, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 24/01/2023, 20:00

Ở nơi không ngờ đến

CỐC VŨ
Thường có một mặc định, giếng thuộc về một mảnh ghép làm nên nét đặc biệt của làng Bắc bộ (cây đa, giếng nước sân đình). Còn Nam bộ, nhất là ở TP.HCM, nhắc đến giếng thì cứ lạ lạ, không quen. Hoặc rất lâu rồi, người dân không nhắc đến nó nữa. Ấy vậy mà giếng Bọng (ở gần đoạn giao Hồ Văn Tư – đường số 10, thuộc phường Trường Thọ, quận Thủ Đức) vẫn nằm đó bao nhiêu năm nay.
Rằm và mồng Một hằng tháng, bà con quanh giếng vẫn đặt hoa, thắp nhang.

Giếng Bọng nằm cạnh đường đi, không có rào chắn. Dầu vậy, nó vẫn được giữ gìn sạch sẽ, không bị rác bẩn quấn quanh. Bên chân thành giếng có một bình hoa cúc tươi và nhang đã cháy hết.

Nhìn qua thì thấy giếng không có chút bóng dáng gì của một chiếc giếng cổ; nhưng đại đức Thích Bửu Thanh, trụ trì chùa Linh Bửu – cách giếng vài bước chân – cho biết, giếng có từ lâu rồi. Xưa, giếng là nơi cung cấp nước cho cả vùng Thủ Đức này. Còn lâu là từ bao giờ thì sư trụ trì cũng chịu. Cũng không ai biết chính xác. Khi hỏi mấy người gần đó, người thì bảo “nghe đâu giếng có được hai thế kỷ rồi, cùng thời hoặc muộn hơn với sự ra đời của chợ Thủ Đức”, người thì “không biết đâu nhưng thiêng lắm”.

Trước đây, bà con Thủ Đức hay ra giếng giặt giũ.

Ông Trần Tấn Đạt (hơn 70 tuổi), nhà ở cách giếng không xa nói, dạo trước, bà con vùng này còn mang quần áo ra đây giặt giũ, gội đầu. Hồi bà ông (sinh năm 1890) còn sống, vẫn kể chuyện cho cháu về giếng Bọng. Khi bà sinh ra, giếng đã có rồi. Hồi đó miệng giếng rộng từ 2 - 2,5m. Thành giếng cao hơn thành giếng hiện tại, được xếp bằng những tảng đá vuông vắn. Nước trong giếng rất nhiều.

Tuy nhiên đến những năm 1970, giếng bị nhiễm phèn, không dùng được. Bà con tấp rác xuống giếng, ngày càng ô nhiễm. Một người tên là Ba Chấu thấy vậy liền kêu thanh niên kiếm mấy miếng ván bịt giếng lại.

Nước trong giếng được giữ gìn sạch sẽ.

Không biết có liên quan không nhưng ngay sau đó, chợ Thủ Đức (nằm cách đó không xa) cháy, tiếp đến là một dãy nhà cháy, khiến bà con vô cùng hoang mang. Các cụ trong vùng bàn nhau vét giếng cho sạch, kỳ lạ, sau đó mọi sự yên bề. Từ đó, giếng Bọng trở thành một nơi chốn “bất khả xâm phạm” của vùng đất này.

Chợ Thủ Đức có từ thế kỷ 17. Mà cái tên giếng Bọng, nghe cũng dân gian và xưa quá thể. Có ai biết sao lại có tên là giếng Bọng không? Không ai biết hết. Vậy mà nó cứ lặng lẽ ở đó như một nơi chốn linh thiêng, như một huyền thoại của phố phường, ngay tại thành phố có nền kinh tế phát triển bậc nhất này dù có được công nhận là di tích văn hóa hay không. Bất kể bao xới xáo về mặt hành chính, thời cuộc, bom đạn, chiến tranh.

Không ai biết vì sao giếng có tên là giếng Bọng.

Nơi nào có giếng, cũng có nghĩa nơi đó có hoặc đã từng có một ngôi làng. Còn giếng, nghĩa là còn lòng làng. Một ngôi làng hiện diện trong tâm thức, bất kể ngày nay, làng đã lên phố, người nông dân nay khoác áo thị dân nhàu nhĩ phố phường. Để nhắc rằng, không cứ ở những nơi quê mùa, ruộng mạc, mà ngay chính một nơi chốn không ngờ nhất, TP.HCM, TP. Thủ Đức, thành phố mới, tưởng rằng đã chạm vào sự phát triển, vào văn minh, dễ kéo tuột con người về bao ngã rẽ của cuộc đời và đầy lãng quên thì thẳm sâu trong đó, vẫn còn một đường về, như thuở ban đầu viết nên lịch sử đất và người.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm





Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất