1.
Bố chưa bao giờ nói rằng: “Bố yêu các con”. Bố chẳng quen nói những lời ngọt ngào như vậy, nhưng tình thương yêu của bố giành cho chị em tôi là vô bờ bến. Tôi cảm nhận được điều đó qua những giọt mồ hôi mằn chát làm cay xè mắt bố mỗi khi bố đi làm đồng về, qua cả nụ cười của bố khi thấy các con lớn khôn từng ngày.
Tôi vẫn nhớ như in ngày ấy, bố mẹ đi làm, tôi và các em ở nhà trông nhau. Chị em tôi cầm theo giỏ tre, bì bõm lội ra mấy thửa ruộng chưa cấy ngoài đìa, phía trước ngõ nhìn ra, mò bắt những con cua, con cá.
Đang loay hoay thò tay móc vào một lỗ cua to, tôi chợt hốt hoảng hét toáng lên rồi rút vội tay, ném một con rắn văng ra xa. Trên ngón ray tôi là vết rắn cắn rỉ máu. Đứa em nhỏ sợ quá chạy ra đồng gọi bố mẹ.
Bố về, thấy tôi mặt tái nhợt, nằm im trên giường không nhúc nhích thì vội vàng ngồi xổm bên giường, cầm lấy ngón tay bị rắn cắn của tôi quan sát cẩn thận. Tôi cảm nhận rõ hơi thở lo lắng của bố, rất gần. Bố nhìn vết răng rắn một lúc rồi thở phào ngồi bệt xuống nhà, mỉm cười nhẹ nhõm: “Rắn nước thôi, không sao cả”. Bố nói và lau nhanh giọt nước mắt đang lăn dài trên gò má rám nắng, vẫn chẳng để ý đến đôi bàn chân đang rớm máu vì chạy vội trên đường đá lởm chởm.
Sau này mỗi lần kể lại chuyện đó, bố lại cười chọc tôi: “Nhờ có con rắn nước ấy mà mỗi buổi trưa bố cũng đỡ phải canh mấy đứa bây trốn ngủ đi dang nắng bắt cua nữa".
2.
Tôi cũng không sao quên được ngày thằng em út nghịch, chọc tổ ong bầu ở cây táo ngoài vườn. Khi đàn ong hung dữ lao vù vù đến, bố tôi đang hái táo, vội chạy đến phủ lên thằng con, che kín nó, mặc tấm lưng hứng lấy sự tức giận của đàn ong. Dù mặc áo lao động dày, nhưng bố cũng bị gần chục vết đốt ở tay và cổ.
Bố sốt mê man, nhưng khi vừa tỉnh, bố vội vùng dậy kêu tên thằng út. Nó chạy vào, bố đưa bàn tay còn sưng đỏ, ôm chầm lấy, rồi lại đẩy nó ra, nhìn chăm chăm khắp người nó. Thấy nó không sao, bố nhẹ cười - điệu cười còn nhọc nhằn lắm bởi mấy vết ong đốt ở cổ bị căng đau.
Lần đó, bố cũng phải mất mấy ngày mới khỏe hẳn. Nhưng bố luôn mỉm cười để trấn an mỗi khi chúng tôi thấy lo lắng cho bố. Bố làm gì cũng vậy, vẫn nghĩ cho gia đình, cho các con trên hết. Chị em tôi lớn lên, lần lượt đỗ đại học, bố già thêm, vất vả hơn nhưng nụ cười thì luôn tươi. Bố mừng vì chúng tôi nên người, không uổng công bố nắng mưa đồng ruộng.
3.
Tôi đi lấy chồng xa tít tắp, đi tàu cũng phải mất một ngày một đêm mới về đến quê. Bởi vậy lần nào tôi về, cả nhà lại tụ họp quây quần, bố ngồi ôm thằng cháu ngoại vào lòng cưng nựng, lắng nghe chị em tôi chuyện trò, ôn lại bao kỷ niệm tuổi thơ, những ngày còn khờ dại quẩn quanh bên bố mẹ.
Trên khuôn mặt bố hiện rõ nụ cười nheo nheo nơi khóe mắt, thi thoảng lại góp một câu chuyện thuở nhỏ của chúng tôi. Có những kỷ niệm nhớ đời, có những chuyện cười ra nước mắt, có chuyện chúng tôi còn nhớ nhưng cũng có những chuyện chúng tôi đã quên sạch. Vậy mà bố vẫn nhớ!
Chiều nay trời chuyển mùa, tôi nhớ bố nhiều hơn. Cứ mỗi lần chuyển mùa, bố lại bị bệnh đau lưng hành hạ. Cầm điện thoại gọi về nhà, tiếng bố bên đầu dây:
“A lô"!
“Bố ạ! Con đây! Bố mẹ có khỏe không"?
“Bố mẹ khỏe, vừa đi cắt cỏ cho cá về. Thằng cu có ngoan không? Tết cho nó về chơi với ông bà nhé"!…
“Dạ, lưng bố còn đau không? Chân tay mẹ con đã đỡ nhức mỏi chưa ạ? Có cần con gửi thuốc về không''?
“Ôi dào, bệnh tuổi già ý mà. Bố mẹ chả cần gì đâu, bây cứ lo công việc đi, Tết thu xếp cho cháu về chơi là ông bà hết bệnh ngay"! - Bố nói rồi cười “khà khà”.
Câu chuyện cứ xoay quanh đồng ruộng, vườn cây ao cá của bố mẹ, chuyện công việc của mấy đứa em tôi, chuyện học hành của thằng cháu. Trước khi cúp máy, tôi còn kịp nghe tiếng bố nói với mẹ: “Trông cho nhanh đến Tết, bà nhỉ”!