gia đình ba người có bữa ăn qua ngày. Hai năm trước, bà trúng số độc đắc bỗng dưng thành tỷ phú chỉ sau một đêm. Dù vậy, bà vẫn giữ nghề, yêu lao động dẫu nhọc nhằn, gian khó.

Với nhiều người, chẻ đá đã trở thành công việc quen thuộc, không thể bỏ.

Bà Hân chia sẻ:  “Sáng 7h làm tới 12h nghỉ, chiều  1h làm tới 5 - 6h nghỉ. Mình mần ăn sản phẩm, mần nhiều ăn nhiều. Nghề cực, nhưng mần quen rồi, mần tới chừng nào già không mần nổi nữa mới thôi.

Ba năm trước, nghề chẻ đá ở xã Thổ Sơn được công nhận là nghề truyền thống của tỉnh. Làng nghề hình thành từ những năm 1960, thời cực thịnh có hàng nghìn người theo nghề. Từ những khối đá to, người thợ chẻ ra thành những cây đá nhỏ, dài từ 1 - 4m. Nói thì đơn giản song phải qua nhiều công đoạn, đòi hỏi sự hợp tác cùng nhau, tính toán chính xác, cẩn thận.

Nghề chẻ đá cũng có nhiều rủi ro, nguy hiểm đến tính mạng.

Ông Nguyễn Văn Trường - Phó Chủ tịch UBND xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang cho biết: “Nghề chẻ đá đã có từ xa xưa. Trước đây bà con chẻ thủ công, hiện nay sử dụng máy cắt. Tuy đem lại thu nhập tương đối cao nhưng đổi lại tỉ lệ rủi ro, bệnh tật, miếng đá văng nguy hiểm cho tính mạng cũng tương đối lớn”. 

Cũng theo ông Trường, hiện địa phương cũng tổ chức nhiều lớp dạy nghề, kêu gọi công ty doanh nghiệp về địa phương tổ chức sản xuất để người dân tham gia chuyển đổi ngành nghề nếu có nhu cầu.

Bụi mịt mù, tiếng ồn đinh tai nhức óc; hiểm nguy từ điện, máy cắt là những mối lo mà người thợ chẻ đá đối diện mỗi ngày. Thế nhưng, với người thợ chẻ đá, phía sau những nhọc nhằn còn là niềm vui - vui vì còn có công việc đem lại thu nhập mỗi ngày trong thời buổi khó khăn.

(Bài do Tạp chí điện tử Nông thôn Việt phối hợp cùng Truyền hình báo Tuổi Trẻ thực hiện)

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất