, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 22/01/2024, 08:00

Về An Giang nhớ ghé làng chằm nón…

Hình thành từ những năm 1930, nghề chằm nón ở thị trấn Hội An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang truyền qua nhiều thế hệ. Dù không đông đúc như thời cực thịnh song nghề thủ công truyền thống bên dòng sông Hậu vẫn đem lại thu nhập khá cho hàng trăm gia đình.
Những người phụ nữ làm nghề chằm nón.

Rạch Cái Nai - một nhánh của sông Hậu, uốn quanh thị trấn Hội An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Bên dòng sông hiền hoà này, trăm năm trước đã hình thành nghề chằm nón lá. Theo nhiều bậc cao niên, nghề chằm nón theo chân những lưu dân miền Trung vào Chợ Mới sinh sống. 

Cùng với làng mộc Chợ Thủ, khởi nguồn làm nhà kiến trúc Huế, nghề chằm nón cũng mang nhiều nét đặc trưng của nón lá Huế. Đến nay, nguyên liệu lá chằm nón cũng từ lá Huế mang vào. Trải qua nhiều thăng trầm, nghề xưa vẫn giữ hồn cốt từ sự khéo tay, tỉ mẩn từng công đoạn. 

Nghề chằm nón ở thị trấn Hội An mang nhiều nét đặc trưng của nón lá Huế.

Ở tuổi 71, bà Trần Thị Nhịn, ngụ thị trấn Hội An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang vẫn thoăn thoắt chằm nón. Vừa làm, bà vừa giảng giải: “Lúc đầu cây chúc mình chẻ ra cọng vành, kiềng vô cái mô nón. Lá mua về thì vạch ra, kéo cho thẳng rồi hớt xâu lại lợp lên cái mô đó. Tuỳ vào độ khéo tay mà chiếc nón làm ra đẹp hay không”.

Bà Nhịn nói làm nghề nào thì yêu nghề đó. Cho nên từng tuổi này rồi nhưng ngày nào bà cũng làm. Không làm là thấy tay chân khó chịu.

Công việc đòi hỏi sự khéo léo.

Những năm 1980, nghề nón lá Hội An phát triển cực thịnh, có đến cả nghìn hộ theo nghề. Để giúp nhau, những nghệ nhân chằm nón chọn hình thức mần dần công để một gia đình nhanh có sản phẩm đem bán. Mỗi nhóm từ 10 - 15 thợ tập trung làm cho một hộ, đến khi nào đủ một thiên nón sẽ luân phiên sang hộ kế tiếp. 

Người thợ đang tỉ mẩn chằm nón.

Suốt trăm năm, người thợ chằm nón biến nét đẹp lao động, sự tận tâm để làm ra chiếc nón chất lượng, sắc sảo.

Có hơn 10 công đoạn để làm thành chiếc nón lá. Người chằm nón phải tỉ mẩn từng chi tiết nhỏ, không thể làm qua loa. Giá trị của chiếc nón cũng phân chia theo độ tỉ mẩn, hoàn hảo của sản phẩm. 

Để tăng nét duyên dáng, nghệ nhân trang trí thêm hoa văn và quét một lớp dầu bóng chống thấm nước. Mỗi ngày, người thợ chằm được 4 - 6 chiếc. Tùy theo độ dày, mỏng, khéo léo, mỗi chiếc nón có giá từ 35.000 - 120.000 đồng, thu lợi nhuận 50%. 

Lá được hơ trên lửa để làm thẳng.

Ông Nguyễn Hồng Phước, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Hội An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang cho biết: “Ngoài nón thương phẩm phục vụ đồng áng chúng tôi còn những sản phẩm hướng đến du lịch, giá trị cao. Định hướng trong thời gian tới, địa phương sẽ đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại; tăng cường cho vay vốn từ nguồn vốn ủy thác chính sách xã hội”.

Nón lá, khăn rằn theo người nông dân ra đồng, theo người phụ nữ đi sớm về trưa và theo chân nhiều du khách đi khắp năm châu. Có lẽ vì thế, với nghệ nhân chằm nón Hội An, giữ nghề như giữ hồn quê.  

(Bài viết do Tạp chí điện tử Nông thôn Việt phối hợp với Truyền hình Báo Tuổi Trẻ thực hiện) 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm

Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1




Một trận mưa xối xả, ào ạt khiến không gian ở quê trở nên mát lành hơn bao giờ hết.

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất